Cây xà nu là một loại cây quen thuộc, gắn bó với đời sống của dân làng, tượng trưng cho sức sống, truyền thống của đồng bào Tây Nguyên.
“Làng ở trong tầm đại bác của đồn giặc [...]. Hầu hết đạn đại bác đều rơi vào ngọn đồi xà nu cạnh con nước lớn. Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương. Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão. Ở chỗ vết thương, nhựa ứa ra, tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt, rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quyện lại thành từng cục máu lớn.
Trong rừng ít có loại cây nào sinh sôi nảy nở khỏe như vậy. Cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời. Cũng có ít loại cây ham ánh sáng mặt trời đến thế. Nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng, thứ ánh nắng trong rừng rọi từ trên cao xuống từng luồng lớn thẳng tắp, lóng lánh vô số hạt bụi vàng từ nhựa cây bay ra, thơm mỡ màng. Có những cây con vừa lớn ngang tầm ngực người lại bị đại bác chặt đứt làm đôi. Ở những cây đó, nhựa còn trong, chất dầu còn loãng, vết thương không lành được, cứ loét mãi ra, năm mười hôm thì cây chết. Nhưng cũng có những cây vượt lên được đầu người, cánh lá sum suê như những con chim đã đủ lông mao, lông vũ. Đạn đại bác không giết nổi chúng, những vết thương của chúng chóng lành như trên một thân thê cường tráng. Chúng vượt lên rất nhanh, thay thế những cây ngã... Cứ thế hai ba năm nay rừng xà nu ườn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng...”.
Ở đây, nhà văn đã khéo léo dùng nghệ thuật liên tưởng để miêu tả sự sinh sôi nảy nở nhanh chóng của cây xà nu: “cây” - “nhựa” - “ngọn” - “đồi” - “khá” - “dầu”. Đó cũng là cách nhìn nhận sự tăng trưởng từ nhiều góc độ khác nhau. Thêm vào đó, thủ pháp nhân hóa cây xà nu cổ thụ và những cây non đã lột tả được sức sống mãnh liệt của loại cây này mặc dù thiên nhiên cũng không kém phần khắc nghiệt và bom đạn của kẻ thù luôn trút xuống một cách không thương tiếc. Mặt khác, thủ pháp lặp đầu cuối hình ảnh rừng xà nu “nối tiếp chạy đến chân trời” tạo được vẻ đẹp mênh mông, hùng vĩ của loài cây tưởng chừng rất bình thường của núi rừng, cũng như sức mạnh bất tử của dân làng. Hơn nữa, nghệ thuật lặp đồng nghĩa: “đồi xà nu” - “rừng xà nu” - “hàng vạn cây” đã làm tăng ấn tượng thẩm mỹ về cây xà nu và góp phần tạo dựng chất sử thi hùng tráng của thiên truyện. Thủ pháp so sánh độc đáo, kì vĩ đã ca ngợi tầm vóc của cây xà nu. Cây xà nu như một dùng sĩ trong máu lửa.
Thưởng thức cả đoạn văn, chúng ta thấy phong cảnh ở đây như được nhà văn chạm khắc, tạo thành hình, thành khối, có màu sắc, có mùi vị. Phải chăng ít nhiều Nguyễn Trung Thành đã thông qua lăng kính hội họa học, điêu khắc học, mỹ học để miêu tả cây xà nu?
Cây xà nu là một hình tượng quán xuyến trong cả thiên truyện, được nhà văn nhắc đi nhắc lại khoảng 20 lần.
Cây xà nu hiện hữu trong đời sống thường nhật của dân làng Xô Man. Đó là ngọn lửa xà nu trong bếp mỗi gia đình, trong bếp lửa nhà ưng tập hợp dân làng. Khi dạy chữ cho Mai và Tnú, anh Quyết đốt khói xà nu xông bảng nứa đen kịt rồi lấy nhựa cây luông tờ ngheo phết lên một lớp dày, rửa nước cũng không phai được.
Cây xà nu như một nhân chứng lịch sử chứng kiến mọi thăng trầm của dân làng Xô Man. Ngọn đuốc xà nu trong tay cụ Mết và dân làng vào rừng lấy giáo, mác giấu kĩ để chuẩn bị cho cuộc nổi dậy. Đêm đêm dân làng Xô Man mài vũ khí dưới ánh đuốc xà nu. Đêm đồng khởi nghĩa của làng cũng tưng bừng trong ánh đuốc xà nu.
Đặc biệt, ba nét vẽ về ngọn lửa xà nu gợi ra một không khí huyền thoại thiêng liêng. Lần 1: dưới ngọn lửa xà nu, Tnú đã đọc thư “tuyệt mệnh” của anh Quyết gửi dân làng Xô Man trước lúc hi sinh. Lần 2: dưới ngọn lửa xà nu, Tnú bị quân giặc đốt cháy cả mười ngón tay. Đó là ngọn lửa căm thù, uất hận và thôi thúc rửa thù. Lần 3: dưới ngọn đuốc xà nu sáng rực lấp loáng ánh giáo mác cùng mệnh lệnh của cụ Mết: “Chém! Chém hết!” đã soi tỏ xác mười tên lính giặc ngổn ngang.
Vậy nên, chọn hình tượng “cây xà nu” nhà văn Nguyễn Trung Thành muốn xây dựng một biểu tượng nghệ thuật về con người - dân làng Tây Nguyên. Hình tượng cây xà nu được lặp đi lạp lại như một mô típ chủ đạo để thể hiện tư tưởng chủ đề của tác phẩm: tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của các buôn làng Tây Nguyên nói riêng và của miền Nam anh hùng nói chung.
Để bộc lộ chủ đề này, nhà văn đã dùng thủ pháp nghệ thuật “chiếu ứng”. Hình tượng cây xà nu đẹp tương ứng với những phẩm chất cao đẹp của dân làng Xô Man. “Cây xà nu lớn” với sức sống ngàn đời tượng trưng cho cụ Mết. “Ông là cội nguồn, là Tây Nguyên thời Đất nước đứng lên còn trường tồn đến hôm nay. Ông như lịch sử bao trùm, nhưng không che lấp sự đi tới nôi tiếp và mãnh liệt, ngày càng mãnh liệt hơn, ý thức và tự giác hơn của các thế hệ sau”. Cụ chính là cái gạch nối giữa Đảng - đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Cụ là thế hệ tạo nền tảng của sức mạnh, lòng kiêu hãnh và khát vọng độc lập, tự do. Còn “bốn năm cây non mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mùi tên lao thẳng lên bầu trời”, “cành lá sum suê” tượng trưng cho thế hệ trẻ như Tnú, Mai, Dít, bé Heng - đặc biệt là Tnú. Riêng hình ảnh cả dân làng Xô Man ào ào đứng lên quật khởi là sự kết tinh sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, là hình ảnh chiếu ứng với “lửa cháy khắp rừng”.
Tóm lại, cây xà nu là biểu tượng cho dân làng Xô Man, cho sức sống, phẩm cách và vẻ đẹp của con người Tây Nguyên. Sâu xa hơn, cây xà nu là biểu tượng cho sức mạnh và truyền thông quật khởi của các thế hệ của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên cùng như các thế hệ nhân dân Việt Nam.