Nhưng không phải ai cũng cố tình nói dối, có một dạng bệnh lý khiến người ta không thể kiểm soát lời nói của mình, họ nói dối một cách vô thức và họ tin đó là sự thật không chút nghi ngờ. Họ nói dối tự nhiên như chúng ta hít thở vậy, có bao giờ chúng ta cố ý thở không? Khi nói dối với mục đích nào đó, con người thường biết rõ sự thật và cố tình làm sai lệch sự thật đó. Xa hơn nữa họ sẽ dùng trí não tính toán để bảo vệ lời nói dối đó bằng những lời nói dối khác.
Mình nghĩ ai cũng ghét nói dối, ghét phải nghe những lời dối trá. Đa số mọi người mình gặp đều bày tỏ quan điểm ghét sự giả dối của mình: “Tôi ghét nhất là bị lừa dối và sẽ không tha thứ cho người ấy…”, nhưng đôi khi bản thân họ lại cho phép họ làm điều ấy, họ thuyết phục bản thân rằng đó chỉ là những lời nói dối có ích và vô hại, liệu nó có thật sự vô hại không? Nếu bắt buộc phải lựa chọn giữa lời nói dối mang lại hiệu quả tốt và lời nói thật mang đến hậu quả xấu, bạn sẽ chọn cái nào đây? Gian lận cũng như một dạng nói dối, là không thể chấp nhận được: “Em gian lận thì em phải chịu trừng phạt, luật là luật…”. Thế bản thân bạn đã bao giờ nói dối hay gian lận chưa, và với mục đích gì?
Nói dối được thực hiện bằng cả lời nói và sự im lặng. Người ta thường nói: “Im lặng là đồng ý”, im lặng xác định chủ kiến của một người. Nếu trung thực là trình bày sự thật bằng lời nói, thì im lặng có thể xem là nói dối một cách gián tiếp khi bạn né tránh nói ra sự thật. Vì người khác, tránh nói ra một sự thật khiến họ đau lòng là đúng hay sai? Khi người khác im lặng một cách tế nhị để tránh phải nói ra những điều tế nhị, liệu bạn sẽ bắt ép họ nói ra ngay lập tức hay cho họ thời gian để tự giác nói ra điều ấy?
Hay như câu nói vui của Herbert Geogre Wells: “Nói dối là lời quảng cáo được hợp pháp hóa”. Quảng cáo đang phát triển mạnh mẽ, là một phần trong văn hóa đời sống hiện tại, nó tạo ra những nhu cầu giả tạo cho con người. Nó là một bộ phận trong nói dối làm méo mó cách nhìn của chúng ta. Liệu bạn có chấp nhận văn hóa quảng cáo hay vẫn thích những giá trị truyền thống? Liệu bạn có chấp nhận quảng cáo để biến mình thành một sản phầm tuyệt vời? Hay bạn thích theo truyền thống hữu xạ tự nhiên hương?
“Nói dối làm tăng khả năng sáng tạo, mở rộng tự tin và giảm thiểu cọ sát từ những quan hệ xã hội” - Clare Boothe Luce. Nói dối là một con đường quá tiện nghi để sử dụng trong các quan hệ xã hội, liệu bạn có chọn con đường này? Nếu có người tiếp cận bạn qua con đường nói dối này bạn nghĩ gì? Liệu bạn có dám chia sẻ với họ suy nghĩ của mình? Ta sẽ nhìn con người và hành vi của họ một cách tách biệt hay đánh đồng con người và hành vi của họ?
“Lời tự thuật chỉ đáng tin khi kể về những điều xấu. Một người khoe những điều tốt đẹp về mình có thể là nói dối, vì cuộc đời nào nhìn từ bên trong cũng chỉ đơn giản là một chuỗi những sự kiện thất bại” – geogre Orwell. Thế giới chúng ta sử dụng sự khiêm tốn để làm thước đo, người càng có tài càng phải khiêm tốn. Ví dụ như trong bóng đá: Barca là đội bóng mạnh nhất lại luôn nói năng khiêm tốn được thế giới tôn vinh, còn người đặc biệt Mourinho lại luôn khoe khoang về tài năng của mình bị rất nhiều người ghét. Nhưng mình thấy những hành động của Barca lại không có cái vẻ khiêm tốn như những lời họ nói, và tài năng của Mourinho thì có lẽ không phải bàn. Vậy khi một người khác kể những điều hay ho về bản thân họ, bạn có thấy khó chịu không? Ta có nên khó chịu khi người khác tự hào về bản thân họ? Tự hào về bản thân mình là đúng hay sai? Vì chúng ta là những người sử dụng khiêm tốn làm thước đo? Điều gì ngăn cản chúng ta không thể tự hào rằng con người ai cũng có gì đó tốt đẹp, đáng quý?