Hình ảnh con hổ - chúa tể rừng xanh - bị nhốt trong cũi sắt của vườn bách thú, trở thành biểu tượng cho việc thể hiện chủ đề cũng như tâm trạng của nhà thơ. Sự đối lập giữa hiện tại tù hãm với quá khứ tự do; giữa thân phận nô lệ hiện tại và vẻ lẫm liệt oai phong trong quá khứ chốn rừng xanh núi thẳm đã bộc lộ tâm trạng của những con người chiến bại: u uất, chưa tìm được lối thoát để tung mình ra, đang chịu cảnh bó buộc tù túng của cuộc sống đời thường ngập tràn giả dối. Đó cũng là hình thức giãi bày tâm sự của nhà thơ. Cách giãi bày tâm sự này đi thẳng vào lòng người bằng hàng loạt hình ảnh giàu chất tạo hình, bằng ngôn ngữ và nhạc tính của bài thơ. Tất cả tạo thành một bản hòa âm bi tráng, có sức khơi dậy sự đồng cảm của những con người đương thời và muôn đời.
Hoài Thanh đã nhận xét về Thế Lữ như sau: “Đọc đôi bài, nhất là bài Nhớ rừng, ta tưởng chừng thấy những chữ bị xô đẩy, bị dằn dặt bởi một sức mạnh phi thường. Thế Lữ như một viên tướng điều khiển đội quân Việt ngữ bằng những mệnh lệnh không thể cưỡng được”. Cảm nhận đó cho thấy sức mạnh của ngôn từ Thế Lữ. Trước hết là sức mạnh của cảm hứng lãng mạn chất chứa, dâng trào được thể hiện qua chuỗi hình ảnh lấp lánh, chuỗi âm thanh vang động, tràn đầy khí phách khi nói về một thời oanh liệt, nhưng cũng đậm màu u uất khi nói đến hiện tại. Tất cả đan kết lại với nhau tạo thành âm hưởng bi hùng cho khúc tự tình của chúa sơn lâm.
Hình thức thơ tám chữ với sự đổi mới táo bạo, cách ngắt nhịp linh hoạt, giàu âm điệu, giàu nhạc tính,... đã tạo ra khả năng bộc lộ “một sức mạnh phi thường” qua những “mệnh lệnh” điều khiển đội quân ngôn từ, biến ngôn từ thành sức mạnh tự thân của ngôn từ. Mỗi từ ngữ có cuộc sống riêng, có sức mạnh riêng mà tài năng của Thế Lữ là ở chỗ đã tập hợp được các sức mạnh tản mác ấy thành một sức mạnh thống nhất, có khả năng biểu đạt tâm trạng cao nhất, tạo thành những hình ảnh, hình tượng có tính tạo hình và gây ấn tượng sâu sắc.