Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Bình luận câu tục ngữ: "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng".

Thứ hai - 30/05/2016 06:05
Tục ngữ là kho tàng vô giá về kinh nghiệm trong sản xuất, trong học tập và trong đấu tranh. Nó cho ta nhiều bài học hay, nhiều nhận xét sâu sắc trong ứng xử, giao tiếp. Trải qua bao đổi thay của thế sự, nhân tình, lớp bụi thời gian có thể phủ mờ lên nhiều thứ, nhiều điều có thể bị lãng quên... nhưng kho tàng vô giá này vẫn có một sức sống lâu bền và có nhiều ý nghĩa đối với nhân sinh. Câu tục ngữ "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng" là một ví dụ tiêu biểu. Chúng ta cần quan niệm như thế nào cho đúng khi học câu tục ngữ này?
Câu tục ngữ có hai vế đối lập: "Gần mực thì đen" và "Gần đèn thì sáng"; hai biểu tượng tương phản nhau: "mực" và "đèn". Do đó, tác dụng cũng trái nhau: "đen" và "sáng".
 
Màu đen của mực (mực tàu), nguồn ánh sáng của đèn là hai biểu tượng về cái xấu và cái tốt, về dở và hay, cái lạc hậu, tiêu cực và cái tiến bộ, tích cực. "Gần" là ở bên cạnh, đặt bên cạnh, sống gần gũi. Đối lập với gần là xa, là tách biệt, cách li. "Mực thì đen" nhưng có ở "gần" thì mới "đen". "Đèn thì sáng" nhưng có đặt gần, ở gần thì mới "sáng". Chữ "gần" trong tục ngữ nói lên một mối quan hệ, sự tương quan gần gũi của hai sự vật. Nhân dân ta mượn hai biểu tượng đối lập (mực, đèn) để nói lên tầm quan trọng to lớn của mối quan hệ xã hội, của môi trường tác động đến con người.
 
Tóm lại, câu tục ngữ "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng" nêu lên một bài học, một kinh nghiệm về cách sống, thái độ sống, khuyên bảo chúng ta biết gần gũi người tốt, xa lánh kẻ xấu, đặc biệt là biết chọn bạn mà chơi.
 
Câu tục ngữ "Gần mực thi đen, gần đèn thì sáng" chứa đựng một kinh nghiệm sống, một cách sống đúng đắn và hay. Con người ta sinh ra tính vốn thiện và lành nhờ sự dạy dỗ, giáo dục, học tập mà trở thành người hữu ích. Nếu sống trong một môi trường xấu thì dễ trở nên xấu như "gần mực thì đen" vậy. Nhưng nếu sống trong một môi trường tốt, có quan hệ xã hội tốt, thì có thể trở thành người tốt chẳng khác nào "gần đèn thì sáng" tốt đẹp, trong sáng, cái hay cái tốt của người, của đời sẽ toả sáng tâm hồn ta, cảm hoá lòng ta nếu ở "gần đèn".
 
Mối quan hệ xã hội, môi trường sống... đã tác động vào tâm hồn, làm thay đổi tâm tính mỗi người. Gần người hiền, xa kẻ dữ, chọn bạn mà chơi, học cách làm người, cách làm ăn của những gương cần cù, tài giỏi... là bài học quí báu hàm chứa trong câu tục ngũ "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng".
 
Đáng ngại biết bao khi phải sống gần những kẻ bất lương, trộm cắp rượu chè cờ bạc? Hạnh phúc biết bao khi chúng ta được ở gần, có quan hệ với những người bạn tốt, láng giềng tốt. Ta sẽ học được bao điều hay lẽ phải ở đời. Phương ngôn có câu: "Bạn tốt quí hơn vàng" là thế! Truyện cổ tinh hoa nhắc lại chuyện bà mẹ Mạnh Tử dời nhà nhiều lần; lần sau cùng chuyển đến gần trường học, bà mới yên tâm vì thấy con mình cũng chăm chỉ học hành. Có bà mẹ vĩ đại như thế mới có Mạnh Tử ờ đời.
 
Trong nhân gian có nhiều câu tục ngữ nói về mối quan hệ xã hội. Mỗi câu một khía cạnh sắc bén nói lên cách sống và mối quan hệ với đời:
 
- Ở  bầu thì tròn, ở ống thì dài,
- Ở gần nhà giàu mỏi răng ăn cốm,
Sống gần kẻ trộm ốm lưng chịu đòn.
- Ở dữ, giữ mình.
- Thói thường gần mực thì đen,
Anh em bạn hữu phải nên chọn người.
 
Cũng cần phải quan niệm câu tục ngữ "Gần mực thi đen, gần đèn thì sáng" một cách toàn diện hơn; đầy đủ hơn. Sự tác động của con người đối với hoàn cảnh, với quan hệ xã hội rất lớn. Con người giàu bản lĩnh, tài năng có thể góp phần cải tạo hoàn cảnh, làm thay đổi mối quan hệ xã hội. Họ lấy tài năng đạo đức, tình thương của mình mà cảm hoá đồng loại, giáo dục kẻ bất lương. Nhưng ý nghĩa câu ca dao "Gần mực mà chẳng đen"! "Gần đèn thì sáng", chân lí ấy hiển nhiên rồi, nhưng nếu thiếu chí tiến thủ, không có ý thức vươn lên trong học tập, không khiêm tốn..., thì "gần đèn" nhưng khó mà "sáng" lên được! Học lớp chọn, trường chuyên ai mà chẳng thích nhưng nếu lười học, thiếu cố gắng... thì không thể nào "sáng" hơn chúng bạn. Môi trường, quan hệ xã hội - gia đình, nhà trường, xã hội - rất quan trọng, nhưng sự vận động tự thân của người học sinh còn quan trọng hơn. Bởi vậy, mỗi người phải luôn luôn có ý thức tốt trong học tập rèn luyện, biết nỗ lực phấn đấu vươn lên, tiến bộ không ngừng.
 
Tuổi trẻ có bạn bè. Chọn bạn mà chơi. Không đua đòi kẻ xấu. Câu tục ngữ "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng" giúp ta định hướng con đường đi tới tương lai tốt đẹp: Con đường học tập và lao động để phục vụ gia đình và đất nước.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây