"Côn Sơn ca" ra đời trong nhưng năm tháng Nguyễn Trãi rời bỏ chốn quan trường quy về ở ẩn ở núi Côn Sơn, Chí Linh, Hải Dương. Cảnh núi Côn Sơn thanh bình yên ả và mong muốn xa lánh cát bụi trần ai, những toan tính đời thường đã gợi cảm hứng cho sự ra đời của văn bản.
Yêu thiên nhiên, Nguyễn Trãi mở lòng đón nhận cảnh rừng Côn Sơn với tất cả tâm hồn mình:
"Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai
Côn Sơn có đá rêu phơi
Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm
Trong ghềnh thông mọc như nêm
Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm
Trong rừng có trúc bóng râm
Dưới màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn ".
Thật vậy, tác giả cảm nhận thiên nhiên Côn Sơn bằng hầu hết các giác quan thính giác để lắng nghe tiếng suối, thị giác để chiêm ngưỡng hình ảnh rừng thông mát dịu, xúc giác để tận hưởng cái êm ái của những nệm rêu xanh. Tiếng suối côn Sơn được so sánh với thứ âm thanh trác tuyệt mà con người có thể tạo ra: “tiếng đàn cầm”. Đàn cầm là loại đàn quý, thường được sử dụng trong những buổi tấu nhạc cung đình. So sánh tiếng suối với tiếng đàn cầm, Nguyễn Trãi ngầm ngợi ca sự trong trẻo, réo rắt nên nhạc nên thơ của tiếng suối. Không chỉ vậy, thiên nhiên dưới cái nhìn của Nguyễn Trãi rất tự nhiên mà cũng rất tiện nghi chẳng kém chốn cao sang là mấy: suối như tiếng đàn, rêu như nệm êm, thông trúc cho bóng mát cho cảnh đẹp... Phải là người khoáng đạt yêu thiên nhiên đến nhường nào, chan hòa với thiên nhiên đến nhường nào mới có được những cảm xúc rộng mở thanh thản đến thế.
Nhưng trên hết, Nguyễn Trãi thể hiện một khát vọng lánh đục về trong, hưởng cái “nhàn” ung dung nơi trần thế. Hình ảnh nhân vật ta ngồi ngâm thơ nhàn dưới màu xanh mát của tán trúc che ngang, gợi cho ta nghĩ đến hình ảnh một tiên ông nhàn tản, không chút vấn vương thế sự. Đó một thi sĩ đa tình đang thả trọn tâm hồn với thiên nhiên. Thực ra, trong cuộc đời, không kể lúc làm quan mà ngay khi đã về ở ẩn ở Côn Sơn, Nguyễn Trãi vẫn một lòng lo cho nước, cho dân.
Thế nhưng có lẽ chính vì thế mà chúng ta càng cảm phục vẻ đẹp tài hoa và tâm hồn thi sĩ của ông. Trong muôn vàn vướng bận, Nguyễn Trãi vẫn dành cho thiên nhiên một tình yêu thật tươi trong và tuyệt đẹp. Đó cũng chính là vẻ đẹp nhất trong tâm hồn cao quý của ông.
Người xưa từng nói: Thơ văn cũng chính là người. Điều đó thật đúng với con người Nguyễn Trãi. Và như thế, đọc “Côn Sơn ca”, đọc thơ Nguyễn Trãi ta càng thêm hiểu, càng thêm trân trọng, khâm phục một tâm hồn, một nhân cách cao đẹp, trong sáng.