Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Người xưa có cậu: "Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều". Anh chị hãy nói rõ ý kiến của mình về quan niệm trên

Thứ tư - 10/09/2014 13:24
Kiệt tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du có một số phận chìm nổi lênh đênh chẳng khác nào nhân vật chính của truyện - nàng Kiều. Trước khi được thừa nhận với tư cách là kiệt tác truyện Nôm, là “quốc hồn quốc túy” của dân tộc, những tư tưởng tiến bộ trong tác phẩm bị che mờ, ẩn khuất. Đã có những quan niệm phủ nhận, thậm chí lên án tư tường của Truyện Kiều chẳng hạn như câu nói của người xưa: “Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều”. Vậy ta cần hiểu vấn đề này ra sao?
Thực ra, câu nói trên có dạng đầy đủ giống như một câu ca dao:
 
Đàn ông chớ kể Phan Trần 
Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều
 
Tác giả của hai câu trên đã nhìn các nhân vật văn học bằng hệ thống quan niệm khe khắt, khắc nghiệt của đạo Nho.
 
Phan Trần hay Thúy Vân và đặc biệt là Thúy Kiều, họ đều là những người có quan niệm mới mẻ, táo bạo trong tình yêu đôi lứa, trong cách ứng xử thế thái nhân tình.
 
“Đàn bà chớ kế Thúy Vân, Thúy Kiều” bởi trước hết những nhân vật này đã phá vỡ quan niệm phong kiến về tình yêu đôi lứa. Người xưa cho rằng “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Con cái không có quyền chủ động trong tình yêu, hôn nhân. Việc trăm năm đời người do cha mẹ tính kế vuông tròn, dạm hỏi nơi môn đăng hộ đối. Thậm chí có những người phải chấp nhận hôn ước từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Có khi đến lúc động phòng mới biết mặt vợ, mặt chồng... Những cuộc hôn nhân ấy không xuất phát từ tình yêu, họ sống với nhau cả đời chi bởi trách nhiệm và nghĩa vụ. Họ không hạnh phúc. Tình người thiếu nữ dẫu có dạt dào muôn trùng sóng vỗ cũng đành ghìm nén nguyện làm bến, làm bờ lặng im chờ đợi.
 
Thuyền về có nhớ bến chăng 
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền.
 
Có “trót dại” để tình ý lộ ra, người con gái sẽ bị dư luận khép vào tội “lăng loàn”, “dại trai”, “đĩ thõa”...
 
Thúy Kiều thì ngược lại.
 
Sau ngày Tết thanh minh - sau chút “lưu luyến ban đầu” “tình trong như đã mặt ngoài còn e” với chàng Kim, nàng đã ấp ủ trong tim hình bóng chàng trai “vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa này”. Biết chàng ở kề ngay bên nhà, nàng đã có một hành động vô cùng táo bạo, có thể khiến cả hệ thống tư tưởng Nho gia lung lay sụp đổ.
 
Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình.
 
Chỉ xét về mặt thời gian của hành động đã thấy Thầy Kiều “cả gan” thế nào! “vườn khuya”, đêm khuya là thời điểm người ta ít ra ngoài bởi những điều trắc trở. Là nữ giới, lại càng kiêng kỵ hơn. Các nàng ngày ngày chỉ giam mình trong khuê phòng học đàn hát, thêu thùa. Bản thân Kiều cũng vốn “Êm đềm trướng rủ màn che” đấy chứ! Vậy mà đêm hôm nàng dám “một mình” vượt tường sang với Kim Trọng. Nam nam nữ nữ giữa đêm khuya khoắt tất có chuyện ám muội. Cái tư thế, tâm trạng của nàng mới hăm hở, vội vã làm sao “xăm xăm” - “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”. Thực hiện hành động dễ gây mối hiềm nghi như vậy nhưng nàng không chút dè dặt, e lệ. “Xăm xăm” là từ gợi tả dáng đi nhanh liền một mạch nhằm thẳng tới nơi đã định. Trong cái “xăm xăm” của Kiều, ta tưởng như nàng ngoài Kim Trọng ra chẳng còn biết ai nữa!
 
Mối tình Kim - Kiều là mối tình táo bạo, đẹp đẽ hiếm có trong văn học Việt Nam nói riêng và đời sống xã hội nói chung. Đến như Nguyễn Công Trứ đa tình nức tiếng, tám mươi vẫn tuyển những nàng hầu mười tám đôi mươi còn muốn gọi hồn Nguyễn Du đòi nọc ra đánh vì: sao nàng Kiều của Tố Như “bạo gan” đến thế! Và dĩ nhiên, xã hội phong kiến với những định kiến cổ hủ về quyền yêu, quyền sống con người sao có thế chấp nhận một người thiếu nữ khát khao tình yêu rất thành thực với mình như vậy?
 
Người ta e dè Thúy Kiều còn bởi họ đã gán cho nàng một cái oanh danh: tà dâm. Có điều đó bởi trong mười lăm năm lưu lạc, Kiều đã phải chịu số “Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”. Tức là kiếp gái lầu xanh “Thân sao bướm chán ong chường bấy thân”. Trong suy nghĩ thiển cận của lớp nhà nho hủ lậu, họ cho rằng Thúy Kiều hiện thân cổ vũ cho lối sống buông thả, lăng loàn, đĩ thõa - lối sống của gái lầu xanh “lấy đêm làm ngày, lấy ngày làm đêm”.
 
Băng qua thăng trầm của thời gian, ngụp lặn vẫy vùng trong đầm lầy của định kiến, cho đến ngày nay Truyện Kiều vẫn rực rỡ như một kiệt tác lớn nhất của văn học Việt Nam. Điều đó khẳng định: “Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều” chỉ là cái nhìn một chiều, phiến diện, hẹp hòi, ích kỷ.
 
Thật vậy, tình yêu là thứ tình cảm cao quý thiêng liêng, nó thuộc về tất cả mọi người, không là đặc quyền của riêng tầng lớp, giai cấp, giới tính nào. Tình yêu cũng đến (và đi) tự nhiên như gió và nắng vậy, chẳng ai có thể ngăn cản hay cưỡng ép. Con người ai ai cũng biết yêu (không yêu sao có thể gọi là người?) chỉ có điều có ai dám nói ra điều đó hay không. Và Thúy Kiều đã dám thể hiện thành thực với lòng mình, nàng làm điều đó một cách chân thành cảm động! ở đặc điếm này của nhân vật, ngòi bút Nguyễn Du đã thể hiện giá trị nhân bản sâu sắc của mình.
 
Nhưng ta cần hiểu thêm rằng tình yêu của Thúy Kiều dành cho Kim Trọng trong sáng, son sắt thủy chung đến vô ngần. Hiểu được điều này để ta trân trọng tình yêu của nàng hơn. Kiều không phải như ai “tường đông ong bướm”. Nàng thành thực, sôi nồi trong bày tỏ lòng yêu song cũng biết giới hạn, giữ gìn tiết hạnh. Khi Kim Trọng:
 
Sóng tình dường đã xiêu xiêu 
Xem trong âu yếm có chiều lả lơi.

Thấy Kiều đã nhẹ nhàng nhắc nhở “Thưa rằng đừng lấy làm chơi”. Tình yêu em dành cho chàng là tình cảm thật lòng, sâu sắc không phải là thứ tình thoảng qua chơi bời buông thả. Bởi vậy:

Đã cho vào bậc bố kinh 
Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu.
 
Còn như:
 
Ra tuồng trên bộc dưới đâu 
Thì con người ấy ai cầu mà chi.
 
Sau câu nói này của Kiều, liệu còn ai dám coi thường nàng. Và Kim Trọng lại càng thêm “say vì sắc” “trọng vì tình” Kiều hơn. Mối tình đầu say mê trinh trắng ấy, nàng đã mang theo suốt quãng đời mười lăm năm chìm nổi. Phiêu dạt chân trời góc bể có khi nào Kiều dám lãng quên? Bán mình chuộc cha, nàng ngất lịm đi khi nghĩ về chàng Kim:
 
Ôi Kim Lang! Hỡi Kim Lang 
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây.
 
“Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân” bẽ bàng, người đầu tiên Kiều nhớ đến cùng là Kim Trọng: “Tấm son gột rửa bao giờ cho phai”.
 
Tình yêu nơi Thúy Kiều là thứ tình cảm chân chính mãnh liệt, là niềm mơ ước ngưỡng vọng của muôn vàn thế hệ.
 
Chẳng những vậy, nỗi bất hạnh “Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần” của Kiều chỉ càng làm thắm thêm chữ hiếu, chữ trinh. Nhắc đến đây, tôi nhớ đến câu nói của một bà mẹ: “Nước Nam khổ nhất con Kiều”. Sự thực, người Việt Nam đã coi Kiều là một hình ảnh sống, sinh động chân thực. Và hơn hết đã dành cho con người ấy một tình thương bao la.
 
Không thương sao được, và có lẽ còn hơn cả lòng thương là sự cảm phục. Sở dĩ Kiều phải nhục nhã ê chề đến thế vì nàng nghĩ đến cha mẹ, hai em. Nàng bán mình chuộc cha để giữ yên ấm cho gia đình. Vậy căn nguyên của nỗi đau trinh tiết chính là chữ hiếu cảm động nơi Kiều. Mặt khác, dẫu dấn thân vào chốn bùn lầy, nàng cũng khổ đau lắm chứ. Nàng tự thấy mình nhơ bẩn, tự hổ thẹn với chính mình:
 
Mặt sao dày gió dạn sương 
Thân sao bướm chán ong chường bấy thân;
Bẽ bàng mây sớm đèn khuya.
Nàng cũng đâu lấy đó làm vui thú gì cho cam:
Mặc người mưa sở mây Tần 
Riêng mình nào có biết xuân là gì.
 
Rồi không chịu nổi nhục nhã, điều tất yếu đã đến: Kiều tự giải thoát mình. Không trốn khỏi được lầu xanh, nàng liều mình tự sát...
 
Có thể nói, Thúy Kiều là một hình tượng văn học gây nhiều tranh cãi, là chủ đề bàn luận về sự xấu - đẹp ở đời. Gạt đi những khói sương còn che mờ đâu đó, Thúy Kiều tiêu biểu cho vẻ đẹp cũng như nỗi bất hạnh của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội Việt Nam. Qua Thúy Kiều, Nguyễn Du đã gửi gắm nhiều tư tưởng tiến bộ mang ý nghĩa nhân văn sâu đậm.
 
“Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều” - một câu ca mang ý nghĩa phủ nhận nhưng nó càng khiến người đọc tò mò, am hiểu. Qua đó ta hiểu và khẳng định giá trị của nhân vật, của tác phẩm và trân trọng tài năng của tác giả hơn nữa.

Sách giải st

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây