Để đi học, nhiều người phải đi bộ trên những quãng đường dài, phải băng rừng, lội suối, leo đồi, phải đi trong mưa nắng, trong giá rét như: học sinh ở xã miền núi Trọng Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) phải bơi lội qua sông đi học, hay các em học sinh ở xã An Trung - huyện Kông Chro (Gia Lai) phải chen chúc nhau trên con thuyền cũ kỹ để qua con sông Cả đang cuồn cuộn chảy… Để việc học có hiệu quả, người ta phải đầu tư nhiều thời giờ, sức lực, tiền của và nỗ lực hết mình tập trung chú ý vào học tập, rèn luyện. Thêm vào đó, người học còn phải đọc thêm sách tham khảo, nghiên cứu tìm tòi, hỏi han thầy cô bạn bè, phải làm bài, học bài, phải thi cử. Học sinh nôn nao tới trường, tân sinh viên bỡ ngỡ đi nhập học, có những người đi làm thuê, cuốc mướn, đôi lúc phải bán những đồ dùng tối thiểu để lo học phí cho con nhập học: Câu hỏi đặt ra “sự học là gì mà làm cho con người tất bật đến vậy?”
Học là trau dồi kiến thức, tiếp thu cái hay, mới, tiến bộ sáng tạo của nhân loại... là nâng cao khả năng chuyên môn, các kĩ năng, kĩ xảo,… đồng thời hoàn thiện nhân cách bản thân. Trước hết: chúng ta “học để biết”, để nhận thức được đúng, sai, tốt, xấu, hiểu rõ được các vấn đề. Điều quan trọng hơn: sau khi hiểu, ta phải “làm”, phải vận dụng những gì đã học được vào thực tiễn đời sống. Mặt khác chúng ta “học để chung sống” để tạo dựng các mối quan hệ giữa người với người được hòa thuận, tốt đẹp, đầm ấm hơn nhờ tiếp thu những qui tắc giao tiếp, cách ứng xử và sự tinh tế, nhạy bén trong từng nền văn hóa. Hơn thế nữa, chúng ta còn “học để tự khẳng định mình”, để chứng tỏ bản thân mình học là vì mục đích rõ ràng với ý chí phấn đấu nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm đạt được mục tiêu đó. Bởi thế, UNESCO đã đề xướng mục đích học tập: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”.
Ngạn ngữ xưa có câu:
“Ngọc bất trác, bất thành khí,
Nhân bất học, bất tri lý.”
“Ngọc bất trác bất thành khí” có nghĩa là viên ngọc, đá quý... nếu không được mài giũa, đẽo gọt thì không thể làm cho nó thể hiện được vẻ đẹp và giá trị của nó. “Nhân bất học bất tri lí” có nghĩa là nếu con người không được học hành đầy đủ (học cả ở trường lớp và trường đời) thì không biết đến những lí luận, hiểu biết... về mọi sự vật hiện tượng được. Do vậy, sự học không bao giờ là thừa vì kiến thức như đường chân trời, càng đi càng thấy rộng.
Học hành có tầm quan trọng rất lớn đối với cuộc đời của mỗi con người. Người xưa đã nhắc nhở con cháu rằng : “Nếu còn trẻ mà không chịu học hành thì khi lớn lên sẽ chẳng thể làm được việc gì có ích”. Bên cạnh đó còn có những câu :“Có học thì như lúa như nếp, không học thì như rơm như cỏ”. Hay: “Dao có mài mới sắc, người có học mới nên”.
Nói đến học là nói đến trí lực, một năng lực suy nghĩ, một trực quan nhạy bén, một tư duy hợp lí. Điều ấy hết sức cần thiết cho tất cả mọi người.
“Một kho vàng không bằng một nang chữ”
Do vậy, chúng ta không được coi nhẹ việc học.
“Nếu không có học hành đến nơi đến chốn thì lớn lên, chúng ta sẽ chẳng làm được việc gì có ích”.
“Người mà không học khác gì mò mẫm trong đêm”.
Ngay từ lúc nhỏ, bất kì ai cũng phải được học hành. Có học, có khôn. Học không chỉ là quá trình rèn luyện tri thức mà còn là quá trình rèn luyện tình cảm và đạo đức. Do vậy, chúng ta phải xác định được “học với ai?” – học từ gia đình, từ nhà trường, từ xã hội… “học như thế nào?”, “học để làm gì?”,…
Nhưng bên cạnh đó vẫn còn có những người học với mục đích đối phó, qua loa cho có. Do vậy mà họ nắm kiến thức một cách hời hợt, không sâu không chắc. Những dạng người này cho dù có đạt được thành tích cao trong học tập thì cũng rất khó thành công một cách bền vững cho sau này được. Thật ra “Văn bằng chứng tỏ bạn đã thông minh trong một giai đoạn nào đó, đặc biệt lúc đi thi. Nếu sự học của bạn đứng ngang đó, dù một đóng văn bằng cũng không bảo đảm sự thông minh của bạn.”
Tóm lại mỗi người trong chúng ta cần ý thức rõ việc học tập, xác định mục tiêu cụ thể, đúng đắn cho bản thân và nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm đạt được mục tiêu để tạo lập cho bản thân sự tự tin bản lĩnh mạnh mẽ về năng lực của bản thân, rèn luyện đạo đức và hoàn thiện nhân cách cao đẹp. Một viên ngọc dù có quý giá nhưng không mài giũa thì không trở thành một dụng cụ tốt, người không học thì không biết đạo nghĩa ở đời.