Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Đã có lần em cùng gia đình đi thăm mộ người thân trong dịp lễ tết. Hãy viết bài văn kể về buổi đi thăm đáng nhớ đó (Bài 4)

Thứ bảy - 04/10/2014 10:48
Xuân đã về. Tiết xuân bao trùm cả đất trời. Nắng xuân nhẹ dịu trải trên đất, vương lên cành cây kẻ lá, rồi lắc rắc trên tay và mặt người, có lẽ vì thế mà vào buổi chiều ba mươi Tết thế này, tại nghĩa trang, có thể là nơi cuối cùng còn lại lưu tiết lạnh của mùa đông, con người tự nhiên thấy ấm hẳn lên. Cũng có thể thứ mang lại cho người ta cái hơi ấm nóng ấy không phái là thứ gì khác mà chính là hai chữ sum họp. Và tôi cũng như vậy.
Nhắc tới chữ “sum họp”, chắc hẳn có hàng trăm, hàng vạn người nghĩ đến cảnh gặp gỡ đầy xúc động giữa mọi người sau thời gian dài xa cách. “Sum họp” của tôi cũng vậy. Nó chỉ đặc biệt ở mỗi chuyện là giữa người sống và người đã mất. Sẽ có những người cho là tôi bất thường khi dùng từ “sum họp" giữa hai người mà ta thường nói là ở hai thế giới khác nhau. Nhưng thực sự chỉ có những người ở đây, ngay lúc này mới có thể hiểu hết cảm giác hạnh phúc, xen lẫn trong đó là một chút xót xa, ngậm ngùi mà nếu không nén lại, người ta có thể bật khóc bất kì lúc nào. Đó chính là cảm giác được gặp lại người thản đã quá cố, cảm giác tưởng như gần ngay trước mắt nhưng thực chất lại rất xa, không thể nào kéo về được. Tất cả đều là những cảm giác lâng lâng trong người của những kẻ “tha hương” - như tôi đây. Khi mình gặp những người mà mãi sau chúng ta chẳng bao giờ gặp lại nữa. Chẳng bao giờ! Bây giờ là chiều ba mươi Tết và tôi đang thăm mộ ông ngoại.
 
Tôi - kẻ “tha hương cầu thực”, có thể lắm chứ - đang đi vào nghĩa trang mà nói thật tôi chưa bao giờ đặt chân tới và cùng không bao giờ nghĩ đến việc mình sẽ tới đây. Dù điều đó chỉ là chuyện sớm muộn. Nói là xuân chứ tiết trời lúc ấy cũng “lạnh, rét buốt”. Không nhầm rồi, trời chỉ hơi lạnh thôi, chỉ có tim tôi mới rét buốt. Nhưng thực ra, trong nghĩa trang chẳng lạnh chút nào cả, theo đúng nghĩa. Có lẽ nhờ những làn khói bốc ra từ mấy bó nhang đang nghi ngút cháy hay vì những bãi đốt giấy tiền, vàng bạc, hay tại tự tấp nập, nhộn nhịp của con người. Người thì ra, người thì vào, kẻ đốt nhang, kẻ đốt giấy tiền, vàng bạc. Không khí tại nghĩa trang lúc này cũng thật ấm cúng. Tôi rảo bước nhẹ nhàng qua từng ngôi mộ, từng dòng hiện ra trước mắt, nào là người chết trẻ, kẻ sống thọ. Những ngôi mộ thì cũng chả cái nào giống cái nào. Cái thì khang trang, cái thì cũ kĩ, cái thì sạch sẽ nhưng cũng có những cái như đã bị bỏ hoang từ lâu. Lướt qua dãy mộ mà tưởng như có cả thước phim dài về những cảnh đời của những con người tôi chưa một lần quen biết chạy qua, cho