Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Bình giảng bài thơ Tràng giang của Huy Cận.

Thứ tư - 29/06/2016 23:36
Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trám ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng

Lơ thơ cồn nhó gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Nắng xuống tròi lên sâu chót vót
Sông dài trời rộng bến cô liêu

Bèo dạt về đâu hàng nối hàng
Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gọi chút niềm thân mật
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng

Lớp lớp mày cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa
Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
Bài thơ Tràng giang được viết vào mùa thu năm 1939, lúc đó nhà thơ đang là sinh viên Trường Cao đẳng Canh nông. Tâm trạng của thi nhân lúc này đang mang cảm giác lạc loài của người trí thức mất nước nên tha hương ngay trên đất Mẹ. Theo ý của Aragông: nhà thơ đang sống giữa quê hương mà cảm giác như là người khách lạ. Tâm thế ấy sẽ chi phối cảm hứng chủ đạo của bài thơ, thành khuynh hướng thẩm mỹ của bài thơ: cái tôi buồn cô đơn trước vũ trụ.
 
Cái tôi ý thức trước thời gian mà chủ yếu là không gian và muốn chiếm lĩnh cả vũ trụ. Bài thơ viết về đề tài thiên nhiên nhưng chỉ mượn thiên nhiên để giãi bày tâm sự. Bài thơ mang phong cách cổ điển nhưng mà vẫn hiện đại vì cái tôi tràn đầy cảm xúc, khác với cái tôi siêu cả thế trong thơ trung đại.
 
Nội dung bài thơ thể hiện cái tôi buồn trước kiếp người cô đơn, lạc loài, thương cho non sông đẹp mà buồn lặng lẽ, hắt hiu. Đó là tình người, tình đất nước, giang san của nhà thơ. Bài thơ còn thể hiện cái tôi cô đơn, bơ vơ tiêu biểu cho cái tôi của Thơ mới nhưng lại mang nét riêng của Huy Cận:
 
Một chiếc linh hồn nhỏ
Mang mang thiên cổ sầu
 
Cái tôi bé nhỏ cô đơn đặt trước thế giới bao la với nỗi niềm: Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài nên luôn có sợi dây vô hình ràng buộc, gắn kết nhà thơ với cuộc đời. Cái tôi nhỏ bé luôn bám víu lấy sự sống với lòng khát khao yêu cuộc sống.
 
Bài thơ được cảnh sông Hồng gợi tứ nhưng cả bài thơ không có dấu ấn cụ thể của sông Hồng. Cách dùng từ tràng giang làm cho hình ảnh dòng sông vừa mang màu cổ kính vừa tạo ra khung cảnh bao la mà nhạt màu. Do đó vẻ đẹp của bài thơ là một màu xa vắng, nhạt nhòa, mênh mang. Đúng ra, dòng sông không phải là cảnh thực mà là tâm cảnh của linh hồn bơ vơ. Hoặc chỉ là hình ảnh của ngoại giới để tâm tư bám víu vào mà giãi bày gửi gắm. Tác giả nói: Đây là bài thơ tình gặp cảnh, bài thơ của tâm hồn.
 
Mở đầu bài thơ là cảnh dòng sông bát ngát, có con sóng nước hay chính là con sóng lòng vỗ vào nỗi hắt hiu. Con sóng lòng từ sâu thẳm trong tâm hồn và từ muôn kiếp trào lên với nỗi buồn điệp điệp. Ngay từ dòng thơ đầu, cái tôi cá thể đã chiếu ứng, hòa nhịp cảm thông cùng vũ trụ, nên qua hình ảnh dòng sông bát ngát ta cảm nhận được nỗi buồn mênh mông. Cảnh càng xuất hiện thì càng diễn tả rõ hơn nỗi buồn của nhà thơ. Con thuyền xuôi theo dòng là hình ảnh thực nhưng cũng là hình ảnh biểu tượng, một mô típ nghệ thuật ẩn dụ cho mảnh đời trôi nổi: Đời em ôm chiếc thuyền nan xuôi dòng (Tố Hữu). Con thuyền xuôi mái không có gì bám víu với dòng trở thành một định mệnh nghiệt ngã như một kiếp người trôi xuôi không thể đổi thay. Con thuyền xuất hiện tưởng một lần là trôi đi vĩnh viễn.
 
Nhưng Thơ mới chủ yếu viết về cái tôi, vì vậy tác giả để con thuyền xuất hiện thêm lần nữa để khắc sâu thêm thân phận chia lìa: thuyền về nước lại. Do đó nỗi buồn gói kín trong tâm tư thành nỗi sầu vạn cổ: sầu trăm ngả. Buồn điệp điệp rồi mở ra sầu trăm ngả, nỗi buồn tăng cấp mở ra chiều rộng mênh mông. Nếu Xuân Diệu luôn ám ảnh thời gian, thì Huy Cận không ở trong thời gian mà luôn khắc khoải trong không gian, một không gian đong đầy nỗi nhớ thương và nỗi buồn rợn ngợp. Chỉ cần một hình ảnh con thuyền rời xa bến nước cũng hiểu được kiếp người trong cảnh đời cũ. Đó là nguyên nhân nỗi buồn của khổ thơ này. Cành củi khô xuất hiện có ý nghĩa bổ sung cho con thuyền, nói rõ hơn kiếp người lạc loài bơ vơ, chìm nổi giữa dòng đời vô định. Cành củi khô giữa dòng gợi liên tưởng đến rừng thẳm, qua bao sông suối bị dòng lũ vùi dập mới trôi dạt về đây, nên hình ảnh gợi xót thương một thân phận bị bứt lìa ra khỏi cội nguồn, bị nhấn chìm xô dạt giữa dòng đời chông chênh.
 
Ở khổ một, dòng sông buồn trong tâm hồn của nhà thơ tuôn chảy hòa vào dòng sông địa lý. Chính là lúc tâm tư thi nhân nhập vào cảnh một cách trọn vẹn để từ đó bất kỳ một hình ảnh nào, âm thanh nào xuất hiện trong bài thơ cũng gắn bó máu thịt với tâm hồn nhà thơ, đều trở thành bức tranh tâm hồn. Khổ thơ đầu tưởng mở nút thông thường nhưng nhà thơ đã đóng nút sầu qua hình ảnh con thuyền không bến, để từ đó bài thơ được kiến tạo theo một câu trúc tầng tầng, lớp lớp của nỗi buồn cô liêu trước cảnh mênh mông xa vắng.
 
Bài thơ có hai nhân tố sóng đôi và thấm đẫm vào nhau: cái tôi và không gian. Không gian được mở rộng và nâng lên cao hơn để mang theo đôi cánh cảm xúc của nhà thơ. Hồn thơ đang tìm về với cảnh mới nhưng cũng là một màu xám hắt hiu:
 
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu.
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
 
Những từ láy lơ thơ, đìu hiu, hợp với những từ điệp điệp, song song, lặng lẽ, dợn dợn tạo ra không khí chung của cảnh thơ và bài thơ: buồn lặng lẽ, hắt hiu, xa vắng. Tác giả cho biết giữa sông Hồng có những cồn cát, cây dại và chim chóc tụ đầy. Đến mùa lũ nước tràn về cuốn chìm tất cả, chỉ còn ngoi lên mặt nước vài ngọn cỏ lơ thơ. Cảnh ấy gợi liên tưởng đến những số phận đã được an bài, được an bài, đứng chôn chân cho dòng đời nhấn chìm, phủ lấp. Thủ pháp đảo ngữ cho thấy nhà thơ không cốt tả cảnh mà chủ yếu diễn tả tâm sự của mình. Tâm sự của một loài chim buồn bơ vơ trong ngọn gió. Nó bị tách ra khỏi cuộc sống không được tham dự vào, trong khi lòng vẫn hướng về cuộc sống nhưng nào có thấy đâu:
 
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.
 
Tiếng chợ chiều xuất hiện là có nhắc tới cuộc sống nhưng chỉ là âm thanh xao xác rồi mất hút dần trong cảnh miên man vắng lặng của dòng sông. Chợ chiều xuất hiện sau hình ảnh của cồn cỏ, chẳng liên quan gì nhau nhưng lại bổ sung cho cảnh rời rạc. Hình ảnh chợ chiều bên dòng sông gợi khung cảnh thân quen, là không gian sinh tồn của cộng đồng người Việt. Cuộc sống bao đời soi bóng xuống dòng sông. Con người sinh sống, sinh hoạt bên sông và trên sông. Dòng sông luôn- gắn bó với một nền văn hóa nên gọi là dòng sông văn hóa. Nhưng bây giờ là cái tôi của Huy Cận đã nhập vào con người nước trôi xa nên càng thấy lạc lõng bơ vơ. Đó là cảm giác thân phận người dân bị mất nước, bị tách ra khỏi nền văn hóa và cội nguồn. Cuộc sống của dân tộc như xa dần, chỉ còn là âm thanh xao xác trong tiềm thức, chỉ còn là một cõi xa xăm, mơ hồ trong lịch sử. Cảm thương cho thân phận lạc loài nên nhà thơ thấy mình chẳng khác chi tia nắng giữa vũ trụ bao la
 
 Nắng xuống trời lên sâu chót vót
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.
 
Câu thơ dựng nên cảnh không gian ba chiều mênh mông, sâu thẳm. Bầu trời như có hình khối, ánh sáng sống động gợi vẻ hùng vĩ nhưng hãy lắng nghe những linh hồn đang rơi rụng trong từng tia nắng. Thực thể khách quan thì tia nắng vẫn nằm trên mặt đất nhưng cái tôi buồn thì đang rơi vào trong cái khoảng không vũ trụ thăm thẳm, vô biên, trong khi mặt đất chẳng còn nơi bám víu nên cái tôi càng bé nhỏ rợn ngợp trước cảnh trời rộng sông dài. Thủ pháp tương phản càng làm nổi bật điều đó.
 
Ở khổ thơ đầu là hình ảnh con thuyền bến đỗ nên sầu trăm ngả và buồn miên man. Đến bây giờ có bến nhưng là bến cô liêu. Đó là bến bờ của thân phận, chốn này chẳng phải là nơi neo đậu của tâm hồn đơn côi? ở khô hai, có những hình ảnh thơ mới xuất hiện nhưng cũng đều lẻ loi lạc lõng, có âm thanh nhưng xa vắng, có ánh nắng nhưng rơi rụng nhạt nhòa, khiến cho tình sầu càng thêm ảo não hơn.
 
Bài thơ tiếp tục miêu tả dòng sông nhưng không còn là sự ly tán hỗn loạn của cành củi bị dập vùi cảnh mênh mang da diết đến từng hình ảnh:
 
Bèo dạt về đâu hàng nối hàng.
Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút niềm thân mật
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.
Nhà thơ đang trong tâm trạng của kẻ mất nước nên cảm thấy cả thế hệ mình đang vật vờ trôi nổi, bị cuộc đời cuốn đi mà không biết trôi về đâu. Hình ảnh bèo dạt rất quen thuộc trong thơ cổ điển nhưng hồn thơ Huy Cận vẫn truyền cho nó nhiều ý nghĩa mới. Đây là loài cây phù du và khốn khổ. Nó cũng được sống trong nước, có một chỗ để chen chân nhưng lại hoàn toàn bị lệ thuộc vào sự đưa đẩy của dòng. Vì vậy nó nói rất rõ thân phận của người dân mất nước. Hình ảnh hàng nối hàng vừa diễn tả sự trôi xuôi không thể níu kéo, vừa ám ảnh sự đổ vỡ, chia lìa không thể cứu vãn. Khi hồn thơ đã neo ở bến cô liêu thì kể từ đó bài thơ đã thả ra một nhạc điệu ly tan, chia lìa: về đâu, không cầu, không chuyến đò, lặng lẽ... ở khổ thơ này hồn thơ vừa nhập vào cảnh, vừa tách để quan sát nhưng thế giới không còn trôi như trước mắt. Vì vậy nhà thơ muốn gom góp níu kéo, dồn không gian lại quanh mình và hồn thơ muốn tìm về với bến bờ bình yên, nhưng tất cả còn ở phía trước, còn xa lắm:
 
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng...
 
Vì vậy hồn thơ càng khao khát gắn bó:
 
Thuyền không giao nối đây qua đó
 Vạn thuở chờ mong một cánh buồm.
 
Niềm khao khát gắn bó với cuộc đời, với quê hương xứ sở là một trong những tư tưởng chính của bài thơ.
 
Bài thơ tiếp nối với cảnh hoàng hôn bao la:
 
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa.
 
Những áng mây chất chồng và đùn lại như những núi tuyết trên trời cao, ánh chiều trước khi vụt tắt làm rạng lên vẻ đẹp. Cảnh hoàng hôn ở chân trời xa có vẻ đẹp kỳ vĩ, ngời sáng; vừa quen thuộc vừa cổ kính như trong thơ Đường.
 
Ở khổ thơ đầu nỗi buồn của thi nhân đã tràn ra theo con sóng điệp điệp thì bây giờ nó đã dâng lên lớp lớp, trùng trùng. Đó là tâm sự: Sầu đong càng lắc càng đầy - nỗi buồn vũ trụ của Huy cận. Giữa không gian bao la ấy có cánh chim nhỏ xuất hiện chấp chới trên trời cao. Hình ảnh cánh chim làm cho cảnh thơ thêm sinh động và thơ mộng nhưng nhỏ bé, mông lung, đơn côi quá. Cái mầm sống nhỏ nhoi ấy không đủ sức xua tan những áng mây sầu bao phủ. Cánh chim bay lên muốn xé toạc không gian nhưng liền bị chao cánh, vì không cất nổi mối sầu như núi của thi nhân. Linh hồn của nhà thơ đang đọng lại trên cánh bướm nên trở thành biểu tượng của sự khát khao vươn tới niềm mơ ước, biểu tượng cho lòng háo hức sống khôn nguôi. Nhưng cánh chim mang niềm tâm sự u buồn đã rụng xuống cùng những tia nắng lạc trong cảnh trống vắng của chiều hôm. Do đó nó càng tội nghiệp bao nhiêu. Đây là hình ảnh cô đọng và có ý nghĩa tượng trưng rất cao.
 
Cái tôi buồn thiếu quê hương ấy được giãi bày trong hai câu thơ cuối:
 
Lòng quê dợn dợn vời con nước
 Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
 
Từ láy dợn dợn lột tả được cảm giác lành lạnh, như cái rùng mình để cảm xúc tuôn ra dịu vợi, để tình quê nhập vào con nước mà mang di muôn nẻo. Con nước đã mang tình sầu tách khỏi bến bờ quê cũ. Nên nhà thơ thấy nhớ quê hương khi đang đứng ngay giữa quê hương mình. Nhà thơ không đợi khói lam chiều khơi gợi mới thương nhớ quê hương như người xưa. Thời hiện đại không cần ngoại giới gợi ý mà tấm lòng vẫn khắc khoải thiết tha. Quê hương đâu chỉ ngôi làng dấu yêu như của Thôi Hiệu (Nhật mộ hương quan hà xứ thị / Yên ba giang thượng sử nhân sầu) mà còn là nguồn cội văn hóa, tinh thần nên nỗi nhớ quê hương càng dày vò, da diết hơn. Mượn tứ thơ Đường, Huy Cận đã tạo ra vẻ đẹp sang trọng cổ kính cho bài thơ nhưng ngôn ngữ vẫn tinh tế, giàu cảm xúc của thơ hiện đại.

Bài thơ Tràng giang có những hình ảnh rất quen thuộc: một dòng sông trôi xuôi với con đò không bến, là tia nắng chiều đã vãn dưới bầu trời xanh lơ... tất cả đều gợi niềm luyến thương nơi người đọc, gợi lòng yêu quê hương đẹp mà buồn da diết. Và tình buồn của Huy Cận không có thời khắc, tràn ngập trong không gian. Buồn vì kiếp người trôi nổi, vì một thế giới đẹp mà lạc lõng, rời rạc nên càng khao khát gắn bó yêu quê hương.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây