Trong cuộc sống của chúng ta có biết bao điều rất khó định nghĩa hoặc khó định nghĩa một cách chính xác và đầy đủ. Chẳng hạn bạn sẽ trả lời thế nào nếu có câu hỏi: Nghệ thuật là gì? Nghệ thuật là cái đẹp - câu trả lời đúng nhưng không đủ. Nghệ thuật có khi là những đường nét man dại thô sơ trên những dụng cụ thời cổ đại, có khi là cách tạo ra một nhân vật làm cho mọi người đều khiếp sợ .... Vậy có nên chăng khi chúng ta chấp nhận quan điểm “Nghệ thuật là tôi, khoa học là chúng ta”. Và cái tôi của nghệ thuật đó biểu hiện như thế nào? Có thể đó là cái tôi duy cảm, cũng có thể là cái tôi mang tính công nhân, nhưng trước hết đó phải là cái tôi đầy cá tính và mang sắc thái riêng. Trong văn học cũng thế, nói về tính độc đáo trong phong cách sáng tạo, có ý kiến cho rằng: “Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo, vì vậy nói đòi hỏi người sáng tác phải có phong cách nổi bật, tức là có gì đó rất riêng, mới lạ, thế hiện trong tác phẩm của mình". Ý kiến trên rất bao quát nhưng cũng đưa ra được một khía cạnh mà nghệ thuật đòi hỏi: phong cách. Trong văn đàn Việt Nam, nói về phong cách có lẽ không ai có thể qua được Nam Cao và Nguyễn Tuân - hai tác giả truyện ngắn đặc sắc.
Nhà vật lý học nổi tiếng thế giới Einstein từng nói: “Trước hết là các nghệ sĩ lớn, sau đó mới đến các nhà khoa học, họ xứng đáng được hưởng hơn ai hết sự kính trọng của con người”. Nhà nghệ sĩ đó chính là nhà sáng tạo “cái đẹp để cứu vớt nhân loại". Nghệ thuật là một khái niệm rất trừu tượng, nhưng nhiệm vụ mà nghệ thuật phải hoàn thành thật to lớn. Bởi thế người ta đưa ra một ý kiến thật đúng “nghệ thuật là cái độc đáo". Thật vậy, tác động vào tâm hồn của con người không phải là chuyện dễ, để đột phá vào thế giới nhỏ bé riêng tư, nhà văn cần dùng một phương tiện cũng phải rất riêng đó là phong cách. Họa sĩ Ruskin đã nói rằng “Nghệ thuật - đó là sự mô phỏng tự nhiên". Tuy quan điểm đó hoàn toàn không đúng, nhưng theo ý kiến trên ta thấy được cùng là sự mô tả, để tránh nhàm chán, người nghệ sĩ phải thêm vào tác phẩm sự sáng tạo để lại dấu ấn của riêng mình trên từng trang viết. Đây chính là phong cách, đặc điểm quan trọng nhất để nhận ra nhà văn qua tác phẩm của họ.
Truyện ngắn cũng là một lĩnh vực rộng lớn của văn học. Truyện ngắn Việt Nam bắt đẩu khởi sắc từ những tác phẩm của Tự lực văn đoàn ... nhưng đến thời điểm của Nam Cao thì loại hình văn học này mới đạt được đỉnh cao của nó. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, văn đàn Việt Nam không thiếu những tác giả tài hoa như Thạch Lam, Nguyễn Công Hoan ... nhưng hai phong cách nổi bật nhất, theo tôi có lẽ là Nam Cao và Nguyễn Tuân. Không có một người nào đã từng theo dõi văn học nước nhà mà không biết đến dáng đi ngật ngưỡng trong cơn say và gương mặt lằn dọc của Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên được Nam Cao viết năm 1941. Phải nói rằng đây là một truyện ngắn thật xuất sắc mà trong đó Nam Cao đã bộc lộ phong cách của mình rất rõ rệt. Tác phẩm Chí Phèo ra đời muộn màng, khi Tắt đèn của Ngô Tất Tố và Bước đường cùng của Nguyên Công Hoan đã đứng sừng sững trên văn đàn Việt Nam. Vậy mà Chí Phèo không những không bị chìm đi mà còn tỏa sáng lấn át hai tác phẩm sớm ra đời. Tại sao vậy? Nguyên nhân chủ yếu là vì tác phẩm có nội dung tuy không mới nhưng lại rất lạ và rất riêng. Ông Nguyễn Đăng Mạnh đã nhận xét rằng: “khi Chí Phèo ngật ngưởng bước ra từ tác phẩm của Nam Cao, người ta nhận thấy rằng đây là hình ảnh thê thảm nhất của người nông dân trong xã hội". Không biết Nam Cao đã mất bao nhiêu thời gian để quan sát, tìm hiểu và tạo nên tiếng chửi của Chí Phèo. Tiếng chửi của anh ta khó chịu lắm, nó thông thốc đập vào tai người đọc, nó như thách thức cả cuộc đời... Chí Phèo chửi mọi người mà như không chửi ai, không còn biết tại sao mình lại chửi. Chua xót hơn anh ta lại chửi cả “đứa chết mẹ nào" đã sinh ra anh ta. Tiếng chửi của Chí Phèo là một sự phủ nhận mạnh mẽ: phủ nhận xã hội, phủ nhận cả bản thân mình... Ngòi bút của Nam Cao mang tính khái quát hóa rất cao, qua tiếng chửi của Chí Phèo ta như thấy thấp thoáng dáng dấp của Binh Chức, Năm Thọ, những con người chịu một số phận tương tự như Chí Phèo: bị bần cùng hóa rồi lưu manh hóa.
Truyện ngắn Chí Phèo chứng tỏ bút lực cũng như phong cách của Nam Cao khá hoàn toàn. Có lẽ không ai ngoài Nam Cao có thể tạo cho Chí Phèo một dáng đi ngật ngưỡng, tiếng chửi chói tai mọi người và đôi mắt đỏ ngầu trừng trừng nhìn vào hiện thực để rồi chết ngộp trong hiện thực. Nam Cao đã thể hiện qua tác phẩm của mình qua cái tôi duy cảm, sự việc xảy ra trong tác phẩm đi theo màu sắc tư tưởng của ông.
Cùng trong thời kỳ của Nam Cao nhưng Nguyễn Tuân là một nhà văn lãng mạn. Tập truyện Vang bóng một thời đã đưa tên tuổi ông vào vị trí rất cao trong văn đàn Việt Nam. Nguyễn Tuân là người nặng lòng hoài cổ, ông yêu mến và mong vớt vát được những nét đẹp để ấp ủ tâm hồn trong xã hội hiện đại. Thế mà Vang bóng một thời có một giọng văn của cụ già ngồi ôn lại năm tháng tươi đẹp đã qua trong cuộc đời mình. Chữ người tử tù là một truyện ngắn khá tiêu biểu trong chuỗi những hoài niệm nét đẹp xưa. Hẳn là ta không bao giờ quên được cái ngông ngạo của Huấn Cao, một người tù trước gông cùm và quan lại. Đó là nét đẹp tỏa sáng nhất mang đậm tính cách của nhà chí sĩ và trong đó cũng mang dấu ấn của phong cách Nguyễn Tuân.
Huấn Cao là người viết chữ đẹp có tiếng, nhưng đích thực là một nhà nghệ sĩ ông coi thường việc đó: Tính ông vốn khoảnh, trừ chỗ bạn bè thân thiết tôi chẳng bao giờ cho chữ ai cả". Huấn Cao biết rõ rằng chữ nghĩa là của thánh hiền, ông coi thường những kẻ khoa tay múa bút. Người ta thường nói văn tức là người, do vậy qua hình ảnh của Huấn Cao ta thấy thoáng hiện một Nguyễn Tuân với vầng trán cao rộng, với đôi mắt tinh anh, cũng ngẩng cao đầu trong thử thách, cũng khẳng định đem văn của mình ra làm món hàng mua bán.
Huấn Cao có tính ngông thật nhưng không phải vì vậy mà ông không thấy được tấm lòng chân thành của viên quản ngục. Thử hỏi làm sao người như Huấn Cao có thể làm ngơ trước một mong ước rất thanh cao của viên quản ngục, những dòng chữ vuông vắn đầy cá tính của một người tù có nhân cách vượt trội hơn nhiều so với những kẻ xử án. Thực sự Nguyễn Tuân đã tạo nên những hình ảnh nức lòng người đọc, gian phòng giam mù mịt khói ấy đang tỏa ra ánh sáng của nhân cách con người. Người tử tù quên rằng sáng mai mình sẽ bị hành hình, viên quản ngục hướng lên cái đẹp với tấm lòng trong sáng, người tù cúi xuống nâng tâm hồn ông ta lên bằng khí phách của bản thân mình. Trong Chữ người tử tù nói riêng; và Vang bóng một thời nói chung, Nguyễn Tuân đã thể hiện cái tôi yêu mến và thương tiếc cái đẹp. Nguyễn Tuân là cầu nối giữa vẻ đẹp xưa với ngày nay.
Một câu hỏi đặt ra là phong cách của một người có thể bị thay đổi không và thay đổi như thế nào? Theo tôi sự thay đổi là một quy luật của cuộc sống, không có vật gì luôn tồn tại như lúc ban đầu. Cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, xã hội đổi khác. Cái không khí xã hội tạo nên nỗi bức xúc cho sáng tác của các nhà văn không còn nữa. Phản ánh luận cho rằng những gì thuộc về tâm tư tình cảm của con người đều có thể gọi là hiện thực.
Nam Cao viết truyện ngắn Đôi mắt luận giải cho hiện thực trong tâm hồn những người nghệ sĩ đang “nhận đường” để phù hợp với thời đại mới. Còn Nguyễn Tuân thì lại tìm thấy niềm vui trong sự xây dựng tập tùy bút Sông Đà như tiếng lòng ông hồ hởi hòa vào nhịp máy reo vang trên mọi miền đất nước. Thế nhưng cho dù có thay đổi, điểm cốt lõi nhất của phong cách họ vẫn còn đó. Cách nhìn và lối sống có thể biến chuyển nhưng phong cách nghệ thuật cũng như cá tính con người vẫn luôn tồn tại. Trong truyện ngắn Đôi mắt ta bắt gặp một Nam Cao đang cố gắng hòa mình vào nhịp sống mới, trong đó không tránh khỏi những suy tư, băn khoăn với chính mình. Nam Cao, người đã tạo nên nhân vật nhà văn Hoàng đầy cá tính. Nhưng khốn nỗi anh ta ra vẫn giữ những quan điểm cũ về con người và cuộc sống, vì thế anh ta trở nên lạc lõng trong xã hội mới. Vẫn giọng văn ấy, vẫn lối kể chuyện đầy lôi cuốn ngày xưa, nhưng tư tưởng của Nam Cao đã thay đổi rất nhiều.
Thật vậy, trong thời buổi kháng chiến mà anh Hoàng còn cần một cái bàn viết cho ra hồn mới ngồi vào đây sáng tác thật là lạ. Con người dù sao đi nữa cũng phải cố gắng hòa nhập vào xã hội, cùng sống cùng sinh hoạt như mọi người quanh mình chứ. Nam Cao là nhà văn hay phát biểu quan điểm của mình trong tác phẩm. Đôi mắt có thể được coi là tuyên ngôn nghệ thuật của ông. Trong giai đoạn văn nqhệ sĩ phải “nhận đường" để lao vào những trận chiến mới, Nam Cao ý thức rất rõ nhiệm vụ của mình. Điều đó cho thấy ngòi bút của Nam Cao rất tích cực. Tuy sáng tác theo một hướng mới nhưng Nam Cao không hề mất đi phong cách của mình, ta vẫn gặp ở đây giọng văn gợi tả tỉ mỉ của Nam Cao như muốn vẽ rõ từng nét, từng nét dáng vẻ của Hoàng trước mặt độc giả: "hai cánh tay như bơi trong không khí, khối thịt ở hai nách kềnh ra, những ngón tay múp míp". Độc giả yêu thích Nam Cao có lẽ thở phào nhẹ nhõm vì nhà văn quen thuộc của mình vẫn còn đó, vẫn là Nam Cao - truyện Đôi mắt vẫn lôi cuốn không kém tác phẩm nào.
Nguyễn Tuân cũng thế. Tuy cái giọng văn u hoài của Vang bóng một thời không còn nữa nhưng đặc điểm nổi bật nhất của Nguyễn Tuân là chất ngông thì lại không thay đổi. Đó là chất ngông trong văn của Nguyễn Tuân, từ cái ngông của người hay chữ như Huấn Cao chuyển sang cái ngông của người coi sông nước Sông Đà như ao nhà mình. Đó đây trong tùy bút Sông Đà ta bắt gặp những mảng thiên nhiên trong sáng: một cánh rừng phủ xanh màu xuân mới, đàn nai nhẹ nhàng uốn sắc mây ôm trôi trên sông Đà ...
Truyện ngắn là một lĩnh vực thú vị của văn học. Nó ghi lại sự việc xảy ra trong thời gian và không gian xác định nhưng không vì vậy mà giá trị của nó bị thu hẹp. Những nhân vật Chí Phèo, Huấn Cao, Hoàng, Ông lái đò... là những hình tượng nghệ thuật đặc sắc tạo bởi năng lực sáng tạo của nhà văn Povlenko nói rằng: “Tôi thu nhập hình tượng cũ như con ong hút mật vậy. Một con ong phải bay một đoạn đường băng sáu lần xích đạo trong một năm ba tháng và đậu lên bay triệu bông hoa để làm nên năm trăm gam mật". Khó khăn biết bao khi người ta muốn vươn đến nghệ thuật thật sự. Thế nhưng con người vẫn không ngừng đi tìm cái đẹp, phong cách nghệ thuật độc đáo cho riêng mình. Phải chăng quá trình ấy cũng đầy gian nan không kém gì lao động của các nhà khoa học. Nhà văn Nga Makxim Gorki nói rằng “Văn học là nhân học", vậy thì vượt gian lao để tìm đến sự hoàn thiện con người, đến nhân học, chính là sứ mạng cao quý của những người cầm bút.