Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Cảm nhận của em khi đọc “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ ba - 19/12/2017 00:10
Đêm 19 tháng 12 năm 1946, tại một địa điểm cách Hà Nội không xa thuộc tỉnh Sơn Tây, qua làn sóng điện Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” để khích lệ, động viên đồng bào, chiến sĩ cả nước nhất tề đứng dậy đánh thực dân Pháp xâm lược, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” mang tính chất và ý nghĩa lịch sử như hịch đánh giặc ngoại xâm của dân tộc ta trong thế kỉ XX, trong thời đại Hồ Chí Minh.
 
Nếu tính từ ngày 2 tháng 9 năm 1945, ngày Hồ Chủ tịch đọc Bản Tuyên ngôn độc lập đến đêm 19 tháng 12 năm 1946 nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà non trẻ của dân tộc ta mới chỉ có 15 tháng 12 ngày. Kẻ thù của dân tộc ta là thực dân Pháp, một cường quốc hùng mạnh. Vận mệnh của Tổ quốc ta, của dân tộc lúc bấy giờ thật vô cùng hiểm nghèo và nghiêm trọng.
 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói về những giờ phút lịch sử nghiêm trọng ấy: “Từ đêm hôm trước, đêm 19 tháng Chạp lịch sử, chiến tranh đã lan rộng ra cả nước ta. Hơn một năm sau ngày Nam Bộ đứng lên kháng chiến, tiếp theo các cuộc chiến đấu của quân và dân ta ở Sơn La, Lạng Sơn, ở thành phố cảng Hải Phòng, nay đến lượt quân và dân ta ở Hà Nội nổ súng đánh trả quân xâm lược. Nam Định, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Huế, Đà Nẵng... cũng đã vùng dậy chiến đấu cứu nước diệt thù. Cuộc kháng chiến toàn quốc đã bùng nổ”.
 
Mở đầu “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” là năm chữ “Hỡi đồng bào toàn quốc!” cất lên vang dội núi sông làm chấn động lòng người. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu bật lòng yêu chuộng hòa bình, tinh thần nhân nhượng của nhân dân ta, vạch trần sự hung hăng “lấn tới”, dã tâm xâm lược của thực dân Pháp “quyết tâm cướp nước ta lần nữa”. Cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp là một cuộc chiến tranh chính nghĩa. Trái lại, thực dân Pháp xâm lược là kẻ đã bị vạch mặt hiếu chiến, phi nghĩa. Người đã lập luận tương phản, vừa chặt chẽ vừa sắc bén đầy sức thuyết phục:
 
“Hỡi đồng bào toàn quốc!
 
Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa”.
 
Hai câu tiếp theo, Người dùng lối phủ định để khẳng định tinh thần và ý chí chống xâm lược của nhân dân ta, quyết chiến đấu hi sinh để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Tự do hay là chết! Lời kêu gọi vang lên như một lời thề quyết tử:
 
“Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
 
Hai tiếng “nhất định” được láy lại hai lần: “nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” đã thể hiện tinh thần bất khuất và khí phách anh hùng của dân tộc ta trước họa xâm lăng.
 
Chỉ với bốn câu văn gồm 58 chữ, Hồ Chủ tịch đã hùng hồn nói lên khát vọng độc lập, tự do, lòng yêu chuộng hòa bình và tinh thần quyết tâm kháng chiến của dân tộc Việt Nam chúng ta.
 
Phần nội dung lời kêu gọi, Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng về hai đối tượng, đó là đồng bào và anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân.
 
Hai câu cảm thán cất lên đầy chấn động, thấm sâu vào trí óc tâm hồn hàng triệu con người Việt Nam, có tác dụng khích lệ tinh thần tự tôn, tự lập và tự cường dân tộc: “Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!”
 
Lực lượng kháng chiến là khối đại đoàn kết dân tộc, là đàn ông, đàn bà, là người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, là triệu triệu con người Việt Nam chúng ta từ Bắc chí Nam, từ miền xuôi đến miền ngược.
 
Vũ khí đánh giặc là tất cả: súng, gươm, cuốc, thuổng, gậy gộc. Mục tiêu cuộc kháng chiến thật cao cả, thiêng liêng: “đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc”, “ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”.
 
Lực lượng xung kích của cuộc kháng chiến là anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân. Anh em binh sĩ là Vệ quốc quân, là bộ đội chủ lực. Tự vệ, dân quân là lực lượng bán vũ trang, là anh trai làng, là cô thôn nữ,… vô cùng đông đảo, có mặt khắp mọi nơi, khắp các thôn xóm, bản làng, đường phố.
Hồ Chủ tịch thiết tha kêu gọi:
 
“Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!
Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hi sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước”.
 
Qua nội dung lời kêu gọi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là một cuộc chiến tranh nhân dân thần kì, một cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại mà mọi chiến công đều được làm nên bằng xương máu của hàng triệu con người Việt Nam. Qua đó, ta thấy sự lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến của Đảng và Hồ Chủ tịch là đúng đắn, kiên quyết và sáng suốt.
 
Hơn một tháng sau, ngày 27 tháng 1 năm 1947, trong “Thư gửi các chiến sĩ quyết tử quân Thủ đô”, Hồ Chủ tịch viết:
 
“Các em là đội cảm tử. Các em cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại, cái tinh thần quật cường đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, truyền lại cho các em.
 
Nay các em gan góc tiếp tục cái tinh thần bất diệt đó, để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời về sau”.
 
Trong thư gửi nam nữ chiến sĩ dân quân, tự vệ và du kích toàn quốc, ngày 27 tháng 5 năm 1947, Người đã viết:
 
“Dân quân, tự vệ và du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, là một bức tường sắt của Tổ quốc. Vô luận kẻ địch hung bạo thế nào, hễ đụng vào lực lượng đó, bức tường đó, thì địch nào cũng phải tan rã”.
 
Đọc “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, ôn lại trang sử oai hùng thời 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946 – 1954), những thế hệ người dân Việt Nam ngày nay và mai sau vô cùng tự hào về truyền thống anh hùng bất khuất của dân tộc, nghiêng mình kính cẩn trước bao liệt sĩ đã “hi sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước”.
 
“Dân ta gan dạ anh hùng,
Trẻ làm đuốc sống, già xông lửa đồn".
Tố Hữu

“Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép quân thù. Tre xung phong vào xe tăng, đại bác. Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hi sinh để bảo vệ con người. Tre, anh hùng lao động! Tre, anh hùng chiến đấu!”
Thép Mới
 
Đó là hào khí Đại Việt của thời đại Hồ Chí Minh đã được khơi dậy và thắp sáng trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”.
 
Phần kết luận, Hồ Chủ tịch đanh thép khẳng định cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta nhất định thắng lợi. Người chỉ rõ cuộc kháng chiến là vô cùng gian lao. Người kêu gọi đồng bào, chiến sĩ phải “một lòng kiên quyết hi sinh”. Đó là cái giá của độc lập tự do rất đáng tự hào. Đó là niềm tin bất diệt:
 
“Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hi sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta”. Sau hơn ba nghìn ngày khói lửa, niềm tin ấy đã trở thành hiện thực:
 
“Chín năm làm một Điện Biên,
Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.
Tố Hữu
 
Hai câu cuối lời kêu gọi vang lên đanh thép, hùng hồn như một lời thề quyết chiến và quyết thắng làm nức lòng hàng triệu đồng bào, chiến sĩ:
 
“Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm!
Kháng chiến thắng lợi muôn năm!”.
 
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” là một văn kiện lịch sử trọng đại. Nó đã kế thừa “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn trong thế kỉ XIII, “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi trong thế kỉ XV. Nó đã thể hiện khí phách anh hùng của đất nước và con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
 
Với cách lập luận chặt chẽ, lí lẽ đanh thép hùng hồn, Hồ Chủ tịch đã khơi dậy và truyền cho nhân dân ta bao sức mạnh và niềm tin để quyết chiến và quyết thắng.
 
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” sáng ngời lí tưởng “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.
 
Sau hơn 60 năm (1946 – 2008), đọc “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, mỗi người dân Việt Nam vô cùng tự hào, ngẩng cao đầu đi tới.
 
Hãy đọc lại đoạn văn sau đây của Đại tướng Võ Nguyên Giáp để ôn lại những giờ phút lịch sử hùng tráng của dân tộc:
 
“Mùa đông năm ấy, 56 tuổi, với cây gậy trúc và đôi dép cao su, Người lên đường đi kháng chiến, cuộc kháng chiến thần thánh lần thứ nhất. “Cố rán sức qua khỏi mùa đông lạnh lẽo thì ta sẽ gặp mùa xuân”.
 
Cả dân tộc ta đã đứng lên theo tiếng gọi của Người, với một quyết tâm lớn, một khí thế mạnh, một tinh thần diệt thù cứu nước, hi sinh dũng cảm tuyệt vời lập nên những chiến công lớn ngay trong những ngày mùa đông giá lạnh đầu tiên của cuộc kháng chiến toàn quốc.
 
Từ đó, dưới ngọn cờ của Hồ Chủ tịch, của Đảng, dân tộc ta đã vượt qua muôn vàn gian khổ trong suốt ba ngàn ngày đêm chiến đấu, càng đánh càng mạnh, càng thắng, tiến lên mãi trên con đường dẫn tới một mùa xuân của dân tộc, tới chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ”.
 
(Những năm tháng không thể nào quên)

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây