Đặt chân xuống quê ngoại em ngỡ ngàng, thanh bình và yên tĩnh quá, mở ra trước mắt em là cánh đồng lúa xanh mơn mởn, bao la típ tắp. Em nhắm mắt hít một hơi thật sâu hương lúa thơm dịu nhẹ, không khí trong lành mát mẻ. Từ ga tàu về nhà non một cây số, cả nhà em quyết định đi bộ để ngắm cảnh quê hương. Những ngôi nhà ở đây không cao như ở thành phố, nằm lẩn khuất dưới những bóng cây. Thỉnh thoảng một vài chú chó con thấy người lạ đi qua ngóc mõm lên: Gâu! Gâu! vài tiếng. Mấy bà cụ già thấy mẹ con em đi qua cất tiếng hỏi: “Mẹ con nhà Thu về ngoại chơi đấy à? Gớm lâu quá rồi, mới thấy mẹ con mày!”.
Em thầm nghĩ mọi người ở đây thật cởi mở, nồng hậu đáng yêu đến thế.
Đi thêm một lúc trước mặt em là một dòng sông hiền hòa êm ả. Trời! Dòng sông sao đẹp đến thế, xanh đến kì lạ, màu nước mà em chưa hề thấy ở bất kì con sông nào của Sài Gòn. Thấy em đứng tần ngần, mẹ giải thích, những dòng sông ở miền Trung thường không đục, và đỏ như những con sông ở hai miền Nam và miền Bắc, vì dải đất miền Trung hẹp, sông ngắn ít phù sa, vì vậy những cánh đồng hai bên bờ sông thường ít màu mỡ. Người dân miền Trung vì thế mà cũng nghèo hơn các vùng khác. Nhưng bù lại những dòng sông ở miền Trung rất đẹp bởi màu nước trong xanh quyến rũ đến nao lòng người. Mẹ đọc cho em nghe câu thơ của một nhà thơ quê xứ Nghệ:
Dẫu bao năm tháng không về lại
Vẫn còn thăm thẳm nước sông La.
Em ngắm nhìn những con đò nhỏ xuôi trên dòng sông, từ từ chậm rãi, mặt sông gợn sóng lăn tăn, phía bãi xa có một đám trẻ đang đùa giỡn, té nước trắng xóa lên nhau, cười nói ầm ĩ. Cả nhà tiếp tục cuộc hành trình. Dòng sông đã lùi lại phía sau lưng, em bỗng nghe câu hát của người chèo đò từ mặt sông cất lên:
Ai có biết nước sông La răng là trong là đục
Thì mới biết sống cuộc đời răng là nhục là vinh.
Vâng đúng thế! Em sẽ cố gắng sống thật xứng đáng, ơi dòng sông quê ngoại thân thương. Em sẽ còn trở lại nhiều lần nữa.