Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Em hãy tưởng tượng em là nhà văn Nam Cao. Một hôm, em gặp một bà già đang quằn quại chết. Em đi gặp người trong làng hỏi han và biết rõ chuyện bà cụ. Em hãy viết và kể lại việc đi gặp người làng, hỏi chuyện họ, nghe chuyện họ và nói cảm xúc của em.

Thứ sáu - 01/12/2017 03:54
Một hôm tôi có dịp về làng cũ để thăm hỏi tình hình sức khỏe bà con cô bác sau bao năm xa cách và tôi sẽ viết một bài về tình hình đời sống của làng mình.
Tôi đang đi trên con đường mòn cũ đến đầu làng bỗng nghe thấy một tiếng hò con: “Con ơi, mày bỏ tao mày đi để tao sống khổ sở thế này đây con ơi là con ơi... tao đến phải theo bố con mày mất thôi con ơi là con ơi”. Tôi đứng lại ghé nhìn qua chiếc cửa tre hở hốc thì thấy một bà cụ đang quằn quại chờ chết, mắt trợn, sùi bọt mép. Tôi chạy thật nhanh về nhà cô tôi gọi cô sang xem tình hình của bà cụ đó. Đến nơi thì bà cụ đã chết. Cô tôi chạy đi gọi người làng đến đông đủ và làm lễ mai táng. Bà cụ già khổ sở chỉ có độc một đứa cháu gái, lại ở xa không về kịp. Làm lễ mai táng bà xong, tôi hôm đó, tôi hỏi cô tôi đầu đuôi câu chuyện về bà cụ già đáng thương đó. Cô tôi bắt đầu kể về bà cụ:
 
- Cháu biết không, bà cụ đó khổ lắm, cô không thể nào tả nổi nỗi khổ của bà đó cho cháu nghe được cháu ạ. Như cháu đã biết đấy, bà ấy chỉ còn có một đứa cháu gái lại phải đi ở xa, chồng bà chết đã lâu để lại đứa con trai bé tí. Bà nuôi lớn lấy vợ chưa được bao lâu thì nó lại bỏ bà nó đi theo bố nó để lại đứa con mới lên hai. Còn con vợ nó, chồng mới chết xong tang thì đã vội vàng đi lấy chồng khác để lại đứa con thơ cho bà cụ già đã ngót nghét bảy mươi trông nom. Bà cụ nuôi nó đến khi có thể bế em, chăn trâu, cắt cỏ được thì lại phải bán đi lấy tiền cải mả cho bố nó được mát mẻ. Bà phải đi buôn rồi lại đi trông trẻ con trong làng như một đứa con nít, nhưng rồi không ai thuê bà nữa. Bà phải “về hưu”.
 
Một buổi chiều cô đang ngồi hóng mát thì thấy bà cụ đi về dưới dáng điệu khó nhọc. Bà nói với cô: “Bà Phó Thụ hôm nay cho tôi một bữa thật là no vác cái bụng về nhà cũng đủ mệt”. Suốt hôm đó cô không ngủ được vì bà cứ lăn lóc trên chiếc giường tre kẽo kẹt kẽo kẹt. Thỉnh thoảng bà lại hờ con nghe rợn cả người: “Con ơi, tao đến phải theo bố con mày mất thôi con ơi là con ơi”. Cứ như vậy hơn nửa tháng trời, hôm nào bà cụ cũng hờ con và lăn lóc trên chiếc giường tre cũ kĩ. Hôm qua bà đi theo chồng con bà thật...
 
Nói đến đây nước mắt của hai cô cháu tôi đều nhòe đi vì thương cảm. Tôi thầm nghĩ phải làm gì đây để đừng bao giờ xảy ra cảnh đau đớn như vậy nữa.

Bài làm 2
 
“Oi ối! Oi giời ơi, làng nước ơi!... ”
 
Sau những tiếng kêu thảm thiết như của người sắp chết ấy là một loạt tiếng chân chạy rầm rập, thình thịch đổ dồn về phía một ngôi nhà tồi tàn rách nát ở cuối xóm. Tôi cũng chạy theo đoàn người ấy. Tôi vào trong nhà. Trước mắt tôi là một nhóm người đứng vây quanh một bà cụ gầy còm sấp thở hơi thở cuối cùng. Tay bà run run, miệng bà nói ú ớ không ai hiểu gì cả. Nhưng trông mặt ai cũng có vẻ thương bà lão không con cái này. Chợt tôi nhìn thấy bác hàng xóm của tôi và cũng là bạn tôi đang đứng gần giường bà lão. Tôi vẫy tay ra hiệu cho bác ta ra ngoài cửa nói chuyện. Chúng tôi cùng tách ra.
 
- Này bác ơi, bác có biết vì sao bà lão đáng thương ấy chết không? Trông vẻ bà ta như chết đói thì phải. - Tôi nói.
 
- Đúng đấy bác ạ! Bà ấy chết đói đấy. Còn tôi biết thì thế này bác ạ. Chả là thế này, bà ấy có con. Nhưng anh ta chết rồi để lại cho bà lão đứa con. Năm ngoái bà lão bán cái đĩ tức là cháu của bà ta ấy. Được mấy đồng thì cải mả cho con trai gần hết, còn đâu thì đi buôn. Gần đây, khoảng nửa năm lại đây, bà ta ốm, ốm thập tử nhất sinh. Sau đó thì có vẻ yên yên. Nửa tháng trước, bà đi ăn cơm ở nhà bà Phó Thụ. Sau đấy, khi về thì bà ta ốm. Bây giờ thì bà ấy chết.
 
- Thế bà Phó biết chưa? - Tôi vội hỏi luôn.
 
- Bà ấy biết rồi. Lúc nãy, bà ta đến bảo: “Ôi giời ơi! Cái con mẹ ăn xin ấy đến nhà tôi, làm một bữa no căng như con cóc chết. Bây giờ thì chết rồi, khéo lại chết no không biết! ” Khổ thân bà lão quá, đến chết còn bị người ta nói nữa.
 
- Bà Phó nói thế mà được nhỉ. Bà lão đáng thương chớ có đáng buồn cười đâu mà lại nói như thế. Không biết bà ta là hạng người nào. Thật là quá đáng.
 
Tôi vừa nói vừa thương bà lão mà lại bực bà Phó, bác hàng xóm nói:
 
- Chắc cháu bà chưa biết. Ta đến báo đi.
 
Tôi đồng ý luôn. Thế là chúng tôi đi... Nhà bà lão ở cuối xóm. Nhà bà Phó lại ở đầu xóm nên con đường đi khá xa, nhưng chúng tôi đi khá nhanh.
 
Mới đến gần nhà bà Phó mà tiếng bà đã eo éo:
 
- Bọn mày xem đấy. Người ta đói đến đâu cũng không thể chết, nhưng no một bữa là đủ chết. Chúng mày cứ liệu mà ăn cho tợn vào.
 
Tôi bực mình bảo bác hàng xóm:
 
- Thôi bác ạ, ta về đi. Thế này là đứa cháu bà ta biết rồi. Thôi tôi không muốn ở đây thêm chút nào nữa đâu. Ta về đi...
 
- Ở đời là thế đấy bác ạ. Những người nghèo bị bóc lột, đến khi chết vẫn bị bọn ăn trắng mặc trơn xỉ vả, mỉa mai. Làm như bọn chúng không hề gây ra một tội ác nào cả. Bác hàng xóm trả lời.
 
Thật là một bà già đáng thương, rất đáng thương. Cặm cụi làm còm cọm cả cuộc đời mình cho con cháu mà bị bọn nhà giàu làm cho chết thê thảm thế này đây. Đến khi chết còn bị bọn chúng vu không là chết no. Làm như là bọn chúng toàn đói hết, chưa no một bữa nào cả. Sao mà đời bất công như vậy?

(Bài của Hoàng Minh Đức)

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây