Và trâu còn được người nông dân Việt yêu quý bởi những lợi ích nhiều mặt về vật chất và tinh thần. Những chú trâu lông xám, hoặc xám đen, thân hình vạm vỡ, thấp, ngắn, bụng to, mông dốc, sừng hình lưỡi liềm và hai đai trắng ở cổ và hai xương ức, chính là trâu Việt Nam, chúng được thuần hoá từ trâu rừng với sức bền dai, thân hình vạm vỡ. Những chú trâu này đã đem lại nhiều lợi ích vật chất cho người nông dân Việt. Đó là làm công cụ lao động đắc lực. Trâu thường kéo một ngày 3-4 sào ruộng. Không những thế, chúng còn là phương tiện vận chuyển hàng hoá và thóc lúa. Những chú trâu Việt vừa thân thiện vừa có lợi ích nhiều.
Chính vì thế, ông bà ta xưa có câu "Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Trong đời sống vật chất của người nông dân không thể thiếu những món ăn từ sữa và thịt trâu. Trâu có thể cung cấp một lượng thực phẩm dồi dào và lớn. Trâu cái cho tỉ lệ thịt xẻ 42%, trâu thiến là 45% và trâu đực hai tuổi là 48%. Ngoài ra trong một chu kì vắt sữa, trâu có thể cho 400 - 500kg sữa. Khả năng cho phân của trâu cũng rất lớn, nhờ có phân trâu mà đồng ruộng, cây cối ở các làng quê thường xanh tốt. Có thể nói, những lợi ích từ trâu là rất nhiều, thế nên chúng luôn được người nông dân yêu quý và coi trọng.
Ngày nay, với sự phát triển của xã hội, nhiều người dân rất ưa dùng hàng Mĩ nghệ. Và bạn có biết những đồ vật như lược, trống, quai cặp, giày dép là làm từ đâu không? Một số được gia công bằng nguyên liệu từ trâu đấy các bạn ạ. Sừng trâu được người thợ dùng làm lược, những chiếc lược giản dị và xinh xắn. Da trâu được dùng để thuộc trống, và còn nhiều hàng tiêu dùng khác nữa. Trâu như người bạn thân gắn bó đối với đời sống tình cảm của người nông dân Việt Nam.
Con trâu gắn bó với người nông dân Việt Nam với các làng quê. Bấy nhiêu đã đủ để mọi người hiểu được tầm quan trọng của con trâu trong đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân Việt Nam. Nó xứng đáng là biểu tượng tượng trưng cho làng quê Việt Nam, của đất nước Việt Nam.