Đối với phóng sự, đặc trưng của thể này là cung cấp cho công chúng những thông tin xác thực những sự việc, những vấn đề mang tính thời sự "nổi" lên trong xã hội. Phóng sự vốn là một thể loại thuộc loại hình kí, nhưng có sự gia tăng nhiều yếu tố văn chương như đi sâu khai thác nội tâm của con người, cách tổ chức văn bản giàu tính nghệ thuật... nó đã trở thành tiểu loại của kí văn học. Trong phóng sự Ngục Kông Tum, tác giả đã mô tả lại một cách chân thực cuộc sống tù đày của các chiến sĩ cách mạng với những nỗi thống khổ đến cùng cực. ở đó, cả một khoảng trời như được phủ lên bầu trời không khí u ám của sự tàn bạo và dã man. Nhà tù như một nơi hành hình tàn ác của chế độ thực dân với những thủ đoạn gian ác nhất của chúng. Bởi vậy, dưới sự hà khắc đó nhiều chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại với "địa ngục trần gian” đầy tội ác này. Nhưng bên cạnh những sự hi sinh một cách oanh liệt đó là phẩm chất anh dũng, ngoan cường và ý chí quyết chiến đến cùng của các chiến sĩ Cách mạng. Tinh thần của họ được tôi luyện trong gian khổ của chế độ nhà tù, Vì thế họ ngày càng bền vững để đấu tranh đến cùng với quân xâm lược.
Trong phóng sự này tác giả nêu lên ba sự kiện lớn đó là "cuộc đấu tranh lưu huyết ngày 12/12/1931"; "cuộc biểu tình tuyệt thực" và "ngày 16 tháng Chạp 1931”, cả ba sự kiện này đều gắn liền với những ngày gian khổ nhất mà các chiến sĩ phải hứng chịu tại Ngục Kông Tum. Đầu tiên là việc sẵn sàng đối phó với cuộc đầy đi Đắc Tao, nơi heo hút và khắc nghiệt nhất mà thực dân Pháp đã từng giam cầm các chiến sĩ cách mạng đến mức phải chết. Âm mưu , thủ đoạn của chúng lần này không khác mọi lần, vẫn hòng làm cho cuộc cách mạng dần đi đến chết hoặc nếu còn sống thì cũng trở thành thân tàn ma dại. Vì vậy tất cả những người tù đã xiết chặt tay nhau lại để phản đối những âm mưu đen tối và tàn bạo của bọn thực dân đế quốc nham hiểm. Trong những cuộc phản đối đó nhiều người tù cách mạng đã bị chúng dùng súng đạn bắn chết ngay tại chỗ. Tiêu biểu cho lòng dùng cảm đó là Trương Quang Trọng - một người "bình thường rất ôn hòa thuần hậu, không hay mơ và nhiều người đã coi Trọng như con gái nhà lành", nhưng chỉ vì không muốn nhìn thấy bạn tù của mình phải chết Trương Quang Trọng đã lấy thân mình ra đỡ đạn thay cho bạn. Hành động chết thay ấy rất đỗi hiên ngang, khảng khái, "Trọng tay lần mờ nút áo, phanh ngực mà trả lời" tên đế quốc, sau đó "tiếng súng vừa bắn ra, Trọng liền ngã xuống". Cái chết đó đã nói lên sự dã man của chế độ thực dân, chúng không còn bản tính con người mà đã giết người một cách vô nhân dạo. Ngoài ra cũng qua sự hi sinh đầy oanh liệt đó chứng tỏ phẩm chất và ý chí ngoan cường của người tù cách mạng. Thấy điều bất bình là dám xông lên bất chấp súng đạn của kẻ thù. Phải nói rằng ở con người này có nét đẹp tính cách rất đặc biệt. Trương Quang Trọng vốn là một sinh viên trường cao đẳng Hà Nội, nghĩa là vào thời điểm đó Trương Quang Trọng thuộc tầng lớp trí thức tiểu tư sản nhưng đã thể hiện một khí phách ngang tàng, quả quyết của một người cách mạng chính trực. Ngoài ra, ở con người này còn mang nặng cái duyên nợ với gia đình, người thân. Trước khi chết Trương Quang Trọng đã để lại bốn chữ để thờ: "Biết đâu mà tìm” như để nói lên những điều thiêng liêng nhất chưa kịp đi tìm mà đã vội chết của mình. Phẩm chất đó thật trong sáng và cao thượng nhưng cũng thật bình dị, gần gũi với đời thường.
Ngoài sự hi sinh của Trương Quang Trọng còn bao nhiêu cái chết khác trước súng đạn của kẻ thù. "Khi Trọng ngã xuống anh em ở sau tiến lên, vừa tiến vừa hô to khẩu hiệu phản đối, một tiếng súng thứ hai vừa ra, người thứ hai lại ngã, người sau lại tiến lên, hô to khẩu hiệu, dũng cảm đương đầu với súng đạn". Đó là tinh thần đoàn kết một lòng, ý chí quyết chiến, quyết thắng của những chịu đựng hi sinh gian khổ và không hề sờn lòng. Với phẩm chất ấy đã nhiều phen làm khiếp vía, hoảng loạn trong hàng ngũ quân thù.
Sự kiện thứ hai của phóng sự là "cuộc biểu tình tuyệt thực" để phản đối chính sách cai trị thâm độc và dã man của nhà ngục Kông Tum. Nổi lên ở phần này là sự tàn bạo, phi nhân tính của bọn thực dân đế quốc và bên cạnh đó là ý chí ngoan cường, dũng cảm của những người tù cách mạng lại lớn mạnh đến đó. Sự bền vững của ý chí mỗi người đã làm nên sức mạnh chung nhằm đối đầu với những hành động tàn bạo, thâm hiểm của quân thù. "Sau khi bắn giết nhà phạt ở lao ngoài rồi đem hết lính tráng vào lao trong để hăm dọa. Nhưng nhà phạt lúc ấy căm phẫn kịch liệt; vì một là nghe tin anh em lao ngoài chết, hai là thấy bọn cầm quyền quả quyết đem nhà phạt đi Đắc Pét, nên ai nấy một lòng, liều sống chết phản đối đến kì cùng - Bọn cầm quyền càng hăm dọa bao nhiêu, nhà phạt càng hăng hái quyết liệt bấy nhiêu". ý chí và tinh thần đó chính là phẩm chất của người cách mạng, dù chế độ thực dân có giam cầm, tù đày nhưng sự kiên cường và anh dũng trong họ không bao giờ mất và chỉ trong những hoàn cảnh gian khổ nhất, khắc nghiệt nhất thì phẩm chất đó khơi hiện lên một cách ngạo nghễ, ngang tàng. Vì vậy bọn cầm quyền không thể làm lung lay được sự bền vững như gang thép đó của tinh thần đấu tranh mà người tù cách mạng đã thể hiện trước mặt bọn chúng. Tuy nhiên bộ mặt tàn bạo dã man của kẻ thù thì vẫn không bao giờ thay đổi. Bằng nhiều hình thức, chúng nuôi dã tâm giết dần, giết mòn người tù cách mạng. Sự sống trong lao tù chẳng khác gì một "địa ngục trần gian" đầy tội ác. 'Trong lao dơ bẩn, ẩm thấp, phần thì hơi người ta đông, không khí hôi hám. Ngày đấu còn ít, qua ngày thứ hai, thứ ba không tài nào tả nổi cái khổ của anh em. Nhiều người đã liệt nhược, nằm mê, tay chân cử động không nổi, có người khát quá, chịu không nổi phải lấy nước tiểu hòa với dầu mà uống cho đỡ khát". Đó là "hiện thực mà bọn cầm quyền đã giáng xuống khiến người tù cách mạng lâm vào cảnh dở sống dở chết. Chính quyền thực dân đã coi những "phạm nhân” của mình như những loài cầm thú/ không cho ăn, không cho uống đến mức phải cầm hơi bằng cách ngao ngán nhất, cùng cực nhất, khốn đốn nhất là dùng nước tiểu hòa với dầu. Không còn ở đâu tàn ác và dã man hơn, cũng không còn ở đâu có sự hiện thân của chủ nghĩa yêu nước, tinh thần cách mạng lại tỏa sáng, hiên ngang và kiên cường như ở nơi này. Sụ đối nghịch ấy luôn luôn là nguồn cội của ý chí quyết chiến đến cùng của người tù cách mạng. Đó là lí tưởng cao đẹp và khát vọng sống lớn lao của những con người đi theo tiếng gọi của Đảng hồi đầu tiên khởi nghĩa. Chính nhờ những tinh thần gang thép ấy mà chúng ta đã thu được bao nhiêu thắng lợi trong cuộc đấu tranh với kẻ thù.
Tiếp phần cuối của đoạn trích phóng sự Ngục Kông Tum là những cuộc đấu tranh trong xương máu của người tù cách mạng, ở phần này tác giả đã một lần nữa cho chúng ta được chứng kiến tính tàn bạo, dã man của bọn cầm quyền xâm lược. Vì luôn bị nhốt trong tù ngục mà không được ăn, uống thêm vào đó là những gian chật chội, hôi hám nên "Nhà phạt lúc ấy người nào người ấy đều kiệt nhược, đi đứng không vững chỉ ôm nhau nằm chồng chất trong nhà lao." Sự thật ấy càng thêm chồng chất lên bởi những cuộc bắn giết không thương tiếc của quân thù. Người này hi sinh thì lại tiếp đến người khác ngã xuống, cứ như trong cái chết đau thương lại hiện lên khí phách ngang tàng và lòng thù hận đến tột cùng. "Khi bọn sĩ quan vào gần nhà lao, một người trông thấy liền đứng dậy la lớn: Anh em ơi! Chúng đến đây rồi, tức thì đoàng, một tiếng súng nổ ra, anh liền ngã xuống. Tên anh là Giáo Thuyên." Có thể thấy ở nơi "địa ngục trần gian" này chỉ có một hình thức mà bọn xâm lược thường làm cách để thi hành tội ác đó là dùng súng đạn .để giết hại những người tù một cách dã man nhất. Cứ xem cái cảnh chết thê thảm này chúng ta đã thấu hiểu được sự tàn bạo của kẻ thù như thế nào. "Có một người bị một phát súng vào bụng, ruột lòi ra mà chưa chết, anh ta hoảng hốt bò lăn bò lóc, bò đến đâu ruột lòi ra đến đó, một hồi sau thì chết. Người này tên là Viện, ở Nghệ An". Thực tế khi những tù nhân cách mạng đang sống là như vậy. Nhưng đâu chỉ có như thế, ngay cả khi họ đã chết rồi cũng không để họ được một chỗ chôn cất cho ra mồ ma. Bọn chúng "đào một hố sâu, rồi xô nhào xuống, lấp đất lại". Về sau nhà phạt xin đào chỗ ấy lên thì thấy mấy bộ xương, người ngồi, kẻ đứng, người còng lưng, kẻ vẹo cổ, không một ngươi nào nằm ngay thẳng". Còn gì tàn ác hơn thế nữa. Sự phi nhân tính đã lên đến mức tột đỉnh rồi. ở đó không có sự tồn tại của tự do, cũng không có sự hiện hữu của tính người. Tất cả những hành vi, âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù là nhằm giết hại tù nhân cách mạng, nếu không chết thì cũng biến thành thân tàn ma dại. Hiện thực ở cái địa ngục trần gian Ngục Kông Tum là như vậy.
Tác gia Lê Văn Hiến bằng cái nhìn đầy xót thương của mình đã tái hiện lại cho chúng ta thấy cuộc sống khốn cùng, chết chóc của người tù cách mạng ở Ngục Kông Tum. Với bút pháp miêu tả chân thực cộng với lời văn chan chứa lòng căm thù sâu sắc phóng sự Ngục Kông Tum không những là nguồn tư liệu về lịch sử mà còn mang đậm tính nghệ thuật văn chương sâu sắc. Bằng việc xây dựng kết cấu gồm ba sự kiện quan trọng trong đoạn trích, tác phẩm đã phê phán một cách mạnh mẽ chính sách tàn bạo, dã man của nhà tù đế quốc. Qua đó, tác giả gửi lòng thương xót vô hạn đến những gương anh dũng đã hi sinh cho nền độc lập, tự do cho tổ quốc. Với cách nêu rõ tên họ trong tác phẩm, phóng sự Ngục Kông Tum để lại trong lòng người đọc những ấn tượng sâu sắc ở một giai đoạn lịch sử đau thương của đất nước. Qua đó giúp các thế hệ mai sau thấu hiểu hơn những nỗi thống khổ của cha ông để tự hào về truyền thống nồng nàn yêu nước của nhân dân ta thời kì chống Pháp.