Súng nổ rung trời giận giữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa.
Như chúng ta đã biết, vào những ngày cuối cùng của chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), giặc Pháp tập trung mọi cố gắng, tăng cường phòng thủ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chúng huy động lực lượng ở đây đến 16.200 tên, gồm những đơn vị bộ binh, pháp binh, công binh, xe tàng, không quân vào loại tinh nhuệ nhất ở Đông Dương. Lực lượng địch được bố trí thành một hệ thống phòng thủ mạnh, gồm 49 cứ điểm, chia thành ba phân khu. Ngoài những vũ khí thông thường, ở Điện Biên Phủ còn trang bị súng phun lửa, súng đại liên nhiều nòng, mìn, bom napan, máy hồng ngoại để quan sát và bắn đêm...
Với một hệ thống phòng thủ kiên cố, cả Pháp và Mĩ đều coi Điện Biên Phủ là một “pháo đài bất khả xâm phạm”, nếu chủ lực của Việt Minh tấn công thì sẽ không tránh khỏi thất bại. Thế nhưng, quân giặc vẫn không ngăn được bước tiến của quân ta. Người trước ngã, người sau tiến lên:
Súng nổ rung trời giận giữ
Người lên như nước vỡ bờ.
Hai câu thơ này có nhịp điệu chắc khỏe, tự tin, bừng bừng khí thế. Nghệ thuật thậm xưng, nhân hóa, so sánh tu từ đã gây được một ấn tượng mạnh mẽ. Dưới mưa bom bão đạn của quân cướp nước, quân dân ta đã quyết tâm đào chiến hào để tấn công đồn giặc ở đồi A1, một ngọn đồi mang tên thiếu nữ Pháp (Elianre), một điểm cao lợi hại án ngữ phía Đông tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Thế là sau "Năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt - máu trộn bùn non gan không núng - chí không mòn "(Tố Hữu), bộ đội ta đã đào thành công một con đường ngầm, đường kính rộng 90cm, chạy thẳng vào trung tâm đồi A1 và đặt vào đó một khối thuốc nổ ngàn cân. Đúng 18 giờ 30 ngày 6/5, một ánh chớp lóe lên, một tiếng nổ “ rung trời giận dữ “ở đồi Al. Pháo binh, hỏa tiễn của quân ta dội bão lữa lên đầu quân địch. Lợi dụng khi kẻ thù choáng váng, bộ binh ta xông lên làm chủ đồi Al, bắt sống tên trung tá chỉ huy, A1 mất, cổ họng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị chọc thẳng, quân địch mất hẳn tinh thần. Đúng 14 giờ chiều 7/5, tư lệnh chiến dịch Võ Nguyên Giáp hạ lệnh Tổng công kích, quân ta tràn lên "nước vỡ bờ" Quân địch giương cờ trắng đầu hàng đông như kiến. Một mũi xung kích do Tạ Quốc Luận dẫn đầu xông vào hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm, bắt sống tướng Đờ-cát và toàn bộ Bộ tham mưu:
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa.
“Máu lửa” là hình ảnh hoán dụ tu từ chỉ những đau thương, mất mát, đắng cay, tủi nhục, gian lao, vất vả của nhân dân Việt Nam khi còn sống kiếp nô lệ lầm than. Riêng câu thơ “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” cũng là một sự thật lịch sử được nhà thơ tái hiện lại khi nhìn thấy các chiến sĩ từ lòng hào nhảy lên xung phong vào đồn giặc. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi tâm sự: “Tôi trông thấy các anh mình mẩy đầy bùn, nhưng khi nhảy lên trên mặt đất, các anh hiện ra chói lòa trong ánh năng”. Đó là cái “thần” của phẩm chất, tính cách anh bộ đội Cụ Hồ: gan góc, kiên cường, trầm tĩnh. Phẩm chất ấy rất điển hình vì người chiến sĩ luôn có được động lực mạnh mẽ, tiềm tàng:
Bàn tay trắng ta giành lấy súng
Chân không giày đạp nát đồn Tây
Trong áo rách lòng ta có Đảng
Giữa nghìn dông bão chẳng lung lay.
(Quê hương Việt Bắc)
Có thể nói hai câu thơ này là một biểu tượng hùng tráng, cao đẹp, bình dị mà sâu sắc về cuộc chiến tranh đau thương mà anh dũng, gian khổ nhưng vĩ đại của dân tộc ta. Mặt khác, hai câu thơ cũng thể hiện niềm tự hào dân tộc da diết, sự đồng cảm với mạch sống lớn của dân tộc của nhà thơ.
Tóm lại, bốn câu thơ cuối cùng trên đây trong bài thơ Đất nước là một khổ thơ có sức dồn nén rất cao độ. Nhưng dồn nén mà vẩn cứ tỏa ra. Hình tượng thơ gân guốc, sống động, nhịp thơ tạo cảm giác bề thế, khí thế hăm hở, hơi thở chắc nịch, khỏe khoắn có sức truyền cảm nghệ thuật cao.