Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Suy nghĩ của em về việc chọn lựa nghề nghiệp tương lai (Bài 1)

Thứ ba - 01/10/2013 07:24
Kính thưa các vị đại biểu, các thầy cô giáo và toàn thể các đồng chí!
Hiện nay, vấn đề lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai đối với tất cả chúng ta, đặc biệt là những học sinh cuối cấp như chúng tôi quả thật là rất khó. Tương lai đang mở ra trước mắt, phía trước có biết bao con đường để lựa chọn. Song, để chọn được một con đường thích hợp với khả năng của mỗi người thì đó là cả một vấn đề.
 
Như chúng ta đã biết, nghề nghiệp đóng một vai trò hết sức quan trọng trong sự ổn định cuộc sống của mỗi con người. Là những Đoàn viên chi đoàn khối 12, đối với chúng tôi, sự lựa chọn cho mình một nghề nghiệp cho tương lai là hết sức quan trọng. Đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, chúng tôi phải có sự lựa chọn thật đúng đắn nghề nghiệp tương lai sao cho công việc ấy phải phù hợp với năng lực, trình độ của bản thân và phải giúp ích cho đất nước.
 
Khi nhìn vào thực tế, chúng ta đã thấy không ít các bạn trẻ đã có sự lựa chọn rất rõ ràng, đó là: "Sau 12 năm học tập, rèn luyện vất vả trên ghế nhà trường, con đường tiếp theo sẽ là cổng trường Đại học!" . Vâng, "Cổng Trường Đại Học" đó vừa là ước mơ, vừa là cái đích của biết bao học sinh chúng ta. Vào được Đại học nghĩa là 12 năm đèn sách không hề bị uổng phí. Vào được Đại học cũng có nghĩa là bạn đã đền đáp được phần nào công lao vào sự vất vả của cha mẹ, thầy cô....
 
Vậy thì điều đáng quan tâm ở đây là gì? Vào Đại học là phải thi vào các trường Kinh tế quốc dân, Học viện tài chính, Ngoại thương, Bưu chính viễn thông, Bách khoa... Đó quả thực là những suy nghĩ hết sức tiêu cực và thực dụng. Mặt khác, không phải ai ai trong mỗi chúng ta cũng đều có khả năng bước qua được cánh cổng trường Đại học. Mỗi người đều có những hạn chế riêng của bản thân. Và đâu phải chỉ có mỗi con đường Đại học là duy nhất?! Chúng ta còn có rất nhiều con đường khác để lựa chọn sao cho phù hợp với trình độ và năng lực bản thân như vào các trường Cao đẳng, trung cấp, các trường hướng nghiệp dạy nghề... Vậy, điều quan trọng ở đây là gì? Quan trọng là bạn phải có sự say mê, hứng thú với nghề nghiệp mà mình đã lựa chọn! Có niềm say mê, bạn sẽ làm được những điều mình muốn!
 
Một điều đáng nói nữa ở đây, đó là một số phụ huynh coi việc con cái mình thi đỗ các trường Đại học nổi tiếng là danh dự của cả gia đình. Có trường hợp còn bắt buộc con mình phải thi trường nọ, trường kia mà không hề nhìn vào thực lực học tập của con cái. Đây đúng là một vấn đề mà tất cả chúng ta cần phải nhìn nhận và xem xét lại một cách nghiêm túc và khách quan hơn.
 
Chỉ mới đây vài năm thôi, chúng ta đã thấy tình trạng là rất nhiều bạn trẻ đổ xô vào các trường như: Đại học Luật, Đại học Bách Khoa, Đại học Kinh tế... Họ ngày đêm học tập, dùi mài kinh sử. Kẻ trượt thì không nói làm gì, nhưng những người đỗ thì cũng thật đau xót không kém khi mà suốt bao năm miệt mài đèn sách, để rồi cầm tấm bằng tốt nghiệp loại ưu trong tay, nhưng vẫn thất nghiệp, không xin được việc làm.
 
Kính thưa các vị đại biểu, các thày cô giáo cùng toàn thể các đồng chí! Tôi thiết nghĩ các bạn trẻ phải có một sự lựa chọn nghề nghiệp cho đúng đắn, cho phù hợp với bản thân. Lựa chọn được một con đường đúng có nghĩa là bạn đã bắt đầu bước vào một cuộc hành trình mới, "một cuộc hành trình không khởi đầu với bước chân đầu tiên mà khởi đầu với lòng khát khao muốn đi tới nơi mà bạn chưa từng đặt chân đến"...
 
Đất nước ta hiện nay đang trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, rất cần phải có những người có lòng say mê, nhiệt tình với công việc mà mình lựa chọn. Bác Hồ đã từng nói: "Trong xã hội ta, không có nghề nghiệp thấp kém, chỉ có những kẻ lười biếng, ỷ lại mới đáng xấu hổ.... Tất cả những lao động có ích cho xã hội đều là vẻ vang". Như vậy, câu hỏi đặt ra là: Thế hệ trẻ chúng ta liệu có nhất thiết cứ phải thi vào các trường Đại học mới là tốt hay không?
 
Hiện nay, tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ" đã trở nên khá phổ biến trong xã hội. Tại sao lại như vậy? Bởi vì những học sinh sau khi tốt nghiệp cấp III phần lớn đều lao vào các trường Đại học. Ai cũng muốn thử một lần thi cho biết thế nào là "mùi thi Đại học". Vâng, mới nghe thì các bạn có thể cho là buồn cười, song đó là sự thật!
 
Ước tính cứ khoảng 100 người thì có tới 97 học sinh "lều chõng" đi thi Đại học. Còn lại 3 người thì nộp đơn vào các trường Cao đẳng, trung cấp hay các trung tâm hướng nghiệp dạy nghề. Nếu như 97 người đó đều đỗ vào Đại học, đều say mê với nghề nghiệp mình lựa chọn thì đó quả thật là điều hết sức đáng mừng cho sự phát triển của đất nước, góp phần đưa nước ta trở thành một cường quốc hùng mạnh. Song, điều đáng nói ở đây là gì? Trên thực tế, trong 97 người đó, thì chỉ có không đầy 12 người thi đỗ đại học. Vâng, một con số hết sức "khiêm tốn"!
 
Và, một vấn đề nữa lại mở ra trước mắt: Những người trượt Đại học, họ sẽ làm gì trong khi cuộc sống vẫn tiếp diễn? Câu trả lời ở đây là "Nộp đại đơn xét tuyển vào một trường nào khác, bất kì, không cần biết mình thích hay không, miễn là ĐỖ!". Một số khác không đủ điểm xét tuyển thì sự lựa chọn duy nhất của họ là: "Ở nhà!". Hoặc họ sẽ lao vào những công việc kiếm tiền như buôn bán, chợ búa; Hoặc họ sẽ lại tiếp tục con đường trau dỗi kiến thức, chuẩn bị cho kì thi năm sau.
 
Vậy thì thử hỏi, chỉ không đầy 3 năm sau thôi, họ sẽ trở thành những con người như thế nào? Trong khi 3% bé nhỏ kia đã trở thành những người công nhân, những người thợ lành nghề, đã và đang đóng góp sức mình để xây dựng đất nước?
 
Các bạn ạ, là một người thợ không có gì phải xấu hổ cả. Đó cũng là một cái nghề đáng kính trọng trong xã hội như bao nghề khác. Nó cũng phục vụ đất nước, góp phần tạo nên nền tảng cho nền kinh tế nước nhà. Có người nói rằng: "Mỗi lần bạn lựa chọn một cách có ý thức là bạn đã học được một bài học tự tin" và "Khi không làm được những điều bạn muốn, hãy làm những điều bạn có thể làm". Vâng, điều đó có nghĩa là gì ạ? Chúng ta không nhất thiết là cứ phải thi vào các trường Đại học. Càng không nên chạy theo "mốt" thi vào trường nọ trường kia. Hãy tự tin và lựa chọn con đường mà mình cho là phù hợp nhất với bản thân!
 
Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang rất chủ trương đầu tư cho việc dạy nghề, đào tạo những người thợ giỏi, có kĩ năng làm việc và tinh thần trách nhiệm cao, có lòng say mê với công việc của mình. Đó chính là một đường lối mới cần được phát huy hiện nay. Và phải chăng, đó cũng chính là một cánh cửa khác để chúng ta lựa chọn?!
 
Nhưng để đảm bảo cho bản thân có một nghề nghiệp trong tương lai, trước hết, mỗi chúng ta đều phải luôn học hỏi, không ngừng rèn luyện, nâng cao trình độ của chính mình. Không những chúng ta học cho bản thân, cho tương lai của chính mình, mà còn học để góp phần xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp hơn.
.....
Các bạn ạ, tương lai đang mở rộng và dang tay chào đón tất cả chúng ta. Các bạn hãy mạnh dạn lựa chọn cho mình một con đường, một nghề nghiệp phù hợp với trình độ và khả năng của bản thân để sau này, khỏi phải hối tiếc khi nghĩ về sự lựa chọn của mình.
 
Kính thưa các vị đại biểu, các thày cô giáo và toàn thể các đồng chí, chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng viết:
 
"Gạo đem vào giã bao đau đớn
Gạo giã xong rồi trắng tựa bông
Sống ở trên đời người cũng vậy
Gian nan rèn luyện mới thành công"
 
Mỗi Đoàn viên chúng ta hãy ra sức tự rèn luyện bản thân mình để nâng cao phẩm chất và đạo đức của người Đoàn viên thanh niên. Từ đó tạo cho mình một vốn tri thức để vững vàng đi lên trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chúng ta hãy tự tin hơn trong cuộc sống, hãy lựa chọn một nghề nghiệp thích hợp cho tương lai của chính bản thân mình và cũng là cho chính dân tộc mình.
 
"Để bay cao trong cuộc đời, bạn phải cất cánh với chính đôi cánh của bạn". Đó là một quan điểm sống rất đúng đắn mà cũng ta cần phải tiếp thu và học tập.

Sách giải st

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây