Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Có kiến cho rằng Nguyễn Tuân không chỉ thành công khi phác họa nhân vật người tử tù Huấn Cao mà còn thành công khi xây dựng nhân vật viên quản ngục.

Thứ ba - 28/06/2016 06:25
Qua tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân anh (chị) hãy làm rõ nhận định trên.
Sống giữa buổi giao thời của hai thời đại, con người ta như có một sự chuyển biến thật khác lạ. Con người bị giằng xé bởi hai xã hội Tây - Tàu lẫn lộn nhố nhăng, họ cảm thấy phẫn uất với xã hội đương thời. Là một con người khác với mọi người, Nguyễn Tuân đam mê chủ nghĩa xê dịch, ông thích đi khắp nơi và tìm cảm hứng mới cho nghiệp văn chương của mình. Và Nguyễn Tuân, với ngòi bút sắc sảo của một nhà văn, đã thể hiện thật sâu sắc những điều ông muốn bày tỏ với xã hội đương thời thông qua tác phẩm Chữ người tử tù. Thông qua hai hình tượng viên quản ngục và người nghệ sĩ tài hoa Huấn Cao, nhà văn đã phác họa lên ở Chữ người tử tù về chân dung của những con người lương thiện bị chà đạp trong cuộc sống hiện tại, về vẻ đẹp của một trang anh hùng nghĩa sĩ tài hoa nghệ sĩ.
 
Nguyễn Tuân đã rất thành công khi miêu tả nhân vật quản ngục, một con người dù sống trong lòng quân địch, ngày ngày tiếp mặt với chúng nhưng vẫn giữ trong tâm hồn, trong lòng mình tính lương thiện và yêu thương con người. Cũng như bao con người khác, viên quản ngục cũng có những ước mơ riêng cho bản thân mình, cũng thần tượng một người như ai. Đó là Huấn Cao người mà vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh, rất đẹp. Ông vẫn thầm ngưỡng mộ con người này bởi tài năng thiên bẩm ấy của một con người. Ông hâm mộ Huấn Cao và chỉ mình Huấn Cao mà thôi. Đối với riêng Huấn Cao thì quản ngục tỏ lòng thành kính sâu sắc, bởi vì theo ông, Huấn Cao là một hiện tượng có tính chất siêu phàm mà ông chỉ được quyền hâm mộ từ xa mà thôi.
 
Ông thấy người ta nói với nhau rằng: Mọi người nhắc nhỏm đến cái danh đó luôn. Trong lòng viên quản ngục, Huấn Cao ở một vị trí vô cùng trang trọng, vị trí cao quý nhất trong suốt cuộc đời ông. Ông tôn kính Huấn Cao, gọi Huấn Cao nhưng không dùng tên mà dùng danh, để tỏ rõ sự tôn trọng của mình đối với người nghệ sĩ tài hoa ấy. Quản ngục hâm mộ một con người dám chống lại triều đình. Những hành động bẻ khóa, vượt ngục đều góp phần tô điểm thêm vào bức chân dung ngoại hình Huấn Cao, một con người khao khát tự do, không chịu ràng buộc bởi bất cứ sự khuôn phép nào cả. Điều đó càng khiến cho quản ngục thêm trân trọng Huấn Cao.
 
Nguyễn Tuân dùng những thủ pháp chọn lọc từ ngữ điêu luyện, lựa ra những từ ngữ mang tính tượng hình, tượng trưng để làm nổi bật lên tính cách và tâm trạng viên quản ngục. Những hình ảnh đó biến đổi liên tục không ngừng nghỉ, cũng như sự lo lắng, buồn vui của viên quản ngục khi nghĩ về Huấn Cao. Ngục quan là một chức vị tuy không to nhưng cũng thuộc vào hàng quan, một quan chức trong cái buổi giao thời. Sự chuyển giao từ một xã hội phong kiến lụi tàn như một cái đèn dầu leo lét sang một xã hội khác, không chắc đã tốt đẹp hơn hiện giờ. Viên quản ngục với khuôn mặt nghĩ ngợi và băn khoăn ngồi bóp thái dương, trầm tư suy nghĩ.
 
 Vì thế, chắc hẳn rằng, ông đã phải suy tính nhiều lắm. Nguyễn Tuân đã sử dụng hình ảnh khung cửa sổ có nhiều con song kẻ những nét đen thẳng lên nền trời lốm đốm tinh tú thật tinh tế, khéo léo. Uyển chuyển trong lời nói cũng là một nét nghệ thuật độc đáo mà ta cũng thường thấy ở Nguyễn Tuân. Chỉ bằng hình ảnh cái song cửa sổ, nhà văn đã thể hiện sự cô đơn, tù túng như bị giam cầm trong cõi lòng viên quản ngục. Cái nhà tù đó trói chặt những ước mơ, những hoài bão một thời của ông. Ông buồn lắm, ông cảm thấy mệt mỏi, tâm trạng chán nản, muốn trút bỏ mọi gánh nặng công việc đang đè trên đôi vai mình. Khung cảnh tối, cùng tâm trạng sầu thảm, như đã hình thành nên trong tác phẩm một khối đen, thật tối, mang chút hỗn mang và lẫn lộn. Nó khiến cho người đọc như lạc vào một thế giới quan mang nhiều gam tối, khó nhìn rõ, huyền ảo.
 
 Tâm trạng của viên quản ngục cứ thay đổi theo thời gian. Đến khi ông mường tưởng ra cảnh Huấn Cao bị hành hình như một ngôi sao chính vị muốn từ biệt vũ trụ thì ông cảm thấy lo lắng. Cái tâm trạng sầu não giờ đây đã không còn nữa, thế vào đó là một sự lo lắng đến tột cùng. Lúc này, viên quản ngục ngẩng đầu, lấy que hương khêu thêm một con bấc. Ba cái tim bấc được chụm lại, cháy bùng to lên. Ba cái tim bấc tượng trưng cho nhiều điều. Nó tượng trưng cho sự chán chường xen lẫn mệt mỏi cùng với chức vụ quản ngục. Hay phải chăng hình ảnh ba cái tim còn đại diện cho những con người, những nỗi thống khổ và những sự cả nghĩ cho một tương lai mịt mờ, u ám của xã hội nửa Tây nửa Tàu. Hoặc rằng ba trái tim đó là trái tim của viên quản ngục, trái tim Huấn Cao và trái tim của thầy thơ lại, những trái tim tìm thấy ở nhau một điểm chung nào đó mà chỉ có họ mới biết, mới nhận ra.
 
 Giờ đây lại ngẩng đầu lên, viên quản ngục thấy lóe lên một tia hy vọng khi Huấn Cao chuẩn bị vào tù, và như thế, ông đã có thêm một người bạn. Có lẽ nhiều người sẽ cho rằng viên quản ngục là kẻ gàn dở hay bất lương, vì nếu đã coi Huấn Cao như thần tượng hay gần gũi như một người bạn thì phải muốn tốt cho bạn, chứ chẳng ai muốn bạn vào tù cả. Nhưng mỗi thời đại mỗi khác, cuộc sống không tìm ra đường thoát chỉ biết quẩn quanh với những gì đơn giản và tẻ nhạt, viên quản ngục thực sự muốn tìm một người ban tâm giao thật sự. Vì vậy, Huấn Cao là người thích hợp nhất. Bởi vì khi nghĩ đến Huấn Cao, ông thấy lòng mình như dịu lại, thư thái hơn, thanh thản hơn, như lúc ban đầu. Ông hy vọng một điều gì đó rất cao cả, đó là việc được Huấn Cao cho chữ. Trong không gian tối tăm của nhà ngục, Nguyễn Tuân đã bất ngờ thắp sáng lên ngọn lửa của niềm khát khao cháy bỏng của một con người bấy lâu nay bị vùi lấp dưới những điều xấu xa của xã hội.
 
Một ánh sáng, một ngọn lửa phát ra từ chính viên quản ngục. Đó chính là tấm lòng thiên lương, nghĩ về cái tốt. Cảnh ở trong bóng tối thì ngọn sáng phát ra từ viên quản ngục càng rực rỡ hơn, ngọn sáng của tấm lòng lương thiện, yêu quý cái đẹp và biết trân trọng những giá trị cao đẹp của cuộc sống. Hơn thế nữa, Nguyễn Tuân còn xây dựng nhân vật thầy thơ lại, một kẻ kính mến khí phách, một kẻ biết tiếc, biết trọng người tài bên viên quản ngục, càng làm tô đậm, rõ nét hơn những gì trong sáng, tốt đẹp nhất trong con người quản ngục... Hay như lời của Nguyễn Tuân Trong hoàn cảnh đề lao, người ta sống bằng sự tàn nhẫn, bằng lừa lọc, tính cách dịu dàng và lòng biết đánh giá con người, biết trọng người ngay của viên quan coi ngục này là một âm thanh trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây