Nhật ký trong tù là một tập nhật ký bằng thơ được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong những ngày Người bị giam cầm trong nhà lao của bọn Tưởng Giới Thạch. Nó đã vượt qua tính chất của một tập nhật ký thông thường để vươn tới giá trị của một tác phẩm nghệ thuật đích thực làm xúc động lòng người. Một đề tài rất có ý nghĩa đã góp phần làm nên giá trị của tác phẩm, đó là thiên nhiên. Một nhà phê bình đã rất có ý khi nhận định: Trong Nhật ký trong tù thiên nhiên chiếm một địa vị danh dự.
Đúng vậy, thiên nhiên luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận trong nghệ thuật, nhất là trong thi ca. Nhà thơ Hồ Chí Minh cũng tìm thấy ở thiên nhiên niềm cảm hứng dạt dào. Thiên nhiên là một đề tài quen thuộc và rất có ý nghĩa trong Nhật ký trong tù. Quen thuộc bởi thiên nhiên ở đây ngoài những cảnh núi non hùng vĩ còn là những gì rất gần gũi với con người: ánh trăng sao, cỏ cây, sông nước... Rất có ý nghĩa bởi thiên nhiên như là một người bạn tâm tình để chia sẻ, cảm thông, ở trong tù thì vô cùng cực khổ, thiếu thốn trăm bề, “cơm không no”, “áo không thay”, “không giặt ủi”, rồi ghẻ lở, chấy rận, cùm trói... nhưng với hồn thơ thật đẹp. Người đã vượt qua tất cả để lòng mình hướng về với thiên nhiên.
Người yêu thiên nhiên và thiên nhiên cũng yêu Người. Thiên nhiên với Người là bạn. Ở trong bài thơ Ngắm trăng, trăng với Người thực sự là tình bạn tri kỷ:
“Trong tù không rượu cũng không hoa
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ.
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”.
Thi nhân xưa làm thơ có “trăng” có “rượu” và “hoa”. Nhà thơ Hồ Chí Minh làm thơ ở trong tù nên “không rượu cũng không hoa”, chỉ có ánh trăng là nguồn cảm hứng. Người tù như quên đi hiện thực phũ phàng để mở lòng đón lấy ánh trăng:
“Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”.
Người thì “ngắm”, trăng thì “nhòm”. Phải là tri kỷ lắm giữa người và trăng mới có hành động “ngắm”, “nhòm” như vậy. Những chắn song sắt nhà lao lạnh lẽo và vô cảm kia đường như bất lực, không thể ngăn cản được sự giao cám giữa Người với ánh trăng. Tâm hồn nhà thơ đã vượt ra khỏi cái không gian chật hẹp của nhà tù để giao hòa với ánh trăng sáng. Đúng là Hồ Chí Minh đã làm một cuộc vượt ngục bằng tinh thần.
Những lúc bị giải đi từ nơi này sang nơi khác, dọc đường lại bị trói cả chân tay, Bác vẫn vui với tiếng chim, say với hương rừng:
“Mặc dù bị trói chân tay
Chim ca rộn núi hương bay ngát rừng
Vui say ai cấm ta đừng...”
(Trên đường đi)
Thậm chí, trong lúc bị đọa đày khốn khó nhất về thể xác mà tâm hồn Người vẫn hướng về với thiên nhiên:
“Đáp thuyền thẳng xuống huyện Ung Ninh
Lủng lẳng chân treo tựa giảo hình
Làng xóm ven sông đông đúc thế
Thuyền câu rẽ sóng nhẹ thênh thênh”.
(Giữa đường đáp thuyền đi Ung Ninh)
“Chân treo tựa giảo hình” là chân bị treo ngược lên, người tù ở vào tư thế khổ sở, đau đớn. Thế mà, vẫn con người bị tù tội khốn khổ về thể xác ấy lại có những vần thơ thật ấm áp, nhẹ nhàng:
“Làng xóm ven sông đông đúc thế
Thuyền câu rẽ sóng nhẹ thênh thênh”.
Phải là một tâm hồn thật sự hòa nhập, đắm say với thiên nhiên tạo vật, trong hoàn cảnh ấy mói có những câu thơ như vậy.
Bác thả hồn mình hoà cùng với thiên nhiên và dưới con mắt Bác thiên nhiên cũng như có hồn. Một vẻ đẹp lúc trời dã hoàng hôn.
“Chim mỏi về rừng tỉm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không”.
(Chiều tối)
Một vẻ đẹp hùng vĩ, trập trùng núi non:
“Đi đường mới biết gian lao
Núi cao rồi lại núi cao trập trùng
Núi cao lên đến tận cùng
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non”.
(Đi đường)
Ở đây lại toát ra một môi quan hệ thật đẹp giữa Bác và thiên nhiên: Bác yêu thiên nhiên, đắm say cùng với thiên nhiên và thiên nhiên lại giúp Bác xua tan bao nỗi một nhọc, gian lao lúc “đi đường”. Đi đường xa đã mệt, đi đường xa của người tù còn mệt gấp bội phần. Bác phải trèo hết núi này đến núi khác, lên đến đỉnh núi cao nhất thì cái mệt lại không còn nữa vì đã có tầm mắt nhìn thấy “muôn trùng nước non”. Một hồn thơ rộng mở đã hòa nhập vào không gian bát ngát, mênh mông!
Đúng là chỉ có một tâm hồn vĩ đại, một trái tim nghệ sĩ nhạy cảm, chân thành, trong hoàn cảnh tù đày mới có một tình yêu thiên nhiên tha thiết như thế. Đó cũng là một biểu hiện chất thép trong thơ Người. Tình yêu thiên nhiên tha thiết ấy cũng là biểu hiện một tình cảm nhân ái bao la của Chủ tịch Hồ Chí Minh.