Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Có người sau khi đọc Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu cứ băn khoăn: Vì sao Nguyễn Ái Quốc không để nhân vật Phan Bội Châu vạch tội hay thét mắng vào mặt Va-ren mà chỉ im lặng, với nụ cười ruồi thoáng qua, "kín đáo, vô hình" .

Thứ sáu - 12/08/2016 04:56
Người đó cũng không hiểu vì sao "cái im lặng dửng dưng" của Phan Bội Châu lại có thể "làm cho Va-ren sửng sốt cả người" Em đã học kĩ tác phẩm này, vậy hãy giải thích cho người đó rõ.
Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu là một truyện ngắn đặc sắc của cây bút châm biếm nổi tiếng Nguyễn Ái Quốc. Tác phẩm lên án, vạch mặt bản chất vô liêm sỉ. bỉ ổi của tên quan Toàn quyền Đông Dương Va-ren đồng thời ngợi ca nhà chí sĩ cách mạng yêu nước Phan Bội Châu.
 
Nhưng có người sau khi đọc truyện ngắn này vẫn băn khoăn: Vì sao Nguyễn Ái Quốc không để nhân vật Phan Bội Châu vạch tội hay thét mắng vào mặt Va-ren mà chỉ im lặng, với nụ cười ruồi thoáng qua, "kín đáo, vô hình" trên gương mặt. Người đó cũng không hiểu vì sao "cái im lặng dửng dưng" của Phan Bội Châu lại có thể "làm cho Va-ren sửng sốt cả người". Chúng ta cần hiểu những điều đó như thế nào?
 
Tác phẩm ra đời khi đất nước ta vẫn còn bị thực dân Pháp đô hộ. Chúng mượn chiêu bài “khai hóa văn minh” mà áp bức, bóc lột đồng bào ta. Khi đó, viên quan Toàn quyền Pháp Va-ren chuẩn bị sang Đông Dương nhậm chức, từ chính lòng nước Pháp, Nguyễn Ái Quốc viết Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu. Tác phẩm là một truyện ngắn có tính chất kí sự nhưng thực tế là hư cấu, do tác giả tưởng tượng và sáng tạo từ sự việc trước khi sang Đông Dương nhậm chức, Va-ren có tuyên bố sẽ quan tâm tới Phan Bội Châu.
 
Phan Bội Châu là ai? Ông là nhà chí sĩ yêu nước vĩ đại, là niềm hi vọng cho nền độc lập của dân tộc Việt Nam trong nửa đầu thế kỉ. Ông đã có nhiều hoạt động cách mạng nhằm giành lại độc lập tự do cho đất nước: phong trào Đông Du, phong trào Đông Kinh nghĩa thục,... Đó là “con người đã hi sinh cả gia đình và của cải để xa lánh khỏi thấy mặt bọn cướp nước mình”, “dâng xả thân vì độc lập, được hai mươi triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng". Đứng trước Va-ren và những lời dụ dỗ ngọt ngào của hắn trong nhà tù ông chỉ “im lặng dửng dưng" với nụ cười ruồi thoáng qua, "kin đáo, vô hình" trên gương mặt. Quả thực, Va-ren xứng đáng nhận được “lời chào mừng” thâm thúy ấy của ngươi tù nổi tiếng ấy.
 
Trước khi sang Đông Dương, do sức ép của công luận ở Pháp và Đông Dương, Va-ren đã hứa sẽ chăm sóc vụ Phan Bội Châu. Nhưng thực chất đó chỉ là một lời hứa dối trá nhằm trấn an công luận, trấn an nhân dân Việt Nam đang đấu tranh đòi thả Phan Bội Châu. Nguyễn Ái Quốc đã sử dụng biện pháp châm biếm sâu cay để lật tẩy bộ mặt giả dối của Va-ren. Y đã hứa một cách "nửa chính thức", tức là hứa ỡm ờ, hứa mà không nhất thiết phải thực hiện. Tiếp theo Người lại viết: "giá thử cứ cho rằng một vị Toàn quyền Đông Dương mà lại biết giữ lời hứa đi chăng nữa...". Viết như thế, Người đã ngầm cho độc giả (nhân dân Việt Nam) nhận rõ bộ mặt thật của những tên quan thực dân. Trong quá trình cai trị, để có thể vơ vét được nhiều của cải, để bóc lột được công sức lao động của nhân dân Đông Dương một cách tàn tệ, thậm chí đi làm bia đỡ đạn cho chúng, chúng đã hứa rất nhiều nhưng không bao giờ giữ lời hứa, nhất là khi những lời hứa ấy lại không mang đến lợi ích cho chúng.
 
Đặc biệt, trong đoạn văn đối thoại (mà thực chất là độc thoại) trong văn bản có hai nhân vật: Va-ren và Phan Bội Châu. Trong cuộc đối thoại tưởng tượng của tác giả, hầu như chỉ có Va-ren nói, còn Phan Bội Châu thì im lặng. Bởi vậy, ngôn ngữ của Va-ren thực chất là ngôn ngữ độc thoại, tự nói một mình. Qua lời nói, cử chỉ, Va-ren bộc lộ rô tính cách nham hiểm, thâm độc. Y không ngừng ve vuốt, dụ dỗ, bịp bợm một cách trắng trợn nhằm thuyết phục Phan Bội Châu từ bỏ tư tưởng cách mạng, cộng tác với chúng (thực chất là đầu hàng). Thậm chí y còn đem cả thân thế của mình: từng là một kẻ phản bội đồng đội, đồng chí trong Đảng Xã hội, để thuyết phục Phan Bội Châu hãy theo gương y để có được một cuộc sống sung sướng.
 
Qua ngôn ngữ "tự bộc lộ" của mình, Va-ren tỏ ra là một kẻ xảo trá, bỉ ổi, vô liêm sỉ,., hắn đã mất hết lòng tự trọng của một con người. Phản bội đồng chí, phản bội lí tưởng - còn gì ghê tởm hơn những điều ấy? Và như thế, ta thật dễ hiểu thái độ của Phan Bội Châu đối với hắn.
 
Đứng trước một kẻ như Va-ren, Phan Bội Châu im lặng, cái im lặng dửng dưng. Im lặng vì ghê tởm không còn gì để nói và cùng không còn biết nói gì với một kẻ như vậy (rằng dù có nói gì cũng vô ích!). Đặc biệt, cái "dửng dưng" của vị thiên sứ tái thế ấy đã khẳng định rằng Phan Bội Châu không quan tâm đến lời Va-ren nói, thậm chí ông biết trước hắn sẽ nói gì! Như vậy chưa đủ, tác giá còn dẫn lời của một nhân vật tưởng tượng khác (anh lính dõng) để tạo cho câu chuyện cảm giác khách quan. Theo lời anh lính dõng, anh ta có thấy "đôi ngọn râu mép người tù nhếch lên một chút rồi lại hạ xuống ngay, và cái đó chỉ diễn ra có một lần thôi". Nụ cười "kín đáo, vô hình” đó thể hiện một thái độ khinh bỉ cực độ, nhạo báng đến tột cùng cái kẻ đang thao thao bất tuyệt những điều nhơ bẩn. Đồng thời đó cũng cho thấy bản lĩnh kiên cường của nhà cách mạng trước kẻ thù, cho dù đó là Toàn quyền Đông Dương đi chăng nữa.
 
Trước thái độ của Phan Bội Châu, Va-ren “sửng sốt cả người”. Tác giả đã bình luận rằng: "Nhưng cứ xét bình tĩnh, thì đó chỉ là vì (Phan) Bội Châu không hiểu Va-ren cũng như Va-ren không hiểu (Phan) Bội Châu . Điều đó cũng thật dễ hiểu, hai con người ấy không hiểu được nhau bởi họ không thể và không bao giờ cùng tư tưởng, chí hướng, không bao giờ đi chung một con đường. Dù Va-ren có nói gì chăng nữa thì với Phan Bội Châu, y cũng chỉ là một kẻ xa lạ. một kẻ không đáng để Phan Bội Châu phải bận tâm.
Hai nhân vật chính của văn bản được xây dựng theo quan hệ tương phản, đối lập: Va-ren là một viên toàn quyền, còn Phan Bội Châu là một người tù. Một bên là kẻ bất lương nhưng thống trị, bên kia là người cách mạng vĩ đại nhưng đang bị cầm tù. Tác giả dành một số lượng từ ngữ lớn, hình thức ngôn ngữ trần thuật để khắc hoạ tính cách Va-ren. Còn với Phan Bội Châu, tác giả dùng sự im lặng làm phương thức đối lập. Đây là một cách viết vừa tả vừa gợi, rất thâm thuý, sinh động và lí thú.
 
Nguyễn Ái Quốc đã rất thành công khi viết truyện ngắn “Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu”. Đặc biệt, qua thái độ của Phan Bội Châu đối với Va-ren và sự sửng sốt, kinh ngạc của gã phản bội, tác giả đã phản ánh tính cách đặc trưng của hai nhân vật. Thiên truyện ngắn này lưỡi dao găm sắc bén vạch mặt kẻ thù đồng thời là khúc hát ngợi ca khí phách hiên ngang, bất khuất của người anh hùng Phan Bội Châu.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây