Sàng tiền minh nguyệt quang
Nghi thị địa thượng sương
Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tứ cố hương.
Bài thơ được dịch là “Cảm nghĩ trong đêm thanh tịnh":
Đầu giường ánh trăng rọi
Ngỡ mặt đất phủ sương
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Cúi đầu nhớ cố hương.
Bài thơ thực ra không phải là một áng Đường thi. Lí Bạch viết bài thơ không theo những niêm luật thông thường của thơ Đường luật mà viết phóng túng theo cảm xúc riêng tư của mình. Cuộc đời của Lí Bạch là cuộc đời của một đấng tài hoa mà bạc mệnh. Dẫu tài năng xuất chúng nhưng cuộc đời ông cũng bao phen chìm nổi. Khi sáng tác bài thơ này. Ông đang sống trên đất khách quê người với biết bao gian khổ và nỗi nhớ quê hương không bao giờ nguôi ngoai
Đầu giường ánh trăng rọi
Ngỡ mặt đất phủ sương.
"Trăng" là người bạn của thi nhân muôn đời. Nhắc đến trăng là nhắc đến trăng thanh gió mát bạn bè túi rượu bầu thơ ngâm vịnh. Nhưng nhắc đến trăng còn là nhắc đến mảnh trăng quê hiền hòa, êm dịu và như thế nhắc đến trăng là nhắc đến quê hương. Câu thơ đầu trong bãi thơ nhắc đến trăng nhưng không rõ trong bài thơ này, trăng gợi lên điều gì trong lòng tác giả? Chỉ biết rằng, trăng đã đánh thức người trong đêm thanh tĩnh. Thấy trăng rọi sáng ở đầu giường là khi ông đang nằm trên giường trằn trọc không ngủ.
Nhân vật trữ tình rất có thể là chưa ngủ, hoặc ngủ rồi nhưng tỉnh dậy và không ngủ được nữa. Trong trạng thái mơ màng ấy mới có cái sự nghi ngờ rất đẹp (trăng sáng mà ngỡ là sương). Như thế dù không trực tiếp tả người, câu thơ vẫn gợi lên được trạng thái và tình cảm của con người. Nằm trên giường mà thao thức không ngủ được, ánh sáng của trăng mà ngỡ mặt đất phủ sương trời đã sáng nên thức giấc. Ấy ắt là tâm trạng luôn chập chờn, khắc khoải, trăn trở, thao thức của kẻ li hương. Trong tâm hồn ấy luôn có điều gì đau đáu, dày vò. Câu ngỡ mặt đất phủ sương vừa trực tiếp tả tâm trạng bâng khuâng, bồi hồi lại vừa gián tiếp tả cử chỉ của người ngồi trên giường đang nhìn vào xa xôi, mông lung, như tìm kiếm một thứ gì đó mà đối với tác giả nó rất gần gũi, thân thương, nhớ đất, nhớ người nhớ cả quê hương.
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Cúi đầu nhớ cố hương
Đến hai câu cuối thì nỗi nhớ quê trào lên bội phần, cử chỉ hành động cũng thêm bối rối trằn trọc, trăn trở. Cảnh vật và tình cảm tâm trạng đan xen, kết hợp như đang hòa quyện nhau không thể nào tách bạch. Trong cái đêm vốn tĩnh ấy, trăng rất sáng, rất trong, rất đẹp nhưng lòng người không thể vui với trăng được mà ngược lại, dù ngẩng hay cúi đầu thì nỗi nhớ quê day dứt, vẫn tồn tại, vẫn khắc khoải trong lòng tác giả. Cảnh vui, cảnh đẹp nhưng người nhớ, người sầu thì có cảnh cùng chỉ làm sầu thêm thôi.
Bài thơ được làm theo hình thức cổ thể ngũ ngôn tuyệt cú. Hình thức thể hiện tự do rất có hiệu quả khi diễn đạt mạch cảm xúc tự nhiên. Tuy thế, tác giả cũng đã sử dụng phép đối rất đắc địa ở hai câu cuối: Ngẩng đầu/ Cúi đầu nhìn trăng sáng / nhớ cố hương. Nguyên tác cho thấy đây là cặp đối rất chỉnh, về mặt từ loại: động từ / động từ ( cử đầu / đê đầu/ vọng / tứ). tính từ / tính từ (mình / cố), danh từ / danh từ (nguyệt / hương). Cặp đối tạo thành sự sóng đôi: Cảnh / tình (trăng / quê hương). Sự sóng đôi này chính là cấu tứ của bài thơ. Cảnh gợi tình, trăng gợi nhớ quê hương, rồi đến lúc con người chìm đắm trong nỗi nhớ, trăng thấm đẫm vào hồn. Cái cúi đầu như lặng lẽ, như buồn tủi...
Tĩnh dạ tứ của Lí Bạch với những từ ngữ giản dị mà tinh luyện đã thể hiện một cách nhẹ nhàng mà thấm thía tình quê hương của một người sống xa nhà trong đêm trăng thanh tĩnh.
Cho ngàn like