Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Cảm nhận về tác phẩm Mộ (chiều tối) của Hồ Chí Minh

Thứ ba - 25/04/2017 06:43
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ,
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không;
Cô em xóm núi xay ngô tối,
Xay hết , lò than đã rực hồng.

Trong thời gian bị tù ở Quảng Tây (Trung Quốc) , Bác Hồ bị giải qua nhiều nhà lao. Không thể nói hết những nỗi gian khổ dọc đường giải tù , nhưng Bác ít nhắc đến nỗi khổ ải đó mà nếu có nhắc đến một vài sự việc trên đường giải tù thì Người pha giọng châm biếm, hài hước , tự trào. Bác cảm thấy có thi hứng trên đường giải t , nhiều đề tài thơ đã được phát hiện và nhiều bài thơ hay đã được lưu lại trong "Nhật kí trong tù". Bài thơ "mộ" (Chiều tối) là một bài thơ đặc sắc, tưởng như không phải là thơ của tù nhân Hồ Chí Minh mà là một bài thơ của thời thịnh Đường.
Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ,
Cô vân mạn mạn độ thiên không;
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,
Bao túc ma hoàn , lô dĩ hồng.
 
Dịch thơ:
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ,
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không;
Cô em xóm núi xay ngô tối,
Xay hết , lò than đã rực hồng.
 
Trước hết ,ta nhận thấy "Mộ" (Chiều tối) là bài thơ thể hiện một cách cụ thể và sinh động tư tưởng trong bài thơ tuyên ngôn của Hồ Chí Minh:
 
"Thân thể tại ngục trung
Tinh thần tại ngục ngoại"
(Thân thể ở trong lao
Tinh thần ở ngoài lao)
 
Bác đã quên đi nỗi gian khổ dọc đường, nhưng những người đọc chúng ta thì không thể quên những lần giải tù đầy gian nan khổ ải:
 
"Năm mươi ba cây số một ngày
Áo mũ dầm mưa rách hết giày"
 
Trong điều kiện thể xác bị đày đoạ, chân bị xiềng, tay bị trói, nhưng tâm hồn Bác vẫn nhẹ tênh như một người đi ngoạn cảnh. Người thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên, đồng cảm với chim muông, hoa lá. Không gian mở ra bao la trước buổi chiều tối:

"Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ,
Cô vân mạn mạn độ thiên không;"
(Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ,
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không)
 
Thơ Bác rất tinh tế, có lẽ vì tâm hồn Bác rất nhạy cảm. Vào buổi chiều, trên con đường heo hút, nhìn thấy những cánh chim bay về rừng, Bác cảm thấy rất xúc động , cũng như những thi sĩ cổ kim đã từng rung động trước cánh chim chiều. Câu thơ "Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ" đầy tâm trạng. Nhìn cánh chim bay mà nhận ra vẻ uể oải của đôi cánh chim. Chỉ một cái nhìn ta nhận ra con người đó giàu tình cảm biết bao! Có lẽ Bác vị giải đi suốt cả ngày quá mệt mỏi cho nên dễ đồng cảm với cánh chim "quy lâm" kia. Nhưng tác giả không để lộ ra vẻ mỏi mệt của chính mình, mà chỉ thấy vẻ mỏi mệt của cánh chim:
 
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
 
Xa nữa là "Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không" (Cô vân mạn mạn độ thiên không).
 
Câu thơ dịch đã hay, nhưng vẫn còn mất đi những từ miêu tả vẻ lẻ loi, trôi nổi, lờ lững của áng mây trong từ láy "mạn mạn". Áng mây cô đơn (cô vân) và mệt mỏi tưởng như không bay được nữa. Thiên nhiên hoang vắng và ảm đạm có phần phù hợp với cảnh ngộ của người đang trên đường bị áp giải.
 
Nhưng qua hai câu thơ trên ta vẫn thấy được một nét nổi bật trong tâm hồn của Bác là trong những giờ phút đau khổ, nặng nề, cực nhọc nhất của cuộc đời, Bác vẫn tha thiết với thiên nhiên và tìm thấy ở thiên nhiên sự đồng cảm.
 
Bài thơ chuyển một cách đột ngột, từ quang cảnh buổi chiều tối buồn bã sang những hình ảnh sinh động, đầy sức sống:
 
"Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,
Bao túc ma hoàn , lô dĩ hồng."
(Cô em xóm núi xay ngô tối,
Xay hết , lò than đã rực hồng.)
 
Hình ảnh thiếu nữ xuất hiện làm xôn xao cả buổi chiều cô quạnh. Lại có sự vận động "ma bao túc" (xay ngô tối) làm cho không khí buổi chiều đượm một chút náo nhiệt. Cảnh chiều tối bỗng dưng có sinh khí. Chứng tỏ Bác tuy khổ sở về cảnh tù ngục , nhưng không lúc nào là không lưu tâm đến những người lao động và những hoạt động thiết thực của họ. Nhưng nếu bài thơ chỉ dừng lại ở đây thì thơ Bác không thể vượt lên trên những kiệt tác của thơ Đường được. Bác tiếp thu tinh hoa của thơ Đường nhưng cũng đổi mới thơ Đường. Người không kết thúc bài thơ một cách lạnh lẽo. Người đã đem vào hình thức chật hẹp của thơ Đường tâm hồn một người chiến sĩ Cộng sản lỗi lạc. Câu kết của bài thơ đã rực lên màu sắc thiết tha , tin yêu vào cuộc sống của Người.
 
"Bao túc ma hoàn , lô dĩ hồng."
(Xay hết , lò than đã rực hồng.)
 
Nhà thơ Hoàng Trung Thông đã bàn luận về tứ thơ này như sau:
 
Hồ Chí Minh rất Đường mà lại không Đường tí nào. Với một chữ "hồng", Bác đã làm sáng rực lên toàn bộ bài thơ, đã làm mất đi sự mỏi mệt, sự uể oải, sự vội vã, sự nặng nề đã diễn tả trong ba câu đầu, đã làm sáng rực lên khuôn mặt của cô em sau khi xay ngô tối. Chữ "hồng" trong nghệ thuật thơ Đường người ta gọi là "con mắt" của thơ (thi nhãn hoặc nhãn tự), nó sáng bừng lên, nó cân lại, chỉ một chữ thôi với hai mươi bảy chữ khác dầu nặng đến mấy đi chăng nữa.
 
Với chữ "hồng" đó có ai còn cảm giác nặng nề, mệt mỏi, nhọc nhằn nữa đâu mà chỉ thấy màu đỏ đã nhuốm lên cả bóng đêm, cả thân hình, cả lao động của cô gái đáng yêu kia. Đó là màu đỏ của tình cảm Bác".
 
Không thể tưởng tượng được bài thơ "Mộ" (Chiều tối) là một bài thơ trong tập "Nhật kí trong tù" của Hồ Chí Minh. Không hề có bóng dáng của nhà tù. Không thấy hình ảnh của tù nhân mà cứ tưởng rằng đây là thơ của thi sĩ tự do. Mà đúng, đây là thơ của tinh thần tự do, "Tinh thần tại ngục ngoại". Với cách cấu tứ theo kiểu thơ Đường, tác giả đã thoả mãn được nhu cầu thẩm mĩ của người đọc và bộc lộ được tư tưởng, tình cảm một cách kín đáo. Cả bài thơ màu sắc cứ bàng bạc để rồi kết bài thơ bằng một chữ "hồng" tươi sáng, ấm áp, tin yêu. Đó là tấm lòng, là niềm tin của Bác. Đọc thơ Bác, chúng ta cũng cảm thấy nhuốm cái màu hồng của buổi chiều tối Bác tả trong thơ.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây