Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Anh (chị) hãy đánh giá nghệ thuật độc thoại nội tâm được Hê-minh-uê sử dụng trong đoạn trích tác phẩm già biển cả.

Thứ hai - 30/05/2016 05:53
Ơ-nitx Hê-minh-uê (1899-1961) là nhà văn Mĩ đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc trong văn xuôi hiện đại và góp phần đổi mới lối viết truyện tiểu thuyết của nhiều thế hệ nhà văn thế giới nói chung, ông đã được biết đến trên văn đàn thế giới và nổi tiếng với nhiều tác phẩm ỏ nhiều thể loại. Tiểu thuyết có: Mặt trời vẫn mọc (1926); Giã từ vũ khí (1929), Chuông nguyện hồn ai (1940); truyện ngắn có: Trong thời đại chúng ta (1925); ông già và biển cả (1952)...
Có thể nói Ông già và biển cả là một tác phẩm xuất sắc và tiêu biểu nhất trong sự nghiệp sáng tác, đã đưa ỏng đến với danh hiệu cao quí: một nhà văn giải Nô-ben (1954). Theo nguyên lí "tảng băng trôi", nghệ thuật độc thoại nội tâm trong tác phẩm được vận dụng đến độ thuần thục.
 
"Độc thoại nội tâm" trước hết là một nghệ thuật ngôn từ trực tiếp không diễn tả thành lời của nhân vật. Một dạng khác của nó là "đối thoại bên trong", ở đó giọng nói của nhân vật bị xé toạc làm đôi thành hai giọng "đối nghịch".
 
"Độc thoại nội tâm" có những chức năng khác nhau, nó có thể là phương thức tự sự, mang tính chất quy ước khi người kể chuyện muốn thu hẹp hoặc xoá nhoà khoảng cách thời gian giữa người kể chuyện và câu chuyện được kể. Là một cách quy ước nên thủ pháp nghệ thuật này có thể vận dụng được với bất kì kiểu nhân vật nào. "Độc thoại nội tâm" thường vận dụng với kiểu nhân vật có cuộc sống nội tâm thâm trầm, hoặc trong tình trạng tâm lí căng thẳng, phải đấu tranh tư tưởng, phải lựa chọn cho mình một hướng đi giữa ngã ba đường, hay là sự đấu tranh giữa lí trí và ham muốn, thiện và ác, hai mặt đối lập trong mỗi con người. Đó là một điều thông thường. Nhưng độc thoại nội tâm trong ông già và biển cả có khác, nó đảm bảo chức năng thể hiện chiều sâu tâm lí của nhân vật một cách trực tiếp. Những lời dẫn truyện mà ta bắt gặp luôn luôn trong tác phẩm (như; "lão nói", "lão nghĩ', "lão tự nhủ"...) chứng tỏ người kể chuyện không hề có ý muốn xoá nhoà khoảng cách giữa yếu tô kể chuyện và chuyện được kể.
 
Lần này Hê-minh-uê chọn cho mình một hướng đi riêng trong cách xây dựng nhân vật. Đặt nhân vật vào trong một hoàn cảnh cụ thể, cuộc sống cụ thể, mà ở đó tất nhiên buộc lão già đánh cá Xan-ti-a-gô phải thu về cuộc sống bên trong. Nhà văn đã đưa nhân vật vào bối cảnh, cuộc đánh bắt cá ngoài biển khơi xa, dài ngày. Đó là một tình huống không kém phần gay go quyết liệt, là cuộc vật lộn giữa con người với thiên nhiên, giữa sự sống và cái chết, tấn công và lùi bước. Tác giả đưa nhân vật ra một không gian rộng lớn mênh mông vắng lặng, một mình giữa biển trời mênh mông, bát ngát. Chính mảnh đất này đã là một điều kiện tốt để làm nảy nở, phát triển hình thức độc thoại nội tâm của nhân vật. Hình thức thể hiện độc thoại nội tâm là sự đan xen giữa những lời dẫn chuyên của tác giả: "lão nghĩ”, "lão nghĩ thầm"...
 
Ngày thứ ba liên tiếp sau ba ngày một mình rong ruổi giữa chốn biển khơi, lúc này, cái đói đã ngấm vào trong từng thớ thịt, rồi xông lên mắt, lên đầu khiến ông lão cảm giác như mắt hoa lên, chân tay yếu đi, đầu choáng váng muốn ngất. Độc thoạii nội tâm giờ không còn đơn thuần chỉ là "tự nhủ" hay "thầm nghĩ’ nữa mà là "thốt lên thành tiếng". Những ý nghĩ thầm không còn đủ sức dồn nén vào trong, không đủ sức làm ông già tăng thêm sức mạnh và vơi bớt nỗi quạnh hiu trống trải, nó không còn là người bạn dẫn đường cho ông nữa.... Hê-minh-uê đã nghĩ ra một cách cho lão, để lão nhiều lúc "thốt lên thành tiếng". "Độc thoại nội tâm" trở thành "độc thoại", hay nói đúng hơn nó mang dáng dấp độc thoại. Lão nói "nhưng con cá đã quay tròn”, "mình phải dốc hết sức mà níu", "ta không thể tự chơi xỏ mình và chết trước một con cá như thế này được”, "chốc nữa nó sẽ ngoi lên và ta có thể cầm cự. Mày phải cầm cự, chớ có nói lằng nhằng"... Những lời nói đó là nhũng màn độc thoại độc đáo.
 
Đôi khi lão già đánh cá Xan-ti-a-gô nói bằng cái giọng mà bản thân hầu như không nghe nổi. Các cuộc độc thoại nội tâm thốt lên thành tiếng của ông lão đánh cá thực sự là những cuộc độc thoại một chiều. Lão hướng đến đủ mọi đối tượng; nói với loài chim biển, nói với cá mập,,... nhưng có lẽ nhiều nhất, đặc sắc và chân thành, tha thiết nhất là khi ông hướng đến đối tượng cá kiếm mà theo ông đó là "người anh em"- là "kì phùng địch thủ" của mình: "Mày đang giết tao, cá à. Nhưng mày có quyền làm như thế. Tao chưa bao giờ thấy bất kì ai hùng dũng, duyên dáng, bình tĩnh, cao thượng hơn mày, người anh em ạ."
 
Lão đối thoại một chiều với chinh bản thân mình, một hình thức hết sức đặc biệt của độc thoại nội tâm: "Chốc nữa nó sẽ ngoi lên và ta có thể cầm cự, mày phải cầm cự”. "Hãy bình tĩnh và giữ sức, lão già ạ"... Có khi ông lại còn nói với chính những bộ phận trên cơ thể mình như thể nó đã bị tách rời, đã phản li khỏi sự kiểm soát của ông. Đã là một ý thức khác, là một con người khác chỉ còn gắn kết với ông về mặt hình thức: "Kéo đi tay ơi!", " Hãy đứng vững đôi chân kia", “Tỉnh táo vì tao, đầu à, hãy bình tĩnh vì tao, bọn mày chưa bao giờ bại trận"...
 
Cũng đến ngày thứ ba này, tất cả cơ thể lão đã quá mệt thậm chí không thể thốt ra được thành lời nói to mà chỉ lẩm bẩm, hoặc bằng giọng nói mà "bản thân không nghe nổi". Đến đây, sự phối hợp giữa "độc thoại nội tâm" và "độc thoại" đã phát triển lên đến đỉnh điểm, nó đan cài vào nhau như hai dòng cảm xúc trào dâng, nó đồng thời còn là chỗ dựa, bổ sung cho nhau, tạo nên một tâm lí đa dạng, một ý chí mạnh mẽ, ngoan cường.
 
Như vậy, tâm lí phát triển, các hình thức độc thoại diễn ra ngày càng phong phú đã có tác dụng làm cho tình huống truyện ngày càng hấp dẫn, gay cấn. Lão Xan-ti-a-gô càng nghĩ nhiều, càng nói ra lắm thì cuộc chinh phục cá kiếm sớm càng nhanh về đích,... Lão đã thắng, con cá kiếm đã "không còn nhúc nhích, nằm ườn mình trên biển". Lúc này tác giả vẫn tiếp tục để nhân vật thể hiện cảm xúc của mình, đúng với một con người tư bản, ông lão đánh cá sau khi đã chiến thắng cuộc đấu chiến nhiều ngày mệt mỏi, ỏng lão vẫn không quên nhẩm tính và nghĩ ngợi về chiến lợi phẩm của mình đã đạt được. "Kiểu này thì con cá chắc phải nặng hơn nửa tấn, lão nghĩ. Có lẽ hơn cả thế. Nếu tính chỉ hơn phần ba số lương thịt từ trong lượng ấy với giá ba mươi cent một pound thì sẽ được bao nhiêu?". "Ta cần một cái bút chì để tính”.
 
Điều tạo nên sự thành công của ông già biển cả là ngoài sử dụng biện pháp nghệ thuật độc thoại nội tâm, tác giả còn phối hợp nhiều bút pháp nghệ thuật khác. Tác giả đã cắt nghĩa được vấn đề vô cùng lớn lao của nhân loại: hình ảnh chân dung con người mới, mối quan hệ hài hòa giữa con người với thiên nhiên, vũ trụ.
 
Có thể nói, đoạn trích tác phẩm Ông già và biển cả là một trong những đoạn hay nhất tập trung nhiều ý nghĩa sâu sắc và cũng đã sử dụng nghệ thuật độc thoại nội tâm đa dạng nhất. Đoạn trích đã đưa đến cho người đọc một cách nhìn mới về cuộc sống. Chính vì vậy, nó luôn luôn được đánh giá cao trên văn đàn nghệ thuật thế giới và được đông đảo bạn đọc khắp mọi nơi đón nhận, yêu thích.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây