Chùa Ông không lớn lắm nhưng đã được xây dựng rất lâu từ thế kỉ XIX. Chùa nằm trên một đỉnh núi xung quanh cây cối um tùm, hoàn toàn cách biệt với cuộc sống xô bồ, náo động. Khách hành hương đến thăm chùa đều rất thích bởi sự yên tĩnh và cổ kính của không gian chùa gợi lên. Phong cảnh chùa y hệt như ngôi chùa ở núi Đọi trong thơ Nguyễn Khuyến:
Chùa xưa ở lẫn cùng cây lá
Sư cụ nằm chung với khói mây.
Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống, gồm ba toà, gian chính là tượng Phật Thích Ca, hai gian bên là tượng phật Quan Thế Âm Bồ Tát và Vạn Hạnh Bồ Tát. Mái chùa cong vút mang dáng rồng bay. Trước sân chùa là gốc cây bồ đề do sư cụ trụ trì đầu tiên của chùa Hạnh Duyên trồng vào năm 1895, đến nay như vậy đã được 110 tuổi. Đường đi lên chùa qua những con đường rải đá gập ngềnh, lối đi chỉ vừa đủ cho xe ba gác, xe ôtô phải đậu dưới chân núi, thế mà khách đến chùa vẫn đông nườm nượp.
Từ khi xây dựng đến nay chùa đã được trùng tu hai lần. Thực ra ban đầu chùa chỉ là một cái am nhỏ do sư cụ Hạnh Duyên dựng lên, đến năm 1920 sư cụ Vạn Hạnh được sự quyên góp của các phật tử gần xa mới bắt đầu xây cất lên thành ba gian chính như ngày nay. Đến năm 1968 lúc chiến tranh xảy ra ác liệt, chùa bị hư hỏng nặng, mái ngói bị đổ sụp xuống. Sư cụ Chem Đức đã tu sửa lại và hiện trạng ấy giữ nguyên cho đến ngày nay. Bởi vậy mà mái ngói và tường vôi phủ đầy rêu phong, so với các ngôi chùa khác ở vùng lân cận chùa Ông không được bề thế và hoành tráng, nhưng em lại rất thích cái dáng trầm tư vẻ nhỏ bé của ngôi chùa, bởi nó đã chứng kiến những bước đi dài của lịch sử quê hương, và chính dáng vẻ ấy của ngôi chùa đem lại cho khách hành hương sự tĩnh tâm cần thiết. Đặc biệt không gian xung quanh chùa được bao bọc bởi um tùm cây lá, và phía dưới chân dốc là con suối nhỏ bao quanh. Đến với ngôi chùa Ông ta như được thoát tục, lắng đi những đua chen của cuộc đời trần thế để tâm hồn phiêu lắng cùng mây gió.
Bạn hãy đến thăm chùa Ông đi! Cảm giác tuyệt vời ấy sẽ đến ngay với bạn.