Nhà thơ Tố từng ca ngợi những con người quả cảm ấy:
Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai
Qủa đúng như thế, một Trường Sơn ác liệt đạn bom, một Trường Sơn đầy chông gai thử thách là nơi để những chàng “Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi” làm nên những kỳ tích. Trên những con đường Trường Sơn cheo leo, hiểm trở đầy mưa bom bão đạn, những đoàn xe vận tải lương thực, khí giới vẫn chạy băng băng phục vụ cho chiến trường Miền Nam. Điều kỳ diệu ấy có được bởi vẻ đẹp tinh thần, tình cảm của những người chiền sĩ lái xe. Chất thơ trong hiện thực đầy khốc liệt đã được đưa vào thơ từ hồn thơ nhạy cảm của nhà thơ Phạm Tiến Duật qua “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”.
Không có kính không phải vì xe không có kính
......
Chỉ cần trong xe có một trái tim.
Phải chăng, thực tế ở chiến trường Trường Sơn thời chống Mỹ đã làm nên những chất liệu cho trang thơ đặc sắc. Phạm Tiến Duật đã từng vào bộ đội và là một trong những gương mặt tiêu biểu của đội ngũ các nhà thơ trẻ lúc ấy. Vốn đã từng yêu thơ và làm thơ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nay lại được trực tiếp sống trong không khí của tiền tuyến, hồn thơ của Phạm Tiến Duật như được tiếp thêm nguồn lực mới. Thành công của bài thơ về tiểu đội xe không kính chính là tác giả đã thể hiện một cách chân thực hình ảnh người lái xe quân sự gắn với hình ảnh độc đáo là những chiếc xe không kính. Phương tiện vật chất thiếu thốn là cơ hội để người chiến sĩ lái xe Trường sơn bộc lộ hết những phẩm chất cao đẹp.
Dấu ấn chiến trường ác liệt trước hết được thể hiện ngay trong nhan đề bài thơ qua cụm từ “Tiểu đội xe không kính”. Nghe qua tưởng như vô lí. Lẽ thường ,để bảo vệ tính mạng cho con người nhất là trong địa hình hiểm trở Trường Sơn, xe phải có kính mới đúng. Ấy thế mà! Chuyện xe “không kính” lại là thực tế! Bởi vậy những câu thơ mở đầu có thể coi như là lời giải thích cho sự cố có phần không bình thường ấy:
Không có kính, không phải vì xe không có kính
Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi
Lời thơ tự nhiên như lời nói thường ngày. Chất thơ của câu thơ này hiện ra trong chính vẻ tự nhiên đến mức khó ngờ của ngôn từ. Hình ảnh “bom giật ,bom rung” giúp ta hình dung được một vùng đất từng được mệnh danh là “túi bom” của địch. Song những gian khổ khó khăn ấy nào có gì đáng bận tâm. Người lính lái xe vẫn đoàng hoàng, tự tin:
Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng
Khi mà sự sống cái chết chỉ cách nhau có gang tấc, khi mà những đợt bắn phá của địch cứ liên tiếp, những quả bom nổ chậm đang rập rình đe doạ thì người ta có thể rất lo âu. Nhưng những người lính Trường Sơn vẫn ung dung nhìn bao quát đất trời. Một tư thế hoàn toàn tự tin, chủ động trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống. Đạn bom quân thù không cản được cái thế nhìn thẳng hướng của người chiến sĩ lái xe. Trong cái nhìn mang vẻ phóng khoáng kia, rọi sáng một niềm lạc quan, thể hiện tâm thế của một thời “tiếng hát át tiếng bom”.
Trên buồng lái của những chiếc xe “đặc biệt” này, họ nhìn thấy những gì?
Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa, như ùa vào buồng lái
Phía sau những chi tiết tả thực thế giới bên ngoài ập vào tầm lái, câu thơ hiện lên một vẻ đẹp khác : người chiến sĩ vừa tập trung cao độ để vững vàng tay lái, vừa như thả hồn vào những liên tưởng táo bạo đến bất ngờ. Có thể nói hình ảnh “con đường chạy thẳng vào tim” gây ấn tượng khá sâu sắc. Con đường đã được tình cảm hoá, cái nghĩa vật chất được che mờ đi, để hiện hình một con đường đi từ trái tim và đến bằng trái tim.
Trên những nẻo đường ấy người chiến sĩ thật dũng cảm, gan dạ và thành thạo, tài tình mới điều khiển được chiếc xe băng nhanh trên những con đường cheo leo hiểm hóc, trước tác động của gió rồi lại mưa bụi, khó khăn lại nối tiếp khó khăn.
Không có kính ừ thì có bụi
Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần rửa phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha
Những gian nan là để thử thách chí làm trai. Người lính sẵn sàng chấp nhận. Điều đáng nói ở đây là mặc dù đã nếm đủ mùi gian khổ, các anh không hề tỏ vẻ bực bội mà còn thể hiện tính ngang tàng thách thức và tràn đầy lạc quan.
Chưa cần rửa phì phèo châm điếu thuốc
Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa
Nhiệt tình cách mạng của người lính không còn trừu tượng nữa mà được tính bằng những con đường “Lái trăm cây số nữa”. Con đường ấy trong bom đạn, mưa tuôn phải trả giá bằng mồ hôi, xương máu. Ẩn chứa trong tứ thơ là hình ảnh con người phơi phới tự tin, bất chấp mọi hiểm nguy, gian khổ.
Những người lái xe anh dũng hiên ngang ấy cũng là những con người rất trẻ trung, vui nhộn.Trước khó khăn do xe không kính gây ra họ vẫn cười vang : “Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”. Chỉ có những con người rất yêu đời, yêu cuộc sống mới có thể cười hết cỡ, cười vui nhộn đến thế, về mặt lấm, về màu trắng ngộ nghĩnh của “tóc trắng”,“ bụi phun”. Ngay cả cách hút thuốc cũng thể hiện tính chất trẻ trung, tinh nghịch -hút “phì phèo”- cách hút để chơi, hút cho vui. Cái khó khăn “xe không kính” lại được các anh biến thành cái thuận lợi : “ Bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi”. Từ cái bắt tay ấy, tình cảm người lính càng gắn bó hơn. Xa quê hương đến tận núi rừng Trường sơn để làm nhiệm vụ, phần lớn các anh chưa lập gia đình, các anh tạm gác tình riêng vì việc lớn, nét hồn nhiên phơi phới lại thể hiện qua cách suy nghĩ rất giản dị.
Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Tình đồng đội đã tiếp thêm sức mạnh.Và thế là, dù ăn giữa trời, ngủ giữa rừng trên chiếc xe không kính, người chiến sĩ vẫn đầy nhiệt huyết. Những chiếc xe vẫn cứ đi, vẫn băng băng không kẻ thù nào ngăn cản nổi. Đó là sức trẻ dâng ngùn ngụt từ trái tim rực lửa tình yêu nước, cho nên dẫu chiếc xe cứ dần dần trần trụi bởi phong sương, nắng gió, bởi chiến trận ác liệt trở thành “không kính”, “không đèn”, “không mui xe”, xe vẫn hành quân :
Không có kính, rồi xe không có đèn
Không có mui xe, thùng xe có xước
Xe vẫn chạy vì Miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim
Cao đẹp là thế ! chỉ cần có một trái tim, một tấm lòng, một nghị lực, ý chí. những thiếu thốn gian nan, nguy hiểm ,hi sinh nào có là gì. Ý thơ đã cô đọng lại, kết tinh lại vẻ đẹp của người chiến sĩ lái xe Trường sơn chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp. Vẻ đẹp ấy cho ta liên tưởng đến lời của một bài hát : “Ôi! Anh đẹp lắm ! đẹp hồn nhiên như chân lý Bác Hồ, vì anh có một trái tim, một trái tim biết yêu thương tha thiết đất nước, quê hương. Một trái tim biết căm thù quân xâm lược. Một trái tim rực lửa anh hùng”.
Đúng như thế, mọi thứ đều không có, đều thiếu thốn nhưng có trái tim là có tất cả: tư thế hiên ngang ,lòng dũng cảm, thái độ bất chấp khó khăn , tinh thần lạc quan, ý chí vững vàng. Dẫu cho những chiếc xe có biến dạng thì người chiến sĩ vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cao cả : Chiến đấu với kẻ thù, vì quê hương đất nước vì lý tưởng cách mạng. Hình ảnh “trái tim” khép lại bài thơ nhưng mở ra một chân dung sống động với những vẻ đẹp của người chiến sĩ ý thức cao trước vận mệnh của đất nước.
Bài thơ được viết trong những ngày chiến tranh gian khổ ác liệt và hào hùng. Thời đại đã cung cấp hiện thực sôi động quý giá để nhà thơ khắc hoạ những hình ảnh đẹp về những chiến sĩ lái xe Trường Sơn làm xúc động lòng người. Từng câu thơ, từng ý thơ đem đến cho người đọc sự ngạc nhiên, ngưỡng mộ, kính phục đối với những con người được gọi với cái tên trân trọng, yêu mến, “anh bộ đội Cụ Hồ” Chính các anh đã làm nên một con đường Trường Sơn huyền thoại, làm nên những trang sử chói lọi cho lịch sử Việt Nam thời chống Mỹ.
Mùa xuân chiến thắng năm 1975 mang khúc khải hoàn ca của dân tộc vẫn mãi đem sức xuân cho những mùa xuân tiếp nối. Để rồi trong niềm vui xuân mới, chúng ta có quyền tự hào về một Trưòng Sơn năm xưa, tự hào về những con người mang vẻ đẹp tâm hồn làm nên những bản hùng ca bất diệt đem đến cuộc sống thanh bình, thịnh vượng cho đất nước. Con đường các anh đi ngày ấy trở thành con đường Hồ Chí Minh lịch sử, những chiếc xe lại bon bon mang những chuyến hàng phục vụ mọi người, mọi nhà. Những chuyến xe nối tiếp chuyến xe như chúng ta nối tiếp thế hệ cha anh học tập và sống sao cho xứng đáng với những gì mà người chiến sĩ đã sống và hiến dâng .
Nào hãy biến niềm vinh hạnh của chúng ta thành những hoài bão đẹp vì quê hương, đất nước dấu yêu như lời thơ Tố Hữu :
Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa
Vui gì hơn làm người lính đi đầu
Trong đêm tối tim ta làm ngọn lửa.
Trái tim của những người lính Trường Sơn quả cảm năm xưa sẽ thắp lên trong tim chúng ta ngọn lửa niềm tin và nhiệt huyết để viết tiếp nên những trang sử huyền thoại của một Việt Nam thời đại mới.