Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Cảm nhận của anh/chị về sức sống diệu kì và niềm tin mãnh liệt của các nhân vật trong Vợ nhặt của Kim Lân

Thứ hai - 13/04/2020 11:02
Cảm nhận của anh/chị về sức sống diệu kì và niềm tin mãnh liệt của các nhân vật trong Vợ nhặt của Kim Lân. Liên hệ với sức sống của con người Việt Nam trong “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam.
BÀI LÀM
Nhiều lúc rãnh rồi, ngồi suy nghĩ về nhân tình thế thái, tôi lại tự hỏi rằng: cuộc đời con người vốn dĩ chỉ là một vòng lẩn quẩn với sinh lão bệnh tử, ai cũng giống ai, ai rồi cũng sẽ chết, vậy thì mọi khổ đau lai vãng kiếp người có gì đáng phải bận tâm? Thế nhưng, tôi đã nhầm. Chính bởi vì cuộc đời bắt đầu bằng chữ “sinh” và đặt dấu chấm hết bằng một chữ “tử", nên, theo lẽ tự nhiên, con người ai cũng có lòng ham sống. Ham sống ở đây chẳng phải là vì sợ chết, mà đơn giản là vì ai cũng muốn có một cuộc sống thật đủ đầy, ý nghĩa, trọn vẹn dù ngắn ngủi. Và vì thế càng trong khổ đau tăm tối, thì cái sức sống ấy, cái khao khát được vượt lên trên số phận ấy của con người sẽ lại càng mãnh liệt. Trong văn học, “Vợ nhặt” chính là một tác phẩm mà ờ đó Kim Lân đã xây dựng nên những nhân vật đại diện tiêu biểu cho những con người có sức sống diệu kì và niềm tin mãnh liệt, những con người dù trong đau khổ đói khát, trong hoàn cảnh cận kề cái chết “vẫn hướng tới sự sống, vẫn hi vọng, tin tưởng ở tương lai”.

Tác phẩm “Vợ nhặt” được trích trong tập truyện “Con chó xấu xí”. Truyện được viết ngay sau cách mạng với tên gọi “Xóm ngụ cư”. Nhưng do thất lạc bản thảo nên sau khi hòa bình lập lại, tác giả đã viết lại thành “Vợ nhặt”. Tác phẩm có ba nhân vật chính là anh cu Tràng, người vợ nhặt và bà cụ Tứ. Mỗi một nhân vật đều để lại cho người đọc một ấn tượng khó phai về một kiếp người trong bối cảnh đại nạn của dân tộc - nạn đói năm 1945.


Mở đầu tác phẩm “Vợ nhặt” là bức tranh ngày đói. Một bức tranh với đầy đủ những nét đau thương, khốn cùng. Một bức tranh khiến người đọc phải rùng mình xúc động vì những gì mà đồng bào ta phai trải qua trong những năm tháng đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Người sống thì “lũ lượt dắt díu, bồng bế nhau lên xanh xám như những bóng ma”, dưới những gốc đa, gốc gạo xù xì, “bóng những người đói đi lại dật dờ lặng lẽ như những bóng ma”. Người sống mà tác giả lại mang ra so sánh với những “bóng ma”, vậy là đủ hiểu cuộc sống của họ giờ đây chỉ là tạm bợ, cầm chừng, là ngàn cân treo sợi tóc. Người sống là vậy, còn người chết thì “như ngã rạ, không một sáng nào đi làm đồng hoặc đi chợ người ta lại không thấy ba bốn cái thây người nằm còng queo ở bên vệ đường”. Không gian đặc một mùi tử khí nồng nặc, cõi âm lăm le chỉ chực lấn át cõi dương. Khi mà cái chết đang dần thắng thế sự sống, liệu con người có vì bất lực mà buông xuôi bản thân, bỏ mặc cho số phận đưa đẩy?

Nhưng không, dù trong đói khố lay lắt, những nhân vật của Kim Lân vẫn mang trong mình một súc sống diệu kì. Nhân vật Tràng của Kim Lân là một người nông dân ngụ cư xấu xí, nghèo khổ, làm nghề đẩy xe bò thuê. Anh sống với mẹ già, trong một gia cảnh nghèo túng, cái được gọi là nhà thì luôn “vắng teo đứng rúm ró trên mảnh vườn mọc lổn nhổn những bụi cỏ dại”. Với vài nét phác họa giản đơn, Tràng hiện lên có phần giống với những thằng đần, thằng ngốc trong cổ tích. Cái lưng thì to bè như “lưng gấu”, cái mặt thì ấn tượng bởi “hai con mắt nhỏ tý gà gà. Quai hàm bạnh”. Tính cách lại có phần trẻ con nhiều hơn vì thế chẳng mấy ai thèm nói chuyện, trừ lũ trẻ vẫn hay chọc ghẹo mỗi khi anh đi làm về. Thế nhưng, đằng sau cái vẻ ngoài xấu xí, nghèo khổ ấy, Tràng lại là một người có phẩm chất hiền lành, tốt bụng, anh sẵn sàng đùm bọc, cưu mang người đồng cảnh ngộ trong nạn đói khủng khiếp - đó chính là nhân vật thị, cũng là người “vợ nhặt” của anh sau này. Nhân vật thị, một người phụ nữ không tên không tuổi, không quê hương, không quá khứ. Phải chăng nhà văn nghèo ngôn ngữ đến độ không thể đặt nỗi cho thị một cái tên? Hay tác giả muốn thông qua đó xây dụng nên một hình tượng có tính quy luật, hình tượng của những con người vô danh, những cánh bèo nỗi trôi trong nạn đói, lập lờ không biết ngày mai sẽ trôi dạt về đâu? Và với một mục đích nào đó, nhà văn đã để thị trôi dạt vào cuộc đời của Tràng. Thị xuất hiện trước mặt Tràng vừa bằng ngoại hình vừa bằng tính cách của một con người năm đói.

