Trong thời đại công nghiệp, không ai còn sống theo kiểu đó nữa. Tuy nhiên, trong xã hội lúc bấy giờ, không ít người nuối tiếc quá khứ một thời, cố bám víu lấy nó bằng cách xây dựng cho mình những ảo vọng, những lí tưởng phù du, xa rời thực tế. Họ say mê đọc những cuốn tiểu thuyết hiệp sĩ được bày bán nhan nhản trên hè phố khiến cho đầu óc ngày càng mê muội. Xéc-van-téc nhận thấy rõ căn bệnh xã hội này và tiểu thuyết Đôn Ki- hô-tê ra đời là một thông điệp của nhà văn trước hiện tượng đó.
Xéc-van-téc viết Đôn Ki-hô-tê không phải để ca ngợi tinh thần hiệp sĩ mà là để phê phán một tư tưởng đã quá lỗi thời. Ông sáng tác một tác phẩm theo đúng kiểu tiểu thuyết hiệp sĩ nhưng đọc lên ai cũng hiểu ông muốn nói gì. Ông xây dựng một nhân vật hiệp sĩ già nua (dấu hiệu của sự hết thời), đầu óc chứa đầy những ý tưởng tốt đẹp nhưng phi thực tế, do đó không sao thực hiện nổi bởi lực bất tòng tâm và hoàn cảnh xã hội cũng không còn như trước nữa. Những thất bại liên tiếp trong trạng thái u mê của nhân vật này chính là lời cảnh tỉnh đối với những người chỉ thích sống trong hoài niệm cùng những lí tưởng viển vông.