Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích bài thơ Tràng Giang của Huy Cận

Thứ tư - 04/02/2015 04:57
Trước Cách mạng tháng Tám, thiên nhiên trong thơ Huy Cận thường thấm đượm nỗi buồn - nỗi buồn tiêu biểu cho cả một thế hệ Thơ mới. Bài thơ Tràng giang (1939 - trích từ tập Lửa thiêng) thể hiện cái tôi buồn miên man của nhà thơ trước cảnh trời rộng, sông dài; nỗi cô đơn, bơ vơ của con người ngay giữa quê hương mình. Bài thơ còn thể hiện tình yêu đất nước thầm kín của nhà thơ.
 
Tràng giang nghĩa là sông dài, từ tràng cũng đọc là trường. Nhưng từ tràng giang với âm hưởng mênh mang của nó, gợi cảnh bao la, bát ngát hơn (tràng giang đại hải). Tác giả dùng từ Hán - Việt đã tạo ra vẻ cổ kính, vĩnh viễn của dòng sông.
 
Mở đầu bài thơ là cảnh sông nước
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng.

 
Câu thơ đầu gợi tả cảnh dòng sông mênh mang, những con sóng gợn lô nhô gối nhau tới chân trời tạo cảm giác êm ả trong không gian quạnh vắng như chứa đựng sẵn nỗi buồn: buồn điệp điệp. Nỗi buồn lớp lớp nối nhau tỏa theo con nước đi về trăm ngả: sầu trăm ngả. Cảnh tràng giang trong bài thơ mang một màu cổ kính;
 
Xanh om cổ thụ tròn xoe tán.
Trắng xóa tràng giang phẳng lặng lờ.

(Thuyền đi)
 
Hình ảnh bổ sung cho con thuyền là cành củi khô chìm nổi lênh đênh giữa cảnh bát ngát của dòng sông:
 
Củi một cành khô lạc mấy dòng.
 
Từ rừng thẳm, cành củi qua bao sông suối mà trôi về đây, dập dờn giữa chốn sông nước bao la, gợi liên tưởng đến cảnh đời lạc loài, bơ vơ. Đó là hình ảnh ẩn dụ cho kiếp người nhỏ nhoi, lạc lõng bị dòng đời cuốn trôi không biết về đâu.
 
Khổ thơ gợi tả cảnh với không gian sông nước mênh mông với những đường nét: song song, điệp điệp, nhưng lại: sầu trăm ngả, lạc mấy dòng nên không hứa hẹn gì hội tụ, gặp gỡ mà chia tan, xa rời. Thủ pháp tương phản giữa hình ảnh dòng sông rộng lớn với cảnh củi khô và chiếc thuyền nhỏ bé, càng làm nổi bật cảnh bát ngát, vô tận của dòng sông và thân phận lẻ loi, bé nhỏ của con người. Âm điệu chung cho cả bài thơ, buồn vì thân phận con người cô đơn, lạc loài trong cuộc đời cũ.
 
Khổ thơ thứ hai tiếp tục mạch thơ khổ đầu nhưng không gian được mở rộng ra và đẩy lên cao hơn.
 
Lơ thơ cồn nhỏ, gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều,
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.

 
Cồn nhỏ đơn côi giữa dòng sông, lại thêm ngọn gió đìu hiu làm cho cảnh càng hoang vu, hiu hắt, chìm khuất. Dòng nước lũ trên thượng nguồn đổ về nhấn chìm cồn nhỏ giữa sông chỉ còn nhô lên vài ngọn cỏ lưa thưa gợi liên tưởng đến những thân phận bị dòng đời nhấn chìm xô dạt. Không gian mở rộng sang bên bờ: cảnh chợ chiều đã vãn càng tô đậm cái vắng vẻ, xa lìa.. Cảnh chợ chiều có gợi đến cuộc sống, quê nhà nhưng chỉ là âm thanh xao xác rồi mất hút dần trong cảnh mênh mang vắng lặng của dòng sông. Dòng sông và. nhà thơ như bị tách ra khỏi cuộc đời nên đứng trong cảnh ấy lòng người càng thêm thương nhớ cuộc sống quê hương.
 
Bầu trời hiện ra cũng làm tăng thêm vẻ lạc lõng:
 
Nắng xuống trời lên sâu chót vót.
 
Câu thơ giàu hình tượng, gợi tả không gian có hình khối đường nét và màu sắc: từng vạt nắng trên cao rơi xuống tạo nên khỏang không sâu thẳm trên bầu trời, độ sâu của bầu trời như ở ngọn cót vót. Cách dùng từ sâu gợi không gian bầu trời như mở rộng và đẩy lên cao hơn, sâu hơn, tạo ra không gian thăm thẳm, khôn cùng vô biên của vũ trụ và nỗi buồn của nhà thơ dường như vô tận, mênh mông:
 
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.
 
Dòng sông, bến bãi, đến bầu trời đều rời rạc và được khỏa lấp nỗi buồn của nhà thơ, buồn vì thiếu vắng cuộc sống nên mong tìm về với cuộc sống.
 
Nhưng cảnh càng xuất hiện càng lạc lõng, hờ hững
 
Bèo dạt về đâu hàng nối hàng
Mênh mông không một chuyển đò ngang
Không cầu một chút niềm thân mật
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.

 
Các sự vật được bên nhau: bèo dạt nối hàng, bờ xanh tiếp bãi vàng nhưng tạo ra một thế giới không liên hệ, chia lìa. Trong khung cảnh ấy hồn thơ muốn tìm đến dấu vết của cuộc sống nhưng tất cả đều mênh mông xa vắng được nhấn mạnh bởi hai lần phủ định:
 
Mênh mông không một chuyển dò ngang
Không cầu gợi chút niềm thân mật.

 
Không một con đò, không một chiếc cầu tri âm, không có bóng người hay cái gì gợi đến tình người để mà gặp gỡ giao tiếp. Chỉ có mặt nước mênh mông vắng lặng.
 
Tới ngã ba sóng nước bốn bề,
Nửa chiều gà lạ gáy bên đê
(Em về nhà)

 
Trong cảnh ấy, tình người càng buồn hơn, buồn vì sự thiếu vắng cuộc sống. Nhà thơ đứng ngay giữa quê hương mình mà cảm thấy bơ vơ, trơ trọi nên càng khao khát gắn bó với con người, cuộc sống, với quê hương:
 
Thuyền không giao nối đây qua đó
Vạn thuở chờ mong một cánh buồm

(Đảo)
 
Bài thơ khép lại với cảnh hoàng hôn kì vĩ nơi chân trời xa
 
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ; bóng chiều sa.
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

 
Khung cảnh mở ra với hình ảnh núi bạc được kết tạo bằng mây trắng lấp lánh ánh nắng trời. Tác giả bình: “Mây trắng hết lớp này đến lớp khác như những búp bông trắng nở ra trên trời cao. Ánh chiều trước khi vụt tắt rạng lên vẻ đẹp”. Một vẻ đẹp kì thú, ngời sáng, hùng vĩ. Hình ảnh này gợi nhớ đến một ý thơ dịch từ thơ Đường: “Mặt đất mây đùn cửa ải xa” (Đỗ Phủ) nhưng lại có vẻ đẹp rạng rỡ hơn. Một cánh chim chiều xuất hiện làm cho bức tranh them sinh động, thơ mộng, đẹp đẽ nhưng nhỏ bé, mông lung. Cánh chim nhỏ như bị nắng chiều đè xuống, chỉ nghiêng cánh lá bóng chiều đổ xuống làm cho không gian như có hình khối, trọng lượng và thiên nhiên có vẻ như trĩu nặng nỗi buồn của thi nhân. Cảnh mông lung xa vắng ấy càng gợi thêm lòng thương nhớ quê hương:
 
Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
 

Con sóng lòng nhớ quê của nhà thơ đã tỏa ra nhập vào con sóng nước. Con nước cảm thông đã mang tình quê mênh mang đi sóng nước. Con nước cảm thông đã mang tình quê mênh mang đi về mọi nẻo. Ý thơ cuối mượn từ tứ thơ của Thôi Hiệu đời Đường:
 
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.
(Hoàng Hạc Lâu)

 
Người xưa nhìn khói sóng mà nhớ nhà, còn Huy Cận không cần khói sóng vẫn nhớ quê hương. Vì mối tình ấy luôn khắc khoải trong lòng. Đó là nguyên nhân chính của nỗi buồn trải dài suốt bài thơ. Một con người buồn nhớ quê hương khi đúmg ngay giữa quê hương mình càng thấy bơ vơ tội nghiệp làm sao! Bài thơ kết thúc là cảnh hoàng hôn trên sông nước và mở ra một tình quê bát ngát.
 
Tóm lại, nỗi buồn sông nước, trời mây trong Tràng giang của Huy Cận cũng là nỗi đau cuộc đời, nỗi sầu nhân thế. Nhà thơ gởi gắm vào đó một tấm lòng tha thiết yêu quê hương đất nước, sự nâng niu đối với tiếng Việt.
 
Vì vậy, Xuân Diệu đánh giá: “Tràng giang là một bài thơ ca hát non sông đất nước, do đó dọn đường cho lòng yêu giang san, Tổ quốc”.
 
Bài thơ thể hiện cái buồn chung của một thời đại trong Thơ mới. Nhưng nỗi buồn toát ra từ cái đẹp của thiên nhiên thiếu liên lạc thiếu tình người chứ không phải cái buồn vì cảnh tù túng ngột ngạt trong Nhớ rừng của Thế Lữ.
 
Bài thơ mang phong vị cổ điển ở hình ảnh, giọng điệu nhưng vẫn mang nét đặc sắc của thơ hiện đại ở không gian sắc màu, từ ngữ đến tứ thơ.

Sách giải st

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây