Hãy bình tĩnh nhìn qua các kiểu nhà biệt thự mới mọc ở thành phố thời mở cửa và dạo qua các cửa hiệu, các chợ đầy ắp hàng hóa nước ngoài, từ quần áo đến đồ chơi trẻ em, từ đồ dùng văn phòng cho đến xe đạp, quạt máy. Nhiều hàng nội của ta không cạnh tranh được vì thua kém cả phẩm chất, hình dáng, lẫn mẫu mã.
Thật ra đã từ lâu chúng ta quen sao chép, ít chịu khó nghĩ ra các ý tưởng mới. Nhìn lại cái giường, cái bàn cho đến cây bút, cái cặp,... có thể nói năm mươi năm không hề thay đổi! Có lẽ do truyền thống học tập từ chương, khoa cử, ông bà ta bị gò bó quá nhiều, cho nên ta ít có những nhà tư tưởng lớn, ít có những công trình đồ sộ với sức tưởng tượng phóng khoáng, diệu kì. Ngay cả những tác phẩm văn học hay nhất căng chủ yếu làm ta say đắm bởi văn chương mượt mà, gợi những tình cảm sâu sắc tha thiết, nhưng ít có hoặc không có những pho truyện lớn với tình tiết phức tạp, ý tưởng kì lạ tầm cỡ như Tam quốc, Thủy hử, Hồng lâu mộng hay tiểu thuyết như của V.Huy-gô, L.Tôn-xtôi, Ph.Đốt-xtôi-ép-xki.
Hơn bất cứ lúc nào, câu nói của Anh-xtanh cần được khẳng định: “Tri thức mà thiếu sức tưởng tượng dễ biến thành tri thức chết, tri thức không có tiềm năng phát triển”. Biết và hiểu là cần để làm theo, noi theo, chứ hoàn toàn chưa đủ để sáng tạo, khám phá. Phải có trí tưởng tượng mới chắp cánh cho tri thức làm ra cái mới và tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh.
Ước mong một ngày trí tuệ Việt Nam chứng tỏ cho thế giới thấy sức tưởng tượng sáng tạo của mình trong xây dựng cũng không kém gì trong chiến đấu”.