Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Câu chuyện về một con vật nuôi có nghĩa tình.

Thứ tư - 27/07/2016 06:42
Trong vườn bà ngoại, cạnh gốc cam có nắm đất tròn, to bằng cái thúng, bà bảo đó là “mộ ông Cún". Sau ngày giỗ cụ 3 ngày, bà làm giỗ cúng ông Cún. Các cháu nội, ngoại đều đã được nghe bà kể chuyện ông Cún nhiều lần.
... Năm đó, cụ ông và cụ bà còn rất trẻ, mới ngoài đôi mươi. Nhà nghèo làm nghề đốn củi; cứ một ngày vào rừng đốn củi, một ngày đem củi ra chợ Bưởi bán mới có tiền mua gạo, mua khoai. Năm đó rét lắm, bà con xóm La ai cũng chỉ có manh áo nâu, quần nâu che thân, đêm nằm ngủ đắp bằng chiếu. Mưa gió vẫn phải vào rừng hái củi.
 
Hôm ấy, hai cụ vừa gánh củi về đến chân dốc bên kia cầu Quải bây giờ thì bỗng nghe thấy tiếng chó sủa và kêu ư ử, rồi nhìn thấy ông lão ăn mày chết nằm còng queo bên vệ đường. Trời đã nhá nhem tối, nhưng ông bà bỏ đi không đành. Bà cụ vội gánh củi về nhà, còn ông cụ, thì đặt gánh củi xuống nghỉ. Con chó lông xám nằm im một hồi lâu rồi chạy quanh người xấu số. Một lúc sau, bà cụ vác cuốc, mai chạy vội lên, còn mang theo một củ khoai lang cho con chó. Hai cụ chôn cất người ăn mày xong xuôi thì trăng đã mọc. Cụ bẻ đôi củ khoai và đưa cho con chó. Cụ bà nói: "‘Tội nghiệp máy. Hoặc ở lại đây trông mộ chủ mày, hoặc theo chúng tao cùng về...". Con chó ứa nước mắt nhìn theo.
 
Con chó ở lại canh ngôi mộ. Ngày nào, ông bà cũng đem cơm, đem khoai cho nó. Thuở ấy, ai cũng sống thật thà, con chó vẫn nằm canh mộ chủ mà không ai bắt.
 
Mấy ngày sau, con chó đã theo cụ ông, cụ bà về nhà. Nó gầy quá, kêu ư ử suốt đêm. Sau hơn một tháng được chăm sóc, nó được bình phục. Hai cụ quý nó lắm. Có điều lạ, đêm nào nó cùng ra thăm mộ chủ; theo các cụ vào rừng, lúc đi hay lúc về, khi qua cầu Quải, nó cũng ghé thăm ngôi mộ.
 
Tục ngữ có câu: “Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì giàu". Thật đúng như thế .Ông bà cụ đặt tên cho nó là “cận Cún". Nhờ nó mà năm nào, hai cụ cũng tìm được hàng chục tổ ong rừng. Mật ong đem bán. Nhộng ong thì người và chó cùng ăn. Không có vị ngọt ngon và béo bổ như nhộng ong rừng. Trời chẳng phụ lòng người, tình người. Thu ấy, ba, bốn năm liền, mưa thuận gió hòa, năm nào cũng bội thu. Ông bà cụ, nhờ cậu Cún mách bảo mà tìm được cây quế rừng, vỏ đỏ như son, bán được 50 quan tiền cho cụ lan trên phố chợ.
 
Hai cụ chỉ có bốn sào ruộng. Có tiền bán quế trời cho, hai cụ tậu trâu; "con trâu là đầu cơ nghiệp" các cháu có biết không?. Trâu chưa mua được, tiền cất dưới gầm giường. Kẻ trộm đã đánh hơi được, nhà tranh vách đất, nó chui vào nhà lúc nào cũng chẳng hay. Lúc gà gáy, cậu Cún đi thăm mộ chủ trở về, nó phát hiện được. Nó cắn quần áo lôi hai cụ dậy, nó sủa ầm lên. Thằng trộm vác tiền chạy vụt ra. Ông và cậu Cún truy đuổi. Năm mươi quan tiền đồng nặng lắm, thế mà thằng trộm vẫn vác gọn, nhảy qua bờ rào. Nhắm hắn đã bị cậu Cún cắn vào chân, vào mông, bị ông cụ giáng đòn càn vào lưng, hoảng quá hắn vút tiền lại, chạy tháo thân biến mất! Bà cụ vẫn nhắc lại chuyện xưa: "Cậu Cún đem phước về cho. Nhờ cậu Cún mà có tiền bán mật ong, bán quế. Nhờ cậu Cún mà bắt được trộm. Trâu mẹ, trâu tơ, đàn nghé... là lộc của cậu Cún đó...".
 
Bà cụ ốm, cậu Cún bỏ ăn nằm rên. Ông cụ mất, cậu Cún nhịn ăn, suốt đêm ngày nằm canh mộ; ba ngày sau thì nó cũng qua đời. Mộ cậu Cún được chôn cạnh mộ ông cụ. Bảy năm sau cải táng, cụ ông và cụ bà được đưa vào khu mộ chùa Đông; còn mộ cậu Cún được đưa về vườn nhà. Ngôi mộ vẫn còn đó. Ông bà, các dì, các cậu vẫn làm giỗ cậu Cún. Bây giờ các cháu gọi là ông Cún. ông Cún tình nghĩa lắm. Các cháu phải biết chăm sóc thương yêu các vật nuôi, coi nó như con người...
 
Mỗi lần về thăm bà ngoại, tôi vẫn bâng khuâng khi đi qua cầu Quải. Hai bên chân cầu, là bãi pháo cao xạ thời chống Mỹ. Không tìm thấy mộ người ăn mày xấu số hơn 80 năm về trước. Vào vườn chùa Đồng, tôi và mẹ thăm mộ hai cụ. Về nhà bà, tôi ra thăm vườn, thăm mộ ông Cún. Nước mắt tôi cứ ứa ra.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây