Mở bài tham khảo:
Nam Cao và Kim Lân đều là những cây bút có sở trường truyện ngắn, có nhiều trang viết cảm động về đề tài nông thôn và người nông dân. Điểm chung của hai nhà văn là họ đều có những truyện ngắn giản dị nhưng chứa chan tinh thần nhân đạo.Hình ảnh bát cháo hành trong Chí Phèo và bát cháo cám trong Vợ nhặt đều là những hình ảnh đặc sắc, góp phần thể hiện rõ nét nội dung tư tường của các tác phẩm và tài năng của các nhà văn.
II. Thân bài: lần lượt phân tích ý nghĩa của hai hình ảnh, sau đó so sánh điểm giống và khác nhau
1. Hình ảnh bát cháo hành:
* Sự xuất hiện: Hình ảnh này xuất hiện ở phần giữa truyện. Chí Phèo say rượu, gặp Thị Nở ở vườn chuối. Khung cảnh hữu tình của đêm trăng đã đưa đến mối tình Thị Nở – Chí Phèo. Sau hôm đó, Chí Phèo bị cảm. Thị Nở thương tình đã về nhà nấu cháo hành mang sang cho hắn.
* Ý nghĩa:
– Về nội dung:
+ Thể hiện tình yêu thương của Thị Nở dành cho Chí phèo
+ Là hương vị của hạnh phúc, tình yêu muộn màng mà Chí Phèo được hưởng
+ Là liều thuốc giải cảm và giải độc tâm hồn Chí : gây ngạc nhiên, xúc động mạnh, khiến nhân vật ăn năn, suy nghĩ về tình trạng thê thảm hiện tại của mình. Nó khơi dậy niềm khao khát được làm hoà với mọi người, hi vọng vào một cơ hội được trở về với cuộc sống lương thiện. Như vậy, bát cháo hành đã đánh thức nhân tính bị vùi lấp lâu nay ở Chí Phèo.
– Về nghệ thuật:
+ Là chi tiết rất quan trọng thúc đẩy sự phát triển của cốt truyện, khắc họa sâu sắc nét tính cách, tâm lí và bi kịch của nhân vật.
+ Góp phần thể hiện sinh động tư tưởng Nam Cao: tin tưởng vào sức mạnh cảm hoá của tình người.
2. Hình ảnh nồi cháo cám:
* Sự xuất hiện: Hình ảnh này xuất hiện ở cuối truyện, trong bữa cơm đầu tiên đón nàng dâu mới của gia đình bà cụ Tứ.
* Ý nghĩa:
– Về nội dung:
+ Đối với gia đình Tràng, nồi cháo cám là món ăn xua tan cơn đói, là món ăn duy nhất của bữa tiệc cưới đón nàng dâu mới về. Qua đó, tác giả đã khắc sâu sự nghèo đói, cực khổ và rẻ mạt của người nông dân trong nạn đói 1945.
+ Qua chi tiết nồi cháo cám, tính cách của nhân vật được bộc lộ:
Bà cụ Tứ gọi cháo cám là ” chè khoán”, bà vui vẻ, niềm nở, chuyện trò với các con ->> là người mẹ nhân hậu, thương con, và có tinh thần lạc quan. Nồi cháo cám là nồi cháo của tình thân, tình người, niềm tin và hy vọng. Trong hoàn cảnh đói kém, mẹ con Tràng dám cưu mang, đùm bọc thị, chia sẻ sự sống cho thị. Bà cụ Tứ nói toàn chuyện vui, đem nồi cháo cám ra đãi nàng dâu vốn để làm không khí vui vẻ hơn.
Vợ Tràng đã có sự thay đổi về tính cách. Hết sức ngạc nhiên trước nồi cháo cám nhưng người con dâu mới vẫn điềm nhiên và vào miệng để làm vui lòng mẹ chồng. Chứng tỏ, Thị không còn nét cách chỏng lỏn như xưa nữa mà đã chấp nhận hoàn cảnh, đã thực sự sẵn sàng cùng gia đình vượt qua những tháng ngày khó khăn sắp tới.
– Về nghệ thuật: Chi tiết góp phần bộc lộ tính cách các nhân vật, thể hiện tài năng của tác giả Kim Lân trong việc lựa chọn chi tiết trong truyện ngắn.
3. So sánh:
– Giống nhau:
+ Cả 2 hình ảnh đều là biểu tượng của tình người ấm áp.
+ Đều thể hiện bi kịch của nhân vật và hiện thực xã hội: Ở “Chí Phèo” là bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người [bát cháo hành rất bình di, thậm chí là nhỏ bé, tầm thường nhưng đó là lần đầu tiên Chí được cho mà không phải đi cướp giật]. Ở “Vợ nhặt”, số phận con người cũng trở nên rẻ mạt.
+ Đều thể hiện tấm lòng nhân đạo sâu sắc, cái nhìn tin tưởng vào sức mạnh của tình yêu thương con người của các nhà văn.
– Khác nhau:
+ Bát cháo hành: biểu tượng của tình thương mà thị Nở dành cho Chí Phèo nhưng xã hội đương thời đã cự tuyệt Chí, đẩy Chí vào bước đường cùng. Qua đó, chúng ta thấy bộ mặt tàn bạo, vô nhân tính của XH thực dân nửa phong kiến cũng như cái nhìn bi quan, bế tắc của nhà văn Nam Cao.
+ Nồi cháo cám: biểu tượng tình thân, tình người, niềm tin và hy vọng vào phẩm chất tốt đẹp của người dân lao động trong nạn đói. Sau bát cháo cám, mọi người nói chuyện về Việt Minh. Qua đó, thức tỉnh ở Tràng khả năng cách mạng. Như vậy ở Kim Lân có cái nhìn lạc quan, đầy tin tưởng vào sự đổi đời của nhân vật, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
4. Lí giải sự giống và khác nhau đó:
+ Do hai nhà văn đều viết về người nông dân trong nạn đói 1945
+ Có sự khác nhau đó là do ảnh hưởng của lí tưởng Cách mạng với mỗi nhà văn . Nam Cao có cái nhìn bi quan, bế tắc về số phận của người nông dân. Kim Lân có cái nhìn lạc quan, tin tưởng vào tương lai tươi sáng.
Bài tham khảo 2
Đến với mỗi tác phẩm văn học, ta tìm thấy ở đó những hình tượng, chi tiết nghệ thuật khác nhau mang giá trị tư tưởng, tình cảm của tác giả, cũng như dụng ý nghệ thuật mà nhà văn muốn gửi gắm đến bạn đọc. Qua tác phẩm "Chí Phèo" của nhà văn Nam Cao, hình ảnh bát cháo hành trở thành mấu chốt thức tỉnh một con người. Không chỉ thế, khi trải lòng với "Vợ nhặt" của nhà văn Kim Lân, hẳn là trong lòng độc giả không thôi day dứt với hình ảnh bát cáo cám đầy ám ảnh.
1. Bát cháo hành trong "Chí Phèo" của nhà văn Nam Cao:
- Hình ảnh bát cháo hành gắn liền với một tình cảm đặc biệt được ưu ái dành cho tên gọi "đôi lứa xứng đôi" giữa Chí Phèo và Thị Nở. Anh Chí - một con người vốn "lành như đất", trải qua bao thăng trầm cuộc đời, bị bỏ rơi, bị bán đi, bị xúc phạm, bị đè bẹp... để rồi trượt dài trên dốc của sự tha hóa và trở thành một con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Bàn tay của bọn cường hào ác bá (mà Bá Kiến là một trong số đó) và nhà tù thực dân đã không cho Chí Phèo được lương thiện. Bị xa lánh, hắt hủi, những cơn say, những lần rạch mặt ăn vạ... ta cứ tưởng cuộc đời của Chí sẽ cứ trượt dài, trượt dài tận đáy dưới lớp của một con thú. Thế nhưng, chính bát cháo hành mà Thị Nở tự tay mang đến cho anh đã thức tỉnh một trái tim, một tâm hồn cũng biết rung động, một con người cần sự ấm áp, khao khát được thương yêu.
- Ý nghĩa của hình ảnh bát cháo hành:
+ Về nội dung:
Tình yêu thương, chăm sóc, tình người mà Thị Nở dành cho Chí Phèo trong lúc ốm đau, bệnh tật: "mình bỏ hắn lúc này cũng bạc. Dẫu sao cũng đã ăn nằm với nhau như “vợ chồng”. Tiếng “vợ chồng” thấy ngường ngượng mà thinh thích…"
Là lần đầu tiên Chí được chăm sóc bởi bàn tay của một người đàn bà, đầy yêu thương, ấm áp của một gia đình: “có ai nấu cho mà ăn đâu? Mà còn ai nấu cho mà ăn nữa! Đời hắn chưa bao giờ được săn sóc bởi một bàn tay đàn bà" và hắn cảm thấy cháo hành tuy đơn giản nhưng thật sự rất ngon và hắn tự hỏi: “tại sao mãi đến tận bây giờ hắn mới nếm vị mùi cháo?”.
Là một liều thuốc giải cảm và giải độc cho tâm hồn Chí -> từ sự ngạc nhiên, rồi hắn xúc động mạnh, khiến nhân vật ăn năn, suy nghĩ về tình trạng thê thảm hiện tại của mình. Sau khi ăn bát cháo hành, Chí đã ước ao tha thiết được trở về với cuộc đời lương thiện. -> Bát cháo hành đã đánh thức nhân tính bị vùi lấp lâu nay ở Chí Phèo -> khơi dậy niềm khao khát được làm hoà với mọi người, hi vọng vào một cơ hội được trở về với cuộc sống lương thiện và chính Thị sẽ giúp hắn hòa nhập.
+ Về nghệ thuật:
Là chi tiết rất quan trọng, mấu chốt để thúc đẩy sự tình huống truyện phát triển, khắc họa sâu sắc nét tính cách, tâm lí và bi kịch của nhân vật.
Góp phần thể hiện một cái nhìn tư tưởng sâu sắc của nhà văn Nam Cao: tin tưởng vào sự lương thiện và tình người, vào sự tốt đẹp của con người.
2. Bát cháo cám trong "Vợ nhặt" của nhà văn Kim Lân:
- Để bắt đầu một ngày mới thật khác với sự xuất hiện của thành viên mới trong gia đình, mẹ của Tràng đã đặc biệt chuẩn bị một món ăn dù "đắng chát, nghẹn bứ" nhưng bà cụ vẫn khen "ngon đáo để" - đó chính là nồi cháo cám. Trong nạn đói, người ta vẫn khao khát một hạnh phúc ấm êm bên gia đình. Chi tiết mang nhiều dụng ý nghệ thuật mà Kim Lân muốn gửi gắm đến bao thế hệ bạn đọc.
- Ý nghĩa:
+ Về nội dung:
Nồi cháo cám là món ăn xua đi cơn đói, là món ăn duy nhất của bữa tiệc cưới mà gia đình Tràng đón nàng dâu mới về. Trong hoàn cảnh nạn đói đang dần bao trùm cái không khí u ám, chết chóc lên khắp ngôi làng, khi mà “Xóm ta khối nhà còn chả có cám mà ăn đấy” số phận nghèo khổ, rẻ mạt của người dân trong nạn đói, thì nồi cháo cám ấy trở thành một niềm hạnh phúc nhỏ nhoi mà họ có.
+ Về nghệ thuật:
Qua ngòi bút của nhà văn, tâm lý nhân vật hiện lên rõ nét và vô cùng sâu sắc, thể hiện giá trị nhân đạo, nhân văn của tác phẩm:
Bà cụ Tứ: một người mẹ đảm đang, giàu tình yêu thương con, trọng nghĩa tình (dù trong cảnh đói kém vẫn cưu mang, đùm bọc thị). Mặc dù đã già, bà vẫn dậy sớm chuẩn bị bữa ăn cho cả nhà; hơn thế nữa là trong hoàn cảnh đói khổ và cái chết đang rình rập, bà vẫn cố gắng để có được bữa tiệc cưới giản dị cho con trai của mình.
Vợ Tràng: sự thay đổi về tính cách: hết sức ngạc nhiên trước nồi cháo cám nhưng người con dâu mới vẫn điềm nhiên và vào miệng để làm vui lòng mẹ chồng - không còn nét cách chỏng lỏn như xưa nữa mà cô đã chấp nhận hoàn cảnh, đã thực sự sẵn sàng cùng gia đình vượt qua những tháng ngày khó khăn sắp tới.
Nồi cháo cám là nồi cháo của tình thân, tình người, niềm tin và hy vọng sống và hạnh phúc.
3. So sánh:
a. Điểm giống:
+ Biểu hiện của tình người ấm áp, bao dung.
+ Qua đó, thể hiện sâu sắc bi kịch của nhân vật, và tái hiện lại hiện thực xã hội: bi kịch bị tha hoá + bị cự tuyêt quyền làm người (bát cháo hành) ---> dù Chí muốn lương thiện nhưng cách duy nhất là cái chết để không bị tha hóa nhân cách của chính mình. Bát cháo cám: thể hiện hiện thực tàn khốc của nạn đói (cám vốn là thức ăn của con vật thế nhưng giờ đây lại trở thành món ăn quý giá, đặc biệt của một gia đình).
=> Cái nhìn hiện thực độc đáo, tinh thần nhân đạo.
b. Điểm khác nhau:
+ Bát cháo hành: biểu tượng của tình thương mà thị Nở dành cho Chí Phèo, thế nhưng những định kiến và cái hiện thực xã hội đương thời đã đẩy Chí vào đường cùng --> chế độ thực dân tàn bạo. Bên cạnh đó, đó cũng là cái nhìn bế tắc của Nam Cao đối với người nông dân - cảm quan hiện thực của nhà văn trước CMT8.
+ Bát cháo cám: là biểu tượng tình thân, tình người, niềm tin và hy vọng vào phẩm chất tốt đẹp của người dân lao động trong nan đói. Niềm tin vào khả năng cách mạng của người dân của Kim Lân (sau bát cám thị nhắc đến đoàn người đói, là cờ Việt Minh... Tràng dường như nhận ra con đường tươi sáng hơn, tin vào Cách mạng) -> cảm quan nhà văn sau CMT8.
4. Đánh giá:
Bên cạnh những điểm tương đồng trong cái nhìn đầy nhân đạo và nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật tài tình của nhà văn, mỗi chi tiết nghệ thuật lại hiện lên với vẻ đẹp khác nhau, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển của cốt truyện, đem đến cho người đọc những áng văn bất hủ, giàu giá trị. Nam Cao và Kim Lân chính là những "hóa công" đã xây nên hai chi tiết nghệ thuật đặc sắc, đầy ý nghĩa này.