Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích bài thơ “Tràng giang” của Huy Cận (Bài 4)

Thứ năm - 27/06/2024 10:33
Trong thơ mới 1932 - 1941, tập “Lửa thiêng” của Huy Cận buồn hơn cả. Bài thơ “Tràng giang” là thi phẩm rất tiêu biểu cho tình cảm đó của thi nhân.
Đầu đề “Tràng giang” có nghĩa là sông dài. Nhưng tác giả dùng âm Hán Việt để gợi lên vẻ cổ kính. Đọc lên, ta có cảm tưởng như dòng sông ấy đã chảy qua nhiều thiên niên kỉ, qua nhiều vùng địa lí xa xôi:
 
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về, nước lại sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy dòng.
 
Thi nhân nhìn tràng giang và thấy sự đối lập giữa cái vô hạn và cái hữu hạn. Cái vô hạn là tràng giang bao la, bát ngát; cái hữu hạn là con thuyền và một cành củi khô lênh đênh trên sóng nước. Chính vì vậy mà lòng người mênh mang một nỗi “buồn điệp điệp”. Nỗi buồn ấy được nhân lên bằng cấu trúc đăng đối: điệp điệp – song song/ thuyền về – nước lại/ trăm ngả - mấy dòng.
 
Thi nhân nhìn sang cảnh hai bên bờ sông lại càng thấy buồn trĩu lòng:
 
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều,
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng, bên cô liêu.
 
Cảnh vắng vẻ quá, chỉ thấy thiên nhiên mà không có bóng dáng con người. Ngay cả một tiếng, một âm thanh xa xăm “vãn chợ chiều” để xua bớt cái hoang vắng mà cũng không có. Câu thơ “Nắng xuống, trời lên sâu chót vót” gợi lên cảm giác rợn ngợp về sự vô cùng, vô tận của không gian bao la, mênh mông. Từ Hán Việt “cô liêu” gợi lên vẻ u hoài như từ thời tiền sử còn đọng lại nơi bến sông cho đến tận ngày nay. Cấu trúc đăng đối: nắng xuống – trời lên/ sông dài – trời rộng, làm cho nỗi buồn càng thêm man mác, đìu hiu.
Quay nhìn lại tràng giang, nỗi buồn lại được nhân lên thêm một bước nữa:
 
Bèo dạt về đâu hàng nỗi hàng;
Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút niềm thân mật,
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.
 
Những cánh bèo sao mà nhỏ nhoi tội nghiệp đến thế trước sóng nước tràng giang? Thi nhân khát khao giao cảm với con người để vợi đi ít nhiều nỗi buồn thương nhưng hoàn toàn thất vọng: không một chuyến đò ngang, không cầu – vẫn chỉ có một thiên nhiên hoang vắng, lặng lẽ và đìu hiu. Ta bỗng nhớ đến những câu thơ rất hay của Hồ Zếnh:
 
Có phải sầu vạn kỉ
Chất trong hồn chiều nay?
(Chiều)
 
Thì ra các thi nhân vẫn thương đồng cảm với nhau về nỗi buồn trước tạo vật.
 
Đến khổ cuối thì nỗi buồn đã dâng tới cực điểm, toả rộng trong không gian và thấm sâu vào hồn người khôn xiết kể:
 
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa,
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
 
Ở đây cái vô hạn là lớp lớp núi mây bạc cứ đùn lên không ngừng chiếm lĩnh bầu trời; cái hữu hạn là cánh chim nhỏ nhoi. Núi mây khổng lồ hình như làm cho con chim nhỏ bé phải lệch cánh, nghiêng cánh, làm cho bóng chiều phải sa xuống… Nhà thơ không thể một mình đứng trước cái vô hạn mà “phải nương tựa vào một cái gì cho đỡ lẻ loi” (“Thi nhân Việt Nam” – Hoài Thanh).
 
Quả có thế. Điểm tựa đó chính là lòng quê. Lòng quê là lòng nhớ quê hương, yêu quê hương, thương nhớ nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Tình cảm đó cứ “dợn dợn” nghĩa là dâng lên hết đợt này đến đợt khác, vỗ theo con nước từ xa đưa lại.
 
Câu kết hết sức độc đáo:
 
“Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”.
 
Câu này lấy tứ từ câu thơ của thi sĩ Thôi Hiệu thời Đường trong bài “Hoàng Hạc lâu”:
 
“Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
Yên ba giang thượng sử nhân sầu”.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?
(Tản Đà dịch)
 
Hơn mười ba thế kỉ trước, Thôi Hiệu đến chơi lầu Hoàng Hạc khi chiều buông xuống thấy khói hoàng hôn phủ mờ cảnh vật gần xa mà bỗng nhớ quê nhà. Nay Huy Cận đứng trước tràng giang không thấy khói hoàng hôn mà vẫn nhớ nhà. Như vậy, nỗi buồn nhớ nhà, nhớ quê của người lữ khách trong bài thơ tràng giang thấm thía bao “vạn cổ sầu” của đất trời như đang dồn tụ lại!
 
Cảm hứng chủ đạo của bài thơ “Tràng giang” là những suy ngẫm triết lí của thi nhân về kiếp người hữu hạn khi đối diện với tràng giang, với vũ trụ bao la. Kiếp người ở đây thật mỏng manh, nhỏ bé, vô định như “Củi một cành khô lạc mấy dòng”, “Bèo dạt về đâu hàng nối hàng”, và như “Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa”. Ta cảm thấy có cái gì đó giống như nỗi niềm cô đơn của thi sĩ Trần Tử Ngang (661 – 701) thời Đường hơn ngàn năm trước khi lên đài U Châu:
 
“Tiền bất kiến cổ nhân
Hậu bất kiến lai giả
Niệm thiên địa chi du du
Độc thương nhiên nhi lệ hạ”
  (Đăng U Châu đài ca)
Người trước chẳng thấy ai,
Người sau thì chưa thấy
Ngẫm trời đất thật vô cùng,
Riêng lòng đau mà lệ chảy
   (Tương Như dịch)
 
Cảm hiểu được sự đối lập đó, con người càng thấy yêu quý cuộc đời hơn, càng thấy phải xích lại gần nhau hơn trong cuộc sống để xua bớt đi ít nhiều nỗi buồn của kiếp nhân sinh…
 
“Tràng giang” được viết theo thể thơ thất ngôn, gồm có bốn khổ thơ, tiêu biểu nhất cho hồn thơ của Huy Cận trước năm 1945. Đó là những vần thơ đẹp mà buồn. Tình yêu thiên nhiên, tình yêu quê hương, nỗi buồn nhớ nhà của người lữ khách toả rộng và thấm sâu trong từng vần thơ đã để lại cho mỗi chúng ta bao tình cảm đẹp về quê hương đất nước. Đặc biệt lời đề từ: “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài”, và câu cuối bài thơ  “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà” như những tiếng sóng của tràng giang cứ ám ảnh vỗ vào hồn ta mãi…

Sách giải st

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây