Thật vậy, trong mỗi con người sinh ra và lớn lên đều có hai yêu cầu cấp thiết và cao cả nhất đó là có cả tài lẫn đức, có cả khôn lẫn khéo. Khôn mà không khéo là khôn ranh, khéo mào không khôn là khéo dại. Do đó để cho con có được cả khôn và khéo một cách toàn diện thì trách nhiệm hàng đầu thuộc về cha, về mẹ.
Người mẹ với tứ đức “Công - Dung - Ngôn - Hạnh” chịu thương, chịu khó, tần tảo nuôi con sẽ dạy cho con biết những điều hay lẽ phải, biết yêu thương, biết lễ phép với mọi người. Mặt khác, với đức tính khiêm nhường, lòng vị tha và sự hy sinh sâu sắc - người mẹ truyền dạy cho con sự nhẫn nhịn “một điều nhịn, chín điều lành”, sự khéo léo và làm tròn bổn phận của mình trong cuộc sống. Người ta thường nói: “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ”, “tốt” chứ không phải là chiều con đến mức “muốn gì được nấy” nhé!.
Người cha với phẩm chất “Trung - Hiếu” tháo vát, cần cù, anh dũng là chỗ dựa vững chắc cho con trên bước đường đời đầy chông gai, gian khổ. Người cha sẽ dạy cho con hiểu được điều đúng đắn, chân thành, vượt qua khó khăn, thử thách. Với sự mạnh mẽ, cứng rắn của người cha sẽ dạy cho con có được niềm tin, sự vững vàng, tin cậy. Hơn nữa, người cha với trách nhiệm gia đình lớn lao, phải bươn chải vì cuộc sống, vì gia đình với nhiều mối quan hệ ngoài xã hội sẽ truyền đạt cho con những kinh nghiệm quý báu, giúp cho con hiểu ra nhiều điều, qua đó giúp con khôn lớn nên người. “Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha” là vì thế.
Con cái có được sự giáo dục đầy đủ, đúng cách của cha mẹ là một điều tốt đẹp, hạnh phúc nhất. Ngược lại nếu cha mẹ dạy dỗ không đúng cách, cha đánh thì mẹ bênh, mẹ mắng thì cha che hoặc cha mẹ thường xuyên cãi nhau thì con cái nhất định sẽ hư hỏng, lớn lên chẳng có tiền đồ mà còn là gánh nặng cho xã hội. Các bậc làm cha mẹ nên nhớ rằng: Trẻ con học theo rất nhanh, điều hư dễ nhớ điều hay thì mau quên.
Cha mẹ ngoảnh đi thì con dại .
Cha mẹ ngoảnh lại thì con khôn
Trẻ con thường sợ cha hơn sợ mẹ:
Mẹ đánh một trăm
Không bằng cha hăm một tiếng
Cha mẹ phải làm điều đúng đắn, gương mẫu, là tấm gương tốt cho con noi theo. Dân gian thường nói: “Rau nào, sâu nấy” hay “Cha nào con nấy” để ám chỉ rằng: Cha hư thì con hỏng. Nếu cha mẹ không nghiêm túc, con cái ắt hẳn chẳng đàng hoàng:
Nếu mình hiếu thuận mẹ cha,
chắc con cũng hiếu với ta khác gì;
Nếu mình ăn ở vô nghì,
đừng mong con hiếu làm gì uổng công.
Trẻ con phải được giáo dục từ nhỏ: “Dạy con từ thuở còn thơ” mà khi trẻ còn nhỏ thì cha mẹ là người gần gũi nhất. Do đó trách nhiệm giáo dục con cái là ở cha mẹ. Đừng bao giờ nghĩ rằng: “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, bởi sinh con ra mà không giáo dục thì đúng là “trời sinh tính” thật.
Nhưng cũng có một số trường hợp ngoại lệ: Trẻ mồ côi không cha, không mẹ vẫn khôn khéo hơn người, có khi còn hơn những người được giáo dục bài bản từ gia đình. Bởi lẽ một số người khi đã nhận thức được tầm quan trọng của việc học, cộng với nghị lực phi thường và sự nỗ lực không mệt mỏi của bản thân thì thành công, sự khôn khéo đến với họ là tất nhiên. Nói thế không phải là để giảm nhẹ hoặc loại bỏ đi sự quan trọng bậc nhất của cha mẹ trong việc giáo dục con cái. Vì đó chỉ là một số ít hiếm hoi, còn đại đa số đều là gánh nặng, nhức nhối của xã hội. Nếu con cái có được diễm phúc, được sự yêu thương, dạy dỗ đúng đắn, phù hợp của gia đình thì thật là quý lắm thay.