Hang Pác Bó đã trở thành nơi sống và hoạt động bí mật của Người. Bài thơ "Tức cảnh Pác Bó" được Bác Hồ viết vào tháng 2 năm 1941 theo thể thất ngôn tứ tuyệt Đường luật:
"Sáng ra bờ suối, tối vào hang,
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng;
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng,
Cuộc đời cách mạng thật là sang !"
Bài thơ phản ánh hoạt dộng phong phú, sôi nổi, phong thái ung dung tự tại và tinh thần lạc quan cách mạng của người chiến sĩ vĩ đại trong hoàn cảnh bí mật khó khăn gian khổ.
Câu thơ mở đầu gợi lên cuộc sống hoạt động bí mật của nhà thơ vào những ngày đầu mới về nước đang "nhóm lửa". Hai vế tiểu đối đầy ấn tượng:
Sáng ra bờ suối / tối vào hang
Câu thơ có thời gian, không gian và hành động. Thời gian là sáng và tối; không gian là "suối" và "hang";hoạt động là ra và vào Mọi hoạt động đã trở thành nền nếp, từ sáng đến tối, từ suối đến hang, từ ra đến vào, khi cách mạng còn trứng nước, hoạt dộng chính trị gây dựng phong trào là chính, còn bí mật và nhiều khó khăn. Người chiến sĩ vĩ đại của dân tộc đã sống và làm việc tại Pác Bó: "Sáng ra bờ suối tối vào hang". Quy luật vận động ấy thể hiện một tinh thần làm chủ hoàn cảnh rất chủ động và lạc quan.
Câu thơ thứ hai, ba chữ "vẫn sẵn sàng" có hai cách hiểu khác nhau rất lí thú. Sống và hoạt động bí mật nơi suối rừng hang động chỉ có cháo bẹ rau măng nhưng sẵn có, đủ dùng ở nơi suối hang này. Đằng sau vần thơ là nụ cười của một con người thực, gian khổ khó khăn vẫn lạc quan yêu dời. Sau này, ý tưởng "giàu có hào phóng" ấy, được Người nhắc lại trong bài "Cảnh rừng Việt Bắc" đầu xuân 1947:
"Khách đến thì mời ngô nếp nướng,
Săn về thường chén thịt rừng quay.
Non xanh nước biếc tha hồ dạo,
Rượu ngọt, chè tươi mặc sức say,"
"Vần sẵn sàng", "tha hồ dạo", "mặc sức say" là những cách nói "sang trọng", hóm hỉnh và yêu đời. Cách hiểu thứ hai: Mặc dù thiếu thốn khó khăn, phải ăn cháo bẹ rau măng, như tinh thần cách mạng vẫn hăng say, vẫn nhiệt tình. Gian khổ biết bao, nhưng với tinh thần "vẫn sẵn sàng", Người vẫn bền bỉ sáng niềm tin "nhóm lửa".
"Ai hay ngọn lửa trong hang núi
Mà sáng muôn lòng, vạn kiếp sau"
Khác với người xưa "công thành, thân thoái" mai danh ẩn tích ở chốn lâm tuyền, Hồ Chí Minh đã sống và chiến đấu vì một lí tưởng cao đẹp:
"Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng"
Đất nước cần, Bác viết "Đường kách mệnh". Phong trào và cán bộ cần, Người "dịch sử Đảng". Hình ảnh "bàn đá chông chênh" không chỉ nói lên những khó khăn thiếu thốn, chồng chất mà còn biểu lộ tinh thần phấn đấu hi sinh vì sự thắng lợi của cách mạng.
Câu cuối bài thơ đọc lên nghe rất thú vị. Một câu cảm thán vang xa:
"Cuộc đời cách mạng thật là sang"
"Sang" nghĩa là sang trọng, cao sang. Một cách nói, một lối sống, một quan niệm nhân sinh và ứng xử tuyệt đẹp. Vượt lên trên gian khổ, khắc nghiệt là sang. Chỉ có "cháo bẹ rau măng", chỉ có "bàn đá chông chênh" mà vẫn sang. Sang vì lạc quan tin tưởng con đường cách mạng đánh Nhật đuổi Tây nhất định thắng lợi. Sang vì lí tưởng, vì cuộc sống tâm hồn phong phú, vì ung dung tự tại. Nhà thơ Tố Hữu đã có vần thơ rất hay nói cái sang của Bác Hồ kính yêu:
"Mong manh áo vải hồn muôn trượng,
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn".
"Tức cảnh Pác Bó" là một bài thơ hồn nhiên, giản dị mà sâu sắc, đẹp. Thơ là tâm hồn, là cuộc đời, là cách ứng xử của Bác Hồ. Bài tứ tuyệt viết về Pác Bó đã vượt qua một hành trình 60 năm. Nó như một chứng tích lịch sử về nhũng ngày tháng gian khổ của Cách mạng Việt Nam và của lãnh tụ nơi suối lạnh hang sâu đầu nguồn. Nó gợi lên trong lòng mỗi chúng ta bài học về tinh thần lạc quan yêu đời, biết sống và hướng về một lí tưởng cao đẹp