"Trời sinh ra bác Tản Đà
Quê hương thời có, cửa nhà thời không.
Nửa đời Nam, Bắc, Tây, Đông,
Bạn bè sum họp, vợ chồng biệt li
Túi thơ đeo khắp ba kì,
Lạ chi rừng biển, thiếu gì gió trăng.."
Bài "Muốn làm thẳng Cuội" là bài thơ kiệt tác, tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Tản Đà thi sĩ:
"Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi
Trần thế em nay chán nửa rồi
Cung quế đã ai ngồi đó chửa ?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi.
Có bầu có bạn can chi tủi,
Cùng gió, cùng mây thế mới vui
Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám,
Tựa nhau trông xuống thế gian cười."
1. Mở đầu bài thơ là một tiếng kêu "buồn lắm chị Hằng ơi". Một tiếng kêu đầy ắp tâm sự. Thi sĩ Xuân Diệu đã nhận xét như vậy:
"Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi
Trần thế em nay chán nửa rồi"
Nỗi buồn đã dâng đến mức "buồn lắm", trong cô đơn chỉ còn biết gọi chị Hằng để giãi bày tâm sự. Ba tiếng "chị Hằng ơi !"rất biểu cảm, ý vị làm cho giọng thơ thiết tha thân mật. Câu thơ man mác sự buồn và chán. Tản Đà đã từng viết: Đời đáng chán hay không đáng chán ?",nay thì đã "chán nửa rồi". Bài thơ in trong tập "Khối tình" xuất bản năm 1916, qua đó ta thấy rõ nguyên cớ sâu xa, buồn và chán vì trần thế, vì cuộc đời xấu xa, vì chế độ thực dân nửa phong kiến ngột ngạt, thối nát, tù hãm. Vì công danh dở dang: "Tài cao, phận thấp, chí khí uất". Buồn vì non nước đang bị ngoại bang thống trị "Lệ ơi giàn giụa với giang san". Đó là nỗi buồn của một thế hệ trong vòng nô lệ lầm than. Là một thi sĩ đa cảm, đa tình, nỗi buồn đã kết thành mối sầu:
"Nửa ngòi bút ngỗng bao sinh lụy,
Một mối tơ tằm mấy đoạn vương".
2. Một chữ "xin" rất chân thành thiết tha, như nài nỉ:
"Cung quế đã ai ngồi đó chửa ?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi."
Hai câu thực đã làm rõ đề bài "Muốn làm thằng ở nơi cung trăng, cung quế". Câu hỏi tu từ gợi nhiều man mác bâng khuâng. "Cành đa" đã trở thành cái thang bắc lên chín tầng mây xanh để "chị nhắc lên chơi" cung quế. Đó là giấc mộng thoát li. Mộng chán đời, ngán đời. Mộng có tính phủ định:
"Nghĩ đời lắm lúc không bằng mộng,
Tiếc mộng bao nhiêu lại ngán đời"
3. Có lên được cung quế mới đỡ "tủi", mới thỏa thích "thế mới vui". Có chị Hằng làm bầu bạn. Có gió, có mây cùng chơi vơi. Điệp ngữ(có, cùng) và phép đối được vận dụng sáng tạo, có cả tiểu đối và bình đối. Cách ngắt nhịp 2/2/3 tạo nên giọng thơ nhún nhảy lâng lâng. Thấm đẫm vần thơ là chất phong tình lãng mạn. Đọc lên nghe rất thú vị:
"Có bầu, có bạn can chi tủi,
Cùng gió, cùng mây thế mới vui"
Đúng như nhà phê bình văn học Lê Thanh trong cuốn "Tản Đà thi sĩ" (1939) đã nhận xét: Thơ của ông (Tản Đà) là chất thơ trong như lọc với những cảnh tượng không rõ rệt, những hình ảnh mờ mở, ông vẽ những bức tranh tuyệt bút; với những tư lâng lâng, với những cảm giác mơ mộng, ông làm nên những câu thơ tuyệt mĩ"
4. Cái ngông, cái phong tình của thi sĩ đã dâng lên cực điểm. Đêm rằm tháng tám là đêm Trung thu đẹp nhất. Chẳng còn buồn vì cô đơn nữa, thi sĩ được cùng chị Hằng "Tựa nhau trông xuống thế gian cười". Cái cử chỉ tựa và nụ cười ấy cũng là một giấc mộng đẹp. Thoáng một chút mỉa mai (cho trần thế) nhưng đầy thú vị vì được thoát li, được thỏa thích nơi cung quế:
"Rồi cứ mối năm rằm tháng tám,
Tựa nhau trông xuống thế gian cười."
Cái kết thoát li. Một cách nói phong tình, tài hoa. Có đọc bài thơ "Hầu trời" mới thấy được, cảm được cái hay, cái thú vị của bài "Muốn làm thằng Cuội". Nửa đêm, Tản Đà tỉnh dậy đun nước pha trà, rồi ngâm thơ... Trời nghe giọng ngâm bèn sai hai tiên nữ xuống cõi trần rước thi sĩ bay lên. Thi sĩ đọc thơ cho Trời và bầy tiên nghe. Tất cả đều tấm tắc khen:
"Văn đã giàu thay, lại lắm lối
Trời nghe Trời cũng bật buồn cười!
Chư tiên ao ước tranh nhau dặn:
- Anh gánh lên đây bán chợ Trời"
Bài "Muốn làm thằng Cuội" là một bài thơ có thi đề độc đáo, thú vị. Giọng thơ nhẹ nhàng, thanh thoát, chơi vơi. Trí tưởng tượng phong phú, kì diệu. Chất mộng ảo, sắc màu lãng mạn thấm đẫm bài thơ.
Tuy có nói đến buồn, nói đến chán, có nói đến thoát li, có thấm vị phong tình... nhưng toàn bài thơ toát lên một tinh thần phủ định thực tại xã hội thực dân nửa phong kiến xấu xa, khao khát được sống trong sạch hơn, thanh cao hơn, để mãi mãi giữ trọn thiên lương cao đẹp. Giá trị đích thực của bài thơ "Muốn làm thằng cuội" là ở chỗ ấy.