Bạn tôi có nói là Hồng Nguyên rất ghét loại thơ kiểu cách uốn éo. Thơ anh thật lắm, có sao nói vậy. Nói thế mà thành thơ hay là bởi tâm hồn anh đẹp. Anh lại là bộ đội. Anh chọn đúng cái khoảnh khắc người chiến sĩ nhiều tâm trạng nhất: khoảnh khắc trước lúc ra trận. Tâm trạng ngổn ngang đó, anh gọi lên một tiếng nghe xao xuyến: “Nhớ”. Chữ “nhớ” này có gốc gác sâu lắm, ân tình ân nghĩa đây, nó rất nhân dân mình. Và với Hồng Nguyên, chữ “nhớ” phì nhiêu thêm. “Nhớ”, đó là tấm lòng, là trái tim của người chiến sĩ trước lúc ra trận, như có máu rần rật chạy về tứ chi. Máu chạy về bàn chân người vợ trẻ đang “mòn chân bên cối gạo canh khuya”. Máu chạy về bàn tay của “mẹ hiền bắt rận cho những dứa con xa”. Máu chạy về lưng đồng đội trong buổi trưa hè “bên bờ cát trắng...” Anh như một mắt lưới trong chiếc võng yêu thương của nhân dân, của đồng chí, của người thân. Anh như một cái cây cành đan lá trải, rễ cài ngang dọc. Không gian, thời gian như có hình sắc. (Hồng Nguyên như một họa sĩ kiệm màu. Thơ anh gợi. Đã tả thì đúng chỗ, màu đắt. Bài thơ chói lên hai màu, hai máng màu đậm trong kí ức anh: màu đỏ cúa luống cày, màu quê hương xứ Thanh và màu trắng của cát, màu của tình đồng đội). Đêm ra trận đâu đây như còn thoang thoảng hương cau, thơm lừng mùi khoai nướng. Người chiến sĩ nhập vào với hồn của quê hương đất nước. Cho nên trong buổi đầu kháng chiến, nghèo là thế, gian khổ là thế mà anh vẫn rất vui, cảm thấy đầy đủ và ấm áp. Tiếng cười râm ran trong thơ. Cái nùn rơm ấm cả trời sương. Hơi ấm bè bạn sưởi cả đêm mưa. Hình ảnh anh bộ đội buổi đầu kháng chiến trong thơ Hồng Nguyên:
“Súng bắn chưa quen
Quân sự mươi bài
Lòng vẫn cười vui kháng chiến
Lột sắt đường tàu
Rèn thêm dao kiếm
Áo vải chân không
Đi lùng giặc đánh.”
Có cái gì giống cái hình ảnh người nghĩa sĩ buổi đầu kháng Pháp trong văn tế của Nguyễn Đình Chiểu:
“Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy tay vốn quen làm;
Tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ mắt chưa từng ngó...
... Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia; Gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay, cũng chém rớt đầu quan hai nọ.”
Bài thơ dừng lại ở hình ảnh đêm hành quân ra trận. Anh nói phía sau, mà chúng ta thấy phía trước. Anh nói cái đã qua mà chúng ta hình dung ra cái sắp tới. Anh chưa nói đến chiến công mà chiến công như đã thấy rồi.
Tôi muốn dẫn ra các đoạn thơ tiêu biểu, nhưng thấy đoạn nào cũng hay, hình ảnh nào cũng thích. Với lại ngôn ngữ, hình ảnh cứ quyện lại, dắt díu nhau liền một mạch, lấy câu này ra thì câu khác níu lại. Chính cái “nhất khí quán hạ” đó còn khó tạo ra hơn ngôn ngữ, hình ảnh và những câu thơ hay. Mạch thơ anh đi trên ngôn ngữ nhuần nhị. Thơ hay giống như vũ nữ có tài. Tấm thân đẹp, nghệ thuật múa trên những ngón chân đẹp và nghệ thuật. Thơ Hồng Nguyên đã múa trên những ngón chân như thế. Nhiều chữ có gì đâu, mà qua ngòi bút anh trở nên có tình. Chữ “om” chẳng hạn. Chữ “quờ” nữa, hay lạ lắm. Bao nhiêu yêu thương trong chữ “mòn”. Bao nhiêu gian khổ trong chữ “sờn”. Nếu chữ “lột” thể hiện sự sáng tạo của bộ đội ta trong khi thực hiện lời kêu gọi kháng chiến của Hồ Chủ tịch, thì chữ “đánh” thể hiện quyết tâm của họ.
Bạn tôi có biết Hồng Nguyên từ hồi đầu kháng chiến, bạn tôi nói là Hồng Nguyên sướng nhất chữ “đánh”. Viết đến “đi lùng giặc...” rồi thì bí. Lùng giặc gì? Lùng giặc Pháp à? Cứ gì giặc Pháp. Giặc Ân, đánh! Giặc Mông, giặc Nguyên, giặc Minh, giặc Thanh, đánh! Giặc Nhật, đánh! Giặc Pháp, đánh! Giặc Mĩ, giặc gì nữa, cũng đánh! Chữ “đánh” hạ xuống như sét: “Áo vải chân không đi lùng giặc đánh”. Đây là huyết trong mạch chảy ra chứ đâu còn là chữ nghĩa. Tôi bỗng nhớ một câu thơ của cụ Huỳnh Thúc Kháng: “Thơ không đuổi giặc ngâm vô ích” và thêm yêu thêm quý Hồng Nguyên.
Đêm nay, mở “Tuyển tập thơ Việt Nam 1945-1960”, tôi lại thấy tên anh nằm giữa hai ngôi sao như hai giọt lệ. Lòng rưng rưng, viết chạy bút mấy dòng gọi là một nén nhang thắp trên mộ anh.