Chân dung của thị hiện lên với những nét “không dễ nhìn”. Đó là một người phụ nữ gầy vêu vao, “áo quần tả tơi nhu tổ đỉa”, “khuôn mặt lưỡi cày xám xịt” nổi bật với “hai con mắt trũng hoáy”. Cái đói đã khiến thị càng nhếch nhác, tội nghiệp lại càng nhếch nhác, tội nghiệp hơn. Thế nhưng, nguy hiểm hơn, cái đói không chỉ tàn hại dung nhan thị, mà còn tàn hại cả tính cách, nhân phẩm của thị. Vì đói, vì khổ mà thị trở thành một người phụ nữ “chao chát”, “chỏng lỏn”, “chua ngoa”, “đanh đá”. Thị “cong cớn”, “sưng sỉa” khi giao tiếp với một người con trai là Tràng, sẵn sàng đòi ăn cho bằng được để lấp đầy cái bụng rỗng còn hơn là việc phải giữ ý tứ, lòng tự trọng của người con gái. Khi được Tràng cho ăn “thị sà xuống cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì”. Thị rõ ràng đã đặt sự tồn tại của mình, đặt miếng ăn lên trên cả nhân cách. Thậm chí, thị sẵn sàng cho không bản thân mình cho một người đàn ông xa lạ. Giá một người đàn bà “Ba trăm một mụ đàn bà/Mang về mà giải chiếu hoa cho ngồi” giờ lại “đại hạ giá” xuống chỉ còn bốn bát bánh đúc. Nhưng thị không đáng trách, ta chỉ thấy thị thật đáng thương. Giá trị con người năm đói thật rẻ mạt.

Và thế là, chỉ bằng một câu hò vu vơ, bốn bát bánh đúc, anh cu Tràng đã có một người vợ. Kim Lân đã xây dựng một tình huống truyện thật độc đáo. Không ngờ trong cái tình cảnh đói nghèo khổ cực ấy, người ta có thể dễ dàng lấy được vợ. Không ngờ trong cái tình cảnh đói nghèo khổ cực ấy, người ta vẫn nghĩ đến việc lấy vợ. Đấy chính là cái cách mà Kim Lân thổi vào nhân vật của ông một sức sống diệu kì. Anh cu Tràng sau khi có vợ, bỗng dưng như trở thành một con người khác. Một người nông dân cục mịch, hiền lành nay đã trở nên tinh tế hơn khi dắt người vợ của mình vào chợ “mua cho thị một cái thúng con đựng vài thứ lặt vặt” vì ai lại để thị tay không về nhà bao giờ. Tuy đã có lúc anh “chợt nghĩ: thóc gạo này đến cái thân mình cũng chã biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng” nhưng rất nhanh sau đó, niềm hạnh phúc đã lấn át đi nỗi lo sợ vẩn vơ ấy “trong một lúc Tràng hình như quên hết những cảnh sống ê chề, tăm tối hàng ngày, quên cả đói khát ghê gớm đang đe dọa, quên cả những tháng ngày trước mặt. Trong lòng hắn bây giờ chỉ còn tình nghĩa giữa hắn và người đàn bà đi bên. Một cái gì mới mẻ, lạ lắm, chưa từng thấy ở người đàn ông nghèo khổ ấy, nó ôm ấp, mơn man khắp da thịt Tràng, tựa hồ như có bàn tay vuốt nhẹ dọc sống lưng”. Ai bảo đói nghèo thì người ta không thể có quyền được hạnh phúc? Ai bảo trong hoàn cảnh cận kề cái chết người ta không được phép hướng tới sự sống, tới tương lai? Việc Tràng lấy vợ chính là biểu hiện của sự lạc quan, luôn hướng tới những điều tốt đẹp bất chấp hoàn cảnh, số phận. Riêng về người vợ nhặt, sức sống diệu kì của thị lại càng làm người đọc cảm động hơn nữa. Thị theo Tràng về nhà nào phải vì bản tính thị lẳng lơ. Thị theo tràng về nhà chính là đi theo tiếng gọi của sự sống. Thị muốn sống, ham sống, khao khát được sống. Dù trên bờ vực của cái chết, người đàn bà ấy vẫn không hề có ý định buông xuôi sự sống. Trái lại, thị vẫn vượt lên trên cái thảm đạm để xây dựng mái ấm gia đình. Niềm lạc quan yêu sống của thị quả thật là một phẩm chất rất đáng quý.

Vì đâu mà những con người bé nhỏ ấy lại có được một súc sống diệu kì đến vậy? Đó chính là nhờ niềm tin mãnh liệt của họ vào sự sống. Khi biết con mình đã có vợ, bà cụ Tứ một phần hờn tủi vì chưa thể làm tròn trách nhiệm của một người mẹ, một phần xót thương, lo lắng cho tương lai của con, nhưng bằng sự từng trãi của người mẹ, bà cũng khuyên nhủ, động viên con những điều chí tình, đôn hậu, tràn đầy niềm lạc quan. Triết lý “Ai giàu ba họ, ai khó ba đời” từ ngàn xưa nay được sống dậy và đầy lạc quan nơi người mẹ nghèo khổ ấy. Bà đã mang lại hơi ấm cho cả nhà “Nhà ta thì nghèo con ạ. Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn, rồi may ra ông giời cho khá... Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời?”. Chất chứa trong câu nói ấy của bà là niềm tin về cuộc sống phía trước. Không tàn lụi, không mất niềm tin là đức tính quý báu của nhân dân ta mà tiêu biểu đó là bà cụ Tứ. Sau đêm tân hôn, tâm trạng của cả ba nhân vật đều thay đổi theo một chiều hướng tích cực. Anh cu Tràng đã trở nên có trách nhiệm, chín chắn hơn “Bỗng nhiên hắn thấy thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng. Hắn đã có một gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Cái nhà như cái tổ ấm che mưa che nắng”. Còn người vợ nhặt, thị cũng thay đổi so với những lần mà Tràng gặp ngoài kho thóc “Tràng nom thị hôm nay khác lắm, rõ ràng là người đàn bà hiền hậu, đúng mực không còn vẻ gì chao chát, chỏng lỏn như những lần Tràng gặp ở ngoài tỉnh”. Bà cụ Tứ cũng trơ nên tươi tỉnh nhẹ nhõm khác ngày thường, “cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên”. Bà cùng người con dâu dậy sớm dọn dẹp, thu vén nhà cửa những mong chào đón một cuộc sống vui vẻ, ấm no hơn. Trong hoàn cảnh bấy giờ, có được một niềm tin như vậy quả thực thật đáng quý biết bao! Câu chuyện kết thúc bằng hình ảnh của những người nghèo đói “ầm ầm kéo nhau đi trên đê Sộp” và đằng trước là “lá cờ đỏ to lắm” đỏ cũng chính là con đường sống mà tác giả mở ra cho những con người đang đứng trên bờ vực của cái chết, là dòng nước mát lạnh sẽ gội sạch sự u ám chết chóc của bức tranh nạn đói năm 1945.

Đọc “Vợ nhặt”, thấy được sức sống diệu kì và niềm tin mãnh liệt của con người vào sự sống, ta lại mơ hồ liên tưởng đến truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam. Ở nơi đó, nơi bối cảnh phố huyện tiêu điều cũng có những con người bé nhỏ dưới đáy xã hội đang cố sức đưa tay với lấy sự sống. Họ là hai chị em Liên từng có một cuộc sống vui vẻ ở chốn phồn hoa thị thành, là bác phở Siêu với ngọn đèn trên gánh hàng cứ tầm tối là xuất hiện, là vợ chồng bác hát xẩm, là bà cụ Thi điên, là mẹ con chị Tý với ngọn đèn dầu leo lét nơi hàng quán tạm bợ. Ngọn đèn dầu leo lét chỉ chực tắt ngấm như số phận của những người dân nơi đây. Thế nhưng, cũng giống như Tràng, như người vợ nhặt, như bà cụ Tứ, họ chưa bao giờ ngừng hướng về tương lai, về sự sống. Hình ảnh đoàn tàu mang ánh sáng của một cuộc sống hiện đại, của một “thế giới khác”, khát khao được nhìn thấy đoàn tàu cũng chính là cái khao khát được đổi đời của người dân nơi đây. Ánh sáng đoàn tàu chỉ vụt sáng như một ngôi sao băng qua nơi tối tăm lạnh lẽo này nhưng lại mang theo bao hy vọng, bao ước mơ, bao niềm tin về một sự đổi khác. Những con người Việt Nam, dù không ở trong cùng một hoàn cảnh, nhưng sức sống diệu kì và niềm tin mãnh liệt vượt lên số phận của họ đã được các nhà văn phát hiện, trân trọng và ngợi ca.

Kim Lân đã thực sự tạo ra được một tác phẩm mang tính nhân văn sâu sắc và khác biệt đúng như với mong muốn của ông: “Khi viết về con người năm đói người ta hay nghĩ đến những con người chỉ nghi đến cái chết. Tôi muốn viết một truyện ngắn với ý khác. Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sụ sống, vẫn hi vọng, tin tương ở tương lai”.

Đào Thị Thùy Phương học sinh lớp 12 Văn Lương Thế Vinh, Biên Hòa, Đồng Nai

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây