Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Âm vang một thời lãng mạng trong bài thơ: Tây Tiến của Quang Dũng

Thứ ba - 12/02/2019 09:10
Mỗi hồn thơ khác nhau ưa tìm đến một đề tài, một đối tượng riêng có thể giúp nó bộc lộ hết tạng chất của mình. Là một hồn thơ lãng mạn, trẻ trung, khoáng đạt, hẳn Quang Dũng đã có được cảm giác thực sự hào hứng khi viết Tây Tiến - một bài thơ nói về vùng đất phía tây tổ quốc hùng vĩ và tuyệt vời thơ mộng, cùng một đoàn binh có lắm nét khác thường từ thành phần tham gia đến nhiệm vụ được giao và những nếm trải suốt dọc hành trình. Thêm nữa, Quang Dũng viết Tây Tiến chính là viết về một đoạn đời mình. Những chiến sĩ được nhắc tới trong bài hoàn toàn tương đồng với ông về lí tưởng, về ý chí, nghị lực và cả về đời sống tình cảm, đặc biệt là bản tính mộng mơ, ưa quan sát và chiêm ngưỡng những vẻ đẹp đa dạng của xứ lạ. Tác giả của bài thơ dĩ nhiên là Quang Dũng, nhưng vì những điều vừa nói ở trên, có thể xem tác giả của nó còn là đất nước, lịch sử - một giai đoạn lịch sử gian khó hào hùng không thể nào quên. Ngay tinh thần lãng mạn và bi tráng của nó cũng là đặc điểm bao trùm những năm tháng cách mạng ấy.
Bài thơ mở đầu với một tiếng gọi dồn chứa tâm trạng thoạt đọc lên có vẻ lạ lùng:
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi

Hai câu thơ xác định rõ hai khoảng không gian khác nhau: không gian thực tại và không gian hồi tưởng. Tuy nhiên, chỉ có độc giả mới nhận ra rành rõ điều đó, còn đối với nhà thơ, khi ông nói xa rồi là khi những hình ảnh của một quá khứ chưa xa đang ập tới, nhấc bổng ông khỏi mảnh đất thực tại để lơ lửng, chơi vơi trong cõi nhớ. Thì chẳng phải ngay từ câu đầu, ông đã vô tình quên rằng Tây Tiến cũng xa rồi chứ đâu chỉ sông Mã!

Vậy là, chẳng cần đến sự dắt dẫn dềnh dàng nhằm chuyển vùng không gian cho người đọc, một thời Tây Tiến đã hiện lên tức khắc trước mắt ta. Trong kí ức nhà thơ, các ấn tượng hãy còn nóng hổi, tươi nguyên và cái nặng nhọc, vất vả ngày nào dường như còn chưa tan hẳn. Tên các địa danh như Sài Khao, Mường Lát được nhắc tới ngay từ câu 3 và 4 đã nói lên một điều: tất cả hãy còn đây, rành rành trong tâm trí:
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Sự hiện tại hoá quá khứ dưới tác động của một kí ức sâu, mạnh đã vẽ nên một bức tranh roi rói ấn tượng về cái thiên nhiên rất khắc nghiệt nhưng cũng tràn đầy vẻ thơ mộng. Thiên nhiên ấy thường vẫn trêu gan, thử thách các chiến sĩ, đôi khi muốn vùi lấp những sinh mạng bé nhỏ trong các thung lũng sương mù, nhưng không phải không có lúc hé lộ những nét đẹp bất ngờ khiến tâm hồn lãng mạn của các chàng trai có gốc gác Hà Nội được một phen bay bổng. Nếu sương lấp lạnh lùng, nặng nề, đe doạ bao nhiêu thì hoa về lại nhẹ nhõm, tươi tắn, ấm áp bấy nhiêu. Hoa về trong đêm hơi - câu thơ nhiều thanh bằng diễn tả một trạng thái lâng lâng, dĩ nhiên là cái lâng lâng vừa đến sau một chặng đường mệt mỏi.

Tây Tiến - ấy là núi. Những câu tả núi trong bài thơ vô cùng đặc sắc. Nó được nhìn bằng con mắt của kẻ vượt núi nên cái dốc phải được nói tới trước tiên và chiều cao của dốc được “đo” bằng hơi thở dập dồn nặng nhọc của họ. Đây là một “thước đo” mới mà nếu chưa trải qua những ngày Tây Tiến, hẳn nhà thơ khó lòng có được:
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

Tương phản với câu thơ gập gềnh những thanh trắc để diễn tả hết cung bậc của sự vất vả suốt chặng hành binh (Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm) và một câu thơ gây cho độc giả cảm giác đang được “chơi” một trò bập bênh chóng mặt (Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống) là câu thơ gồm toàn thanh bằng thể hiện tuyệt vời niềm cảm xúc da diết của các chiến sĩ khi họ từ điểm dừng chân nơi lưng chừng núi, phóng tầm mắt nhìn xa về phía những ngôi nhà sàn chìm lấp trong màn hơi mưa, hơi nước mịt mờ. Âm điệu câu thơ chợt trầm và chùng xuống:
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời !

Dường như đây là một cảnh phim được cố ý quay chậm giúp ta thấm thía hơn bản chất của sự việc. Sự xuất hiện cách quãng đều đặn của ba thanh ngã trong liền hai câu (dãi, nữa, mũ) tạo ra nét gãy của âm điệu câu thơ và gợi nên ấn tượng trên. Mặc dù nhà thơ đã tránh dùng các từ như chết hay hi sinh và thay vào đó những không bước nữa, bỏ quên đời, nhưng đấy vẫn là những từ thấm nước mắt, và niềm thương cảm, xa xót còn đọng trong từ dãi dầu, đặc biệt dội lên từ chữ gục diễn tả một sự thật trụi trần, khắc nghiệt.

Nhưng thử thách còn nhiều và các chiến sĩ vẫn tiếp tục đi tới. Điệu thơ lại chuyển - linh hoạt và rắn rỏi. Thiên nhiên đã bộc lộ hết chất hoang sơ, oai nghiêm, hùng vĩ của mình trước một đối tượng tỏ ra rất xứng tầm. Niềm xúc động của nhà thơ trào lên, tưởng chừng không nén nổi, và những kỉ niệm ấm áp nơi mỗi chặng nghỉ chân hiện về làm giọng thơ chợt bồi hồi khôn tả:
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.

Hẳn trong tâm trí nhà thơ, đến lúc ngồi nhớ lại, khói cơm thơm vẫn còn nồng nàn. Các đơn vị thanh điệu có âm vực cao chiếm chỗ hoàn toàn trong câu Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói vừa có tác dụng tạo hình làn khói bốc lên, toả quanh những mái đầu dầu dãi, vừa giúp ta “nghe được” cả tiếng xuýt xoa cảm động của những người lính trước tình quân dân thắm thiết. Ngữ pháp của câu Mai Châu mùa em thơm nếp xôi thật đặc biệt. Những Mai Châu, những em, những mùa, những nếp xôi hoà lẫn vào nhau trong một niềm nhớ bâng khuâng, xa xôi, ngọt ngào không nói hết được.

Kết thúc đoạn một, đợt sóng cồn của kí ức bị đánh thức đột ngột hình như đang tan dần. Đợt sóng mới chưa kịp hình thành nên lúc này kí ức được kéo dãn ra, nhẹ nhàng lan toả để các hình ảnh tươi tắn hơn, “nét” hơn hiện lên. Vừa qua một chặp 14 câu ăn theo vần ơi có âm sắc khá cao mà âm lượng nhỏ gợi cảm giác lên, lên mãi, đến đây, với loạt vần mới có âm sắc trung hoà và âm lượng vừa, độc giả có được dịp “nghỉ ngơi” để có thể nghiêng ngả theo điệu múa trong đêm liên hoan văn nghệ và thả hồn đong đưa theo cánh hoa trôi trên dòng nước lũ:

Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa.

Nếu như phần đầu bài thơ chủ yếu nói về cái khắc nghiệt, dữ dội của hoàn cảnh thì đoạn thơ này lại nhấn mạnh đến chất thơ đậm đà của vùng rừng núi phía tây Tổ quốc. Đặc biệt, đoạn thơ đã thực sự phơi mở tâm hồn những người lính Tây Tiến hào hoa. Trong gian khó, họ vẫn luôn tươi vui, vẫn thích thú tổ chức những hội đuốc hoa tưng bừng trong doanh trại. Họ thật trẻ trung và cũng rất tình với tiếng reo vui sướng, ngạc nhiên trước một “dáng hồng” sơn cước. Họ hiểu hơn ai hết giá trị của những giây - phút - đời người được chứng kiến một man điệu kì ảo trong tiếng khèn dìu dặt chở hồn phiêu diêu đến tận thủ đô nước Lào. Họ (trước hết là Quang Dũng - thi sĩ) mơ mộng biết bao khi không bỏ qua đường nét của một bông lau đơn sơ, phơ phất như đượm hồn của ngàn xưa, không bỏ qua dáng uyển chuyển hoặc cô đơn của một người chèo thuyền độc mộc, không bỏ qua những cánh hoa như muốn làm duyên trên gương nước chòng chành. Có thể nói tâm hồn những người lính Tây Tiến được xây đắp bằng nhạc, bằng thơ, bằng hoa. Chỉ riêng theo dõi hệ từ vựng được dùng trong đoạn thơ đã có thể rút ra nhận xét ấy. Cảm thức ngôn ngữ của nhà thơ ở đây thật vô cùng tinh tế. Câu thơ nào cũng đầy sức gợi và bàng bạc một sắc thái nhớ nhung dịu dàng pha lẫn niềm thao thức.

Sang đoạn ba, một đợt sóng kí ức mới, vượt qua quãng cách “thư giãn” vừa rồi, chợt xô tới, bủa lên từng lưỡi sóng có vẻ dữ dằn, quyết liệt:
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Chân dung người lính Tây Tiến đến lúc này mới trực tiếp hiện lên qua những nét chạm khắc rạch ròi, gân guốc. Đã thành như một thói quen, mỗi khi nói đến các “trang nam nhi” thời chiến, thơ ca xưa vẫn thường có giọng cường điệu. Đọc hai câu thơ trên, ta tưởng bắt gặp cách nói khẩu khí quen thuộc. Một đoàn quân thật lạ lùng và cũng thật độc đáo. Nhưng sự thực câu thơ đã nói tới nét đặc biệt của đoàn quân này bằng giọng miêu tả khách quan. Đoàn binh không mọc tóc với quân xanh màu lá không giống kiểu ví von “văn chương” thường thấy. Chúng là sự thật được nói ra một cách thẳng băng bằng ngôn ngữ “lính” nên hoá bất ngờ, và vì bất ngờ nên vẻ trụi trần của sự miêu tả cũng được cảm thụ khác đi. Câu thơ không gợi ý nghĩ bi đát mặc dù ai cũng hiểu sự không mọc tóc và làn da xanh màu lá ở đây chính là hậu quả của bệnh sốt rét. Thêm vào mấy chữ dữ oai hùm, giọng điệu thơ thêm cứng cỏi nói được cái can trường, mạnh mẽ của những người lính. Đến câu tiếp đó, chút khẩu khí trong cách nói có thoáng qua với mắt trừng nhưng lập tức được “mềm” hoá trong chữ mộng để rồi gợi cảm đến nao lòng:
Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm

Nếu ở trên tác giả thay mắt trừng bằng bâng khuâng chẳng hạn thì câu vừa trích sẽ giảm hẳn nét mềm mại và chi tiết được nêu lên mất đi tính chất tinh lọc, quý hiếm của nó. Phải chăng ta vừa bắt gặp một thoáng uỷ mị rất đời, rất người và cũng rất thị thành của các chiến sĩ? Dáng Kiều thơm ấy chính là vầng sáng lung linh trong kí ức, “tố cáo” nét đa tình và đời sống tình cảm dạt dào của người lính, vốn thường bị che phủ một cách không tự giác hoặc cố ý vì nhiều lẽ. Chỉ biết rằng hình ảnh kia chắc chắn tạo nên sự cân bằng trong tâm lí những lính chiến xa nhà và có thể tiếp thêm sinh lực cho họ vượt qua lắm nỗi gian lao phía trước. Quang Dũng đã rất hiểu tâm hồn đồng đội, hiểu thấu cái lớn lao của những hi sinh mà bè bạn mình đã trải qua. Do vậy, câu thơ thực sự ngầm chứa niềm trăn trở mà nếu vô ý, ta dễ cho rằng nó chỉ làm nhiệm vụ miêu tả, tường thuật giản đơn:
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

Bốn câu thơ không thể hiện tâm trạng bùi ngùi thường tình mà thể hiện niềm cảm khái của tác giả về cái chết. Xót xa nhiều nhưng không bi lụy. Rắn rỏi mà thông cảm sâu xa. Nói giọng khô khan mà lòng thương tiếc thật vô bờ. Ngẫm nghĩ về cái chết của đồng đội, người ta có thể lớn cao thêm rất nhiều cũng như thêm trầm tĩnh và kiên quyết. Tiếng gầm của Sông Mã đổ xuôi đã được tiếp âm trong lòng người còn sống. Nó như loạt đại bác vĩnh biệt rền vang mang sắc thái thiêng liêng của một lời thề. Đặt cái chết của những người chiến sĩ trong một bối cảnh không gian rộng lớn, giữa một thiên nhiên hùng vĩ, nỗi đau mất mát càng thêm mênh mang, càng được nâng lên tầm bi tráng, đồng thời, sự chẳng tiếc đời xanh thêm ý nghĩa lớn lao.

Trước đây, mỗi khi nhắc đến những câu thơ này của Quang Dũng, người ta thường chỉ tìm thấy ở đó những biểu hiện tiêu cực, nào là mộng rớt, buồn rớt, nào là yêng hùng tiểu tư sản. Qua thời gian, bài thơ đã được hiểu đúng hơn. Cái khẩu khí của nhà thơ, của những anh bộ đội Tây Tiến thực ra vô cùng đáng trọng. Nó là biểu hiện quyết tâm của những “con yêu của giống nòi” sẵn sàng đổ máu hi sinh vì những lẽ sống lớn lao. Họ không phải là nạn nhân, là những con tốt đen vô danh vô nghĩa trên bàn cờ trận mạc mà là những chủ thể đầy ý thức của lịch sử, biết sống đẹp trong từng giây phút, biết mơ ước, biết hi vọng và khi cần, sẵn sàng hiến dâng quãng đời đẹp nhất cho Tổ quốc không một lời mặc cả. Những câu thơ Quang Dũng thực sự ngang tầm vóc với các chiến sĩ đã bỏ mình vì nghĩa lớn. Các anh đã về đất và dòng sông Mã thay mặt cả núi rừng Tổ quốc gầm lên tiếng chào vĩnh quyết trầm hùng.

Phần “vĩ thanh” của bài “hành” Tây Tiến gồm bốn câu muốn tiếp tục cuộc hành trình của kí ức vượt lên theo dấu của đoàn quân lừng tiếng:
Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.

Hai câu trên nhắc lại lời hẹn ước của đoàn quân Tây Tiến thuở lên đường: Chí lớn chưa về bàn tay không (thơ Thâm Tâm, Tống biệt hành _ P.Djinh). Hai câu sau vừa là lời tự nhắc nhở vừa là sự duyệt lại của kí ức để đi đến khẳng định: không thể quên những chặng đường đã qua, người dù có đi nơi đâu vẫn gửi về Sầm Nứa. Bởi vì chặng đường đã qua là đồng đội, là kỉ niệm, là sự hiến dâng, là cuộc đời riêng có dịp phát sáng trong cuộc đời chung của dân tộc, của cách mạng.

Bài thơ Tây Tiến tràn đầy nỗi nhớ hay đúng hơn chính là nỗi nhớ. Xét về mặt khách quan, nó còn là lời nguyện của một thế hệ thanh niên sẵn sàng hiến dâng cả tuổi xanh của mình cho đất nước thân yêu. Bài thơ đã để lại một dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử thơ ca cách mạng Việt Nam.

Phan Huy Dũng

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây