Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Giá trị tư tưởng, nghệ thuật của thơ lãng mạn qua một số tác phẩm của Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử

Thứ bảy - 01/04/2017 11:37
Cách đây khoảng hai trăm năm, lần đầu tiên khái niệm văn học lãng mạn ra đời ở phương Tây. Chủ nghĩa lãng mạn trong thơ gắn liền với tên tuổi, tài hoa của Hai-nơ (Đức), Huy-gô (Pháp), Puskin (Nga)... Người ta không thể nói đến thơ mà không nói về thơ lãng mạn thậm chí còn có người khẳng định không lãng mạn không có thơ. Thơ lãng mạn mà đầu bài nói đến ở đây là thơ “Thơ mới” (1932- 1942). Nói “Thơ mới” là để phân biệt với thơ cũ (thơ đường luật, thơ cổ phong). Đã một thời thơ lãng mạn được coi là một thứ “Nấm lạ”. Hơn nửa thế kỉ qua, đã nảy sinh hai thái độ đối lập nhau trong việc đánh giá, cảm nhận Thơ mới; có người sùng bái thơ lãng mạn như một vật báu, cũng có người khinh rẻ nó như một “Dị vật”. Vậy thì giá trị tư tưởng, nghệ thật đích thực của lãng mạn là ở chỗ nào? Một lần nữa, qua một số thi phẩm tiêu biểu của các nhà thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, chúng ta hãy bình tâm nhìn nhận lại vấn đề này.
Thơ lãng mạn, trước hết, là sự bừng tỉnh của ý thức cá nhân, của cái “Tôi” cá nhân. Nói vậy, không có nghĩa là đến thơ lãng mạn cái “Tôi” mới xuất hiện. Cái tôi trong thơ lãng mạn cũng chỉ là biểu hiện một giai đoạn của cái tôi Việt Nam. “Cái tôi” là gì? Cái tôi - cá nhân là thực thể đầu tiên làm nên mọi hình thức cộng đồng; xã hội chỉ là xã hội khi có từng cá nhân, vì thế, cái tôi phải được tôn trọng, ở nước ta, cái tôi bắt đầu cựa quậy trong các tác phẩm nổi tiếng của những nghệ sĩ lớn thời trung đại (Nguyễn Du, Phạm Thái, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ...). Nhưng nó đã không đủ sức thoát khỏi vòng vây trói buộc trùng điệp của lễ giáo phong kiến. Với sự ra đời của thơ lãng mạn, cái Tôi được giải phóng ra khỏi những “Khuôn phép bất nhân” (Hoài Thanh). Nó thể hiện cái khát vọng được thành thật, được sống là mình, vì mình, cho mình. Trong lịch sử của thơ ca Việt Nam. Chưa bao giờ chữ “Tôi” xuất hiện với tần số cao như trong thơ lãng mạn. Tiếng nói trong thơ xưa là tiếng nói chung chung của một người nào đó. Tiếng nói trong thơ lãng mạn là tiếng lòng cụ thể của một cá nhân:
 
Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất
(Xuân Diệu- Hy Mã Lạp sơn)
 
Vô tình để gió hôn lên má
Bẽn lẽn làm sao lúc nửa đêm
Em sợ lang quân em biết được
Nghi ngờ đến cái tiết trinh em.
(Hàn Mộc Tử - Bẽn lẽn)
 
Qua thơ lãng mạn chúng ta thấy, cái tôi là cá nhân tự ý thức, là bản ngã đòi được khẳng định; cái Tôi đánh dấu một bước quan trọng trong tiến trình phát triển tư tưởng nhân loại. Sự xuất hiện cái Tôi - cá nhân đã thúc đẩy thơ phát triển thêm một bước.
 
“Ngày thứ nhất”, ai biết đích thực ngày nào, cái Tôi xuất hiện trên thi đàn Việt Nam. Chỉ biết rằng, trong thơ lãng mạn cái Tôi bắt đầu chớm nở ở thơ Tản Đà, sau đó ngang nhiên xuất hiện trong “Thơ mới”. “Thơ mới” là thể hiện trọn vẹn nhất, đầy đủ nhất của cái Tôi - cá nhân trên cả hai phương diện: tích cực và tiêu cực. Mới ngày nào, cái Tôi còn e lệ như một giai nhân đến từ “Núi lạ”. Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử là một trong các thi nhân đầu tiên nắm tay người giai nhân ấy giới thiệu cùng bạn đọc yêu thơ.
 
Sự bừng tỉnh và trỗi dậy của cái Tôi - cá nhân đem lại cho thơ lãng mạn một cái nhìn thế giới, mà trước đó chưa từng một lần xuất hiện. Đó là quan niệm mới mẻ về không gian, thời gian và đặc biệt là quan niệm mới về con người.
 
Thời gian trong thơ trung đại là thời gian vũ trụ có tính tuần hoàn theo nhịp điệu vĩnh hằng của tự nhiên. Vì thế, con người trung đại thường nhìn thời gian bằng con mắt bình thản (Nhàn một ngày là tiên một ngày). Trong thơ lãng mạn thời gian không phải là một đơn vị tuần hoàn.
 
Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật
Không cho dài thời trẻ của nhân gian
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại.
 
Với Xuân Diệu, thời gian là của cải, công danh sự nghiệp; thời gian đem lại cho con người tất cả, nhưng cũng chà đạp lên tất cá... Cho nên, con người phải chạy đua với thời gian.
 
Thời gian làm cho “Sự thật hôm nay không thật đến ngày mai”. Vì thế, thời gian trở thành nỗi ám ảnh không chỉ trong thơ Xuân Diệu mà là nỗi khắc khoải chung của các thi nhân lãng mạn.
 
Ở thời trung đại không gian trong thơ chủ yếu là không gian địa lí, với thơ lãng mạn, không gian ấy được mở rộng. Ngoài không gian địa lí còn có không gian xã hội, không gian tâm linh. Hàn Mặc Tử đã hơn một lần:
 
Van lạy không gian xóa những ngày
 
Sự khắc khoải không gian tràn ngập thơ Huy Cận. Huy Cận là nhà thơ về không gian. Nhà thơ thể hiện sự mênh mông của không gian qua những vật thể bé nhỏ, vì nó dễ gợi cảm giác cô đơn trước không gian “Trời rộng sông dài”. Nó mở ra trước mắt người đọc một không gian trống vắng không gì bù đắp nổi: không tiếng làng xa, không một cây cầu, không một tiếng đò, không khói hoàng hôn... Bốn điều không để khẳng định một điều có: có nhớ nhà. Nhớ nhà cũng là nhớ không gian. Trước không gian nhân vật trữ tình trong thơ Hàn Mặc Tử, Huy Cận, Xuân Diệu đều có chung một tâm trạng: không tìm được nơi trú ẩn trong không gian địa lí; rất cô độc trong không gian xã hội, và hoàn toàn cô đơn trước không gian tinh thần.
 
Bao trùm tất cả là quan niệm mới về con người. Con người trong thơ lãng mạn luôn luôn muốn thoát khỏi lễ giáo phong kiến. Mọi cảm xúc, cảm giác của con người trong thơ lãng mạn đều tươi mới, nguyên sơ. Cái Tôi - cá nhân khiến cho con người trong thơ lãng mạn không chịu sự chi phối của số phận như con người trong sử thi thần thoại. Con người trong thơ lãng mạn biết chủ động lựa chọn cho mình; đáng tiếc là sự lựa chọn ấy mới chỉ dừng lại ở vấn đề tình yêu và hôn nhân. Vì vậy, trong thơ lãng mạn, thơ tình phát triển hơn cả.
 
Trong tranh Tống cũng như trong thơ cổ, con người ít khi ở vị trí trung tâm, bởi vì người xưa quan niệm: Con người chỉ là mảnh vỡ của thiên nhiên, cố nhân thường lấy vẻ đẹp của thiên nhiên làm chuẩn mực để miêu tả con người. Ngược lại, trong thơ lãng mạn, đặc biệt là thơ Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Huy Cận thường lấy vẻ đẹp của con người làm mẫu mực để thể hiện vẻ đẹp của thiên nhiên. Đã nhiều lần Xuân Diệu viết:
 
- Mây đa tình như thi sĩ đời xưa
- Lá liễu dài như một nét mi
- Tháng giêng ngon như một cặp môi gần
 
Cả ba nhà thơ đều lấy “Con người làm thước đo” cho nguyên tắc mĩ học của mình.
Những quan điểm đổi mới về con người, thời gian, không gian đã đem đến cho thơ lãng mạn một cái nhìn nghệ thuật mới, tạo nên một thời đại thơ ca phong phú, đa dạng về phong cách. Tất cả các nhà thơ lãng mạn đều có điểm giống nhau về cái nhìn nghệ thuật. Nhưng mỗi nhà thơ lại là một tiểu vũ trụ, có “Chương trình sinh học” riêng. Vì những ám ảnh thơ ấu khác nhau, vì những khuyết tật thân thể, cũng như các hoàn cảnh sống riêng, cho nên Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mạc Tử có những phong cách nghệ thuật khác nhau. Xuân Diệu cảm nhận sâu sắc tinh tế về thời gian:
 
Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già
 
Khi yêu cảnh vật, hay yêu người tình, Xuân Diệu đều vội vàng vồ vập, vì trong khi đang yêu thì thi nhân thấy đang mất. Ở Xuân Diệu, sự mất mát, già nua, bệnh tật, chết chóc trở thành nỗi ám ảnh suốt đời:
 
Già sẽ đến giơ tay xua ánh sáng
Đuổi bướm chim làm sợ cả hoa hương
 
Trong khi đó thơ Huy Cận là ngọn “Lửa thiêng” của nỗi nhớ tiếc khôn nguôi không gian, thơ Hàn Mặc Tử là thơ “Tượng trưng - Siêu thực”. Thơ của Hàn Mặc Tử có sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố trữ tình và tư duy tôn giáo. Nhờ sự kết hợp này, nhiều bài thơ của Hàn Mặc Tử đậm đà cảm giác huyền bí thiêng liêng. Đó là “ánh thiều quang” khác lạ của thơ Hàn Mặc Tử so với các thi nhân cùng thời. Đúng là, trong lịch sử Việt Nam trước 1930-1945, “Chưa bao giờ có một thời đại phong phú như thời đại này. Chưa bao giờ, người ta thấy xuất hiện cùng một lúc một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kì dị như Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử... Và thiết tha rạo rực băn khoăn như Xuân Diệu”.
 
Linh hồn của thơ lãng mạn là cái Tôi - cá nhân, trong cái Tôi có yếu tố tích cực, yếu tố tiêu cực đan xen nhau. Khi cái Tôi đòi hỏi những hưởng thụ ích kỉ thì nó trở nên tiêu cực (Thơ say của Vũ Hoàng Chương).
 
Thơ lãng mạn còn thể hiện lòng yêu nước thầm kín của các thi nhân, ở thời kì ấy, con người không được thể hiện lòng yêu nước của mình một cách tự do, công khai. Lòng yêu nước đó, họ gửi vào tình yêu thiên nhiên. Thiên nhiên trong thơ Huy Cận, Hàn Mặc Tử, không phải là thứ thiên nhiên vay mượn theo bút pháp ước lệ, tập cổ. Các nhà thơ lãng mạn đã xóa bỏ thứ thiên nhiên giả tạo, công thức của thơ trung đại. Đây là những nét, những hình dáng màu sắc thật hài hòa của đất trời quê hương khi sang thu:
 
Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
Tóc buồn bông xuống lệ ngàn hàng
Đây mùa thu tới - mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng.
 
Còn đây là cảnh chiều về trên con đường quê hương qua tâm trạng của một người “Lần đầu rung động nỗi thương yêu”.
 
Con đường nho nhỏ gió xiêu xiêu
Lả lả cành hoang nắng trở chiều
 
Và đây nữa, những bức tranh thơ về thiên nhiên xứ Huế mộng mơ:
 
Sao anh không về chơi thôn Vĩ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
 
Ta gặp trong thơ lãng mạn bao nhiêu cảnh trí non sông không thể dửng dưng, và cũng gặp ở đó tấm lòng tự hào dân tộc, trân trọng truyền thống cha ông. Nữ sĩ Ngân Giang đã tạc tượng một Trưng Nữ Vương bằng thơ, bằng nhạc với một dũng khí lớn, một tâm sự lớn tượng trưng cho cốt cách tâm hồn phụ nữ Việt Nam:
 
Ải Bắc quân thù kinh vó ngựa
Giáp vàng, khăn trở lạnh dầu voi
Chàng ơi! Điện ngọc bơ vơ quá
Trăng chếch ngôi trời, bóng lẻ soi.
(Trưng Nữ vương - 1939)
 
Tấm lòng của nữ sĩ Ngân Giang, ba mươi năm sau đó (1969) vẫn còn khiến cho nhiều trí thức sống trong vùng Sài Gòn tạm chiếm xúc động. Thi sĩ Đông Hồ khi đọc những vần thơ trên cho sinh viên Văn khoa Sài Gòn đã cảm động và đột ngột từ trần ngay trên giảng đường trong vòng tay kính yêu của sinh viên.
 
Tinh thần yêu của các thi nhân lãng mạn còn được thể hiện ở tấm lòng trân trọng tiếng Việt và các sáng tác thơ văn viết bằng tiếng Việt.
 
Trong hoàn cảnh xã hội mà giai cấp thống trị muốn loại bỏ nền văn hóa dân tộc bằng tư tưởng sùng ngoại thì việc cánh diều thơ lãng mạn vẫn gắn bó với mạch nguồn văn hóa dân tộc là một điều đáng trân trọng. Lòng yêu nước trong thơ lãng mạn thường gắn liền với lòng yêu đời, yêu sống, khát khao giao cảm. Các nhà “Thơ mới” ghét cay ghét đắng lối sống “Mờ mờ nhân ảnh”. Với họ “Sống toàn tim, toàn trí, toàn hồn, Sống toàn thân và thức nhọn giác quan” mới thực là sống. Họ thà được “Một phút huy hoàng rồi chợt tối, còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”. Yêu đời, yêu sống nên trong khi nhiều thi nhân muốn thoát lên tiên, còn Xuân Diệu lại:
 
Không muốn đi, mãi mãi ở vườn trần
Chăn bám rễ để hút màu dưới đất.
 
Một tình yêu như vậy không dễ gì thực hiện được trong xã hội cũ. Vì thế, các nhà “Thơ mới” thường rơi vào tình trạng bi kịch, bế tắc. Lòng yêu đời trong thơ của họ nhanh chóng trở thành “Nỗi đau đời”. Điều này cho chúng ta thấy tại sao thơ lãng mạn thường buồn, có khi rất buồn. Con người không chỉ cần biết vui mà còn cần biết buồn. Xã hội Việt Nam thời tiền chiến quả là có nhiều chuyện đáng buồn. Trong thơ, nỗi buồn như giăng khắp không gian, thời gian.
 
Tôi là con nai bị chiều giăng lưới
Không biết đi đâu đứng sầu bóng tối.
(Xuân Diệu)
 
Sóng gợn tràng giang buồn điệp diệp
Con thuyền xuôi mái nước song song.
(Huy Cận)
 
Nỗi buồn trong thơ lãng mạn ít nhiều đều mang tính nhân văn - nhưng vì tôn thờ quan điểm thẩm mĩ: “Tuyệt vời là khúc thương tâm, Biết bao tiếng ngất thành ngâm muôn đời”, cho nên, đôi khi họ đẩy nỗi buồn lên đến cung bậc tuyệt đối quá. Huy Cận đã hơn một lần nói chuyện với “Các thi nhân đã chết tự bao giờ” trong không gian, thời gian thật thê lương:
 
... Chiều không nắng, không mưa
Không sương gió, chỉ có sầu vạn cổ...
 
Ở chừng mực nhất định, thơ lãng mạn vẫn có giá trị hiện thực. Nếu Nguyễn Vĩ nói một cách thẳng thắn: “Thời thế bây giờ vẫn thấy khó, Nhà văn An - Nam khổ như chó” thì Xuân Diệu viết tế nhị kín đáo hơn:
 
Cảnh đời cơ cực đang giơ vuốt
Cơm áo không đùa với khách thơ
 
Đây đó, trong thơ lãng mạn, chúng ta vẫn bắt gặp hình ảnh đáng yêu của những người lao động:
 
Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang.
(Hàn Mặc Tử)
 
Trên lĩnh vực nghệ thuật, Thơ mới đã tiến hành một cuộc cách tân thơ chưa từng có trước đó, tạo nên một thời đại mới, thi pháp mới có cho thơ ca tiếng Việt.
 
Thơ lãng mạn đã tích cực tiếp nhận tinh hoa của thơ phương Tây để hiện đại hóa thơ mấy thế kỉ trung đại, cha ông ta đã làm hết sức mình để hội nhập thơ Việt với thơ khu vực Đông Á. Hơn hẳn các thi nhân tiền bối, trong một khoảng thời gian ngắn, các nhà thơ lãng mạn đã đưa con thuyền thơ nước Việt hòa nhập vào dòng sông của thế giới hiện đại, họ đã vứt bỏ những luật lề gò bó, những khuôn phép bất nhân của thơ cổ, tích cực tìm cho thơ những nghệ thuật mới, phù hợp với những cảm xúc, cảm giác của cái tôi – trữ tình. Thơ lãng mạn đã hoàn thiện, cách tân nhiều thể thơ truyền thống. Ngôn ngữ thơ lãng mạn không phải ngôn ngữ ước lệ, dùng nhiều điển cố. Đó là ngôn ngữ xanh tươi của cuộc sống thường nhật, nhưng vẫn thấm đẫm chất thơ, thật hàm xúc và đầy tính nhạc. Có những câu thơ vừa đọc lên thì nhạc đã vang xa.
 
Sương nương theo trăng ngừng lưng trời
Tương tư nâng hồn lên chơi vơi.
(Xuân Diệu)
 
Thơ lãng mạn là một bước phát triển có ý nghĩa của thơ ca dân tộc. Là những nhà thơ tài hoa tiêu biểu cho phong trào Thơ mới, nhưng thơ của Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu không thể bao trùm hết toàn bộ giá trị của Thơ mới. Chúng ta chỉ có thể qua thơ của các ông mà hiểu thêm một phong trào cách tân thơ chưa từng có trong tiến trình lịch sử văn học dân tộc “Thơ hôm nay” vẫn còn tiếp tục kế thừa từ thơ lãng mạn những bài học nghệ thuật quí báu.

Nguyễn Thị Thu Hằng

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây