Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa.
(Cảnh khuya)
Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn bầu trời thêm xuân.
(Rằm tháng giêng)
Cả hai câu thơ đều miêu tả cảnh trăng ở núi rừng, có gì đẹp hơn trăng ngàn gió núi, có gì hoà hợp hơn khi bộ ba lâm - thuỷ - nguyệt đi với nhau, hoà quyện với nhau.
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa
Trời đã vào khuya, mọi vật im phăng phắc, chỉ có ánh trăng dịu dàng tỏa khắp không gian. Trăng lồng vào cây, cây đầy những bóng hoa, những mảng tối - sáng, trắng - đen lồng vào nhau quấn quýt. Con mắt ưu ái của người ngắm cảnh đã làm cho cảnh vật trở nên sinh động hữu tình. Hai chữ lồng trong một câu thơ làm ta có cảm giác cảnh vật cứ như nhập vào nhau, hoá thân vào nhau lặng lẽ miên man hư ảo chập chờn.
Nếu như ở bài thơ Cảnh khuya ta không xác định được rõ bài thơ được sáng tác vào thời điếm nào của mùa trăng, thì ở bài thơ Rầm tháng giêng điều đó được xác định rất rõ ràng: Vào đêm trăng rằm của tháng giêng, tháng đầu tiên của một năm, nghĩa là trăng vào độ đẹp nhất, tròn nhất, sáng nhất:
Rầm xuân lồng lộng trăng soi
Đất trời, sông nước tràn ngập ánh trăng, vầng trăng kia cũng trong trẻo đến lạ thường, phơi phới sức xuân ẩn chứa trong ánh sáng như ánh bạc của nó. Dường như vạn vật đều thu mình lại để cho ánh trăng tỏa đến vô biên.
Cả hai bài thơ đều được Bác sáng tác vào thời kì kháng chiến chông Pháp, Cảnh khuya năm 1947, Rầm tháng giêng năm 1948. Đây là giai đoạn mà cuộc kháng chiến đang diễn ra vô cùng ác liệt, phía ta đang phải trải qua những khó khăn thử thách. Thế nhưng cả hai bài thơ ta không hề thấy một nét gợn nào nhắc đến những điều đó. Nếu tách hai câu thơ tả trăng đứng riêng độc lập, rất nhiều người sẽ nghĩ hẳn tác giả của nó đang rất thư thái ung dung, là một bậc tiên khách đang dạo chơi ngắm cảnh ở chôn trần gian. Có ai ngờ tác giả lại là người đang ngày đêm trằn trọc băn khoăn lo vận nước, vẻ đẹp của tâm hồn Hồ Chí Minh hiện ra thật bất ngờ, con người đắm say với thiên nhiên cũng là con người yêu nước đến hết mình.