Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Em có cho rằng: Phê phán thái độ thờ ơ, lạnh nhạt với con người cũng quan trọng và cần thiết như ca ngợi lòng vị tha, tình đoàn kết? Hãy viết bài văn nêu ý kiến của em về vấn đề này.

Thứ bảy - 02/07/2016 01:15
Từ muôn đời nay, cha ông ta đã từng khuyên răn con cháu:

" Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước thì thương nhau cùng"
Và:
“Thương người như thể thương thân”.
Tất cả những lời khuyên ấy đều hướng đến một mục đích là giáo dục lòng vị tha, tình đoàn kết và tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng. Song cuộc đời bao giờ cũng có hai mặt, mặt trái và mặt phải luôn cùng song song tồn tại.
 
 Bên cạnh những con người luôn biết yêu thương người khác, luôn biết sống vì mọi người vẫn còn không ít những kẻ sống vị kỷ, chỉ biết mình mà không biết đến lợi ích của cộng đồng. Chính vì lẽ đó mà “Phê phán thái độ thờ ơ, lạnh nhạt với con người cũng quan trọng và cần thiết như ca ngợi lòng vị tha, tình đoàn kết”.
 
Sách luận ngữ có câu “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” (Điều gì mình không muốn đừng làm cho người khác). Câu nói này đã đề cập đến một phương diện vô cùng quan trọng trong cách đối nhân xử thế. Đó là một quan niệm tích cực trong việc giải quyết mối quan hệ “Tôi và chúng ta”. Xã hội chỉ thực sự tiến bộ khi mọi người biết điều hoà một cách hợp lí mối quan hệ cộng đồng này.
 
Lòng vị tha, tinh thần đoàn kết được thể hiện qua việc mỗi người biết sống vì mọi người. Vị tha là “vì người khác”, là biết chia sẻ, cảm thông và thương yêu con người bằng một tình cảm chân thành. Lòng vị tha giúp con người vượt lên trên mọi thù hận, mọi ganh ghét cá nhân để cùng sống vì lợi ích chung.
 
 Vượt lên trên những tính toán vị kỷ, con người sẽ sống cao thượng hơn, sẽ thanh thản hơn. Khi ai đó mắc lỗi với mình, người có lòng vị tha là người biết giúp người có lỗi nhận ra lỗi lầm để rồi vượt lên chính mình mà trở thành người tốt. Con người vị tha là con người có khả năng vượt lên trên mọi điều tính toán nhỏ nhoi, để sống nhân hậu hơn. Từ lòng vị tha, biết sống vì mọi người của mỗi người sẽ tạo nên một cộng đồng đoàn kết, yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau.
 
“Một cây làm chẳng lên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.
 
Lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, chống chọi với thiên tai, địch họa của nhân dân ta là những minh chứng hùng hồn và thuyết phục nhất cho chân lí này. Một dân tộc Việt Nam nhỏ bé đã chiến thắng bao lượt kẻ thù mạnh hơn gấp bội, đó là nhờ tinh thần đoàn kết của mọi lớp người trong xã hội. Xưa nhà Trần chiến thắng quân Nguyên cũng một phần nhờ lòng vị tha và tinh thần đoàn kết ấy.
 
 Hai vị tướng giỏi là Trần Quang Khải và Trần Quốc Tuân, đã đặt lợi ích dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, quên thù riêng mà một lòng đánh giặc Người Việt Nam vốn rất trân trọng và luôn nêu cao lòng vị tha của mình. Hai bản tuyên ngôn độc lập bất hủ của dân tộc Việt Nam Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi và Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh đã nêu cao tinh thần ấy. Đối với kẻ thù vẫn mở đường “hiếu sinh”.
 
Trong xã hội hiện đại với nhịp sống xoay vần đến chóng mặt này, nhiều khi, sự ích kỷ cá nhân đã lấn át lòng vị tha. Con người nhiều khi chỉ quan tâm đến lợi ích của riêng mình. Đề cao cái tôi mà quên đi cái chúng ta nên nhiều người đã trở thành vị kỷ. Và từ đó mà họ trở nên vô tâm, vô cảm trước nỗi đau của đồng loại.
 
 Họ không còn biết xót xa trước số phận chìm nổi lênh đênh của nàng Kiều, họ vô tình đến nhẫn tâm đối với những người khốn khổ xung quanh mình. Chúng ta đã gặp không ít trên đường phố ngày nay những cảnh mua bán chụp giật, những thái độ độc ác đối với trẻ em lang thang và nhưng người kém may mắn. Trước nỗi đau của người xung quanh, người ta vẫn thản nhiên như không.
 
 Tâm hồn nhiều người ngày càng chai sạn và trong họ không còn lòng trắc ẩn. Đã vắng dần nhưng niềm cảm thông, những sự san sẻ. Thái độ thờ ơ lạnh nhạt đối với cuộc sống xung quanh, chỉ quan tâm đến lợi ích của mình, vô trách nhiệm với cộng đồng sẽ dẫn con người đến sự vô tâm và tàn nhẫn. Vì mình, ai đó có thể giẫm đạp lên kẻ khác và đạo đức xã hội sẽ dần bị băng hoại. Vì vậy, thiết nghĩ cần phải biết phê phán thái độ thờ ơ, lạnh nhạt đối với người xung quanh một cách mạnh mẽ không kém gì việc chúng ta đã rất nhiệt tình ca ngợi lòng vị tha, tình đoàn kết.
 
Thái độ thờ ơ, lạnh nhạt và lòng vị tha, tình đoàn kết là hai mặt trái ngược nhau của vấn đề đạo đức xã hội và đều cần quan tâm. Phê phán thái độ thờ ơ, lạnh nhạt và ngợi ca lòng vị tha tinh thần đoàn kết đều cần thiết và quan trọng như nhau.
 
 Ngợi ca những điều tốt đẹp của cuộc sống để giúp con người hướng thiện nhưng cần phải thấy rõ và vạch trần những mặt tiêu cực của xã hội để con người soi mình vào đó mà thấy mình và sửa mình. Trong nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng cần tránh thái độ ngợi ca một chiều. Nhất là trong thời đại này, khi mà nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường đang làm xã hội thay đổi rất mạnh mẽ. Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế xã hội nhiều khi kéo theo những mặt tiêu cực về đạo đức.
 
Quan hệ trả tiền ngay lạnh lùng của xã hội công nghiệp làm con người khô cằn hơn, đời sống tinh thần nghèo nàn hơn. Và hơn ai hết, thế hệ trẻ là những người nhạy cảm nhất, họ dễ dàng nhập cuộc song cũng dễ trở thành những cỗ máy. Bên cạnh những thanh niên hăm hở nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội như hoạt động từ thiện, chiến dịch “mùa hè xanh” còn không ít những thanh niên chỉ lo hưởng thụ, thờ ơ, lạnh nhạt với cả gia đình và người thân.
 
Hàng ngày, hàng giờ các phương tiện thông tin đại chúng vẫn không ngừng nêu cao tinh thần mình vì mọi người của nhiều người và cũng không thiếu vắng những câu chuyện, những bài học đắt giá về những kẻ chỉ lo hưởng thụ, chỉ quan tâm duy nhất đến cái Tôi của mình. Xã hội đã và đang không ngừng lên án những kẻ ích kỷ, vô trách nhiệm với cộng đồng và ngợi ca những con người có tấm lòng cao thượng, biết sống vì cộng đồng, điều hoà tốt nhất mối quan hệ giữa tôi và chúng ta.
 
Chúng ta đã rất quen thuộc với lời bài ca của thanh niên ngày nay “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà phải hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”. “Mình vì mọi người, mọi người vì mình” là chân lí đúng đắn của muôn đời. Mong muốn của cụ Tố Như xưa:
 
“Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”
 
Thiết nghĩ cũng là mong muốn của muôn đời về một xã hội mà ở đó con người và con người biết cảm thông và thương yêu nhau bằng những tình cảm nhân bản nhất.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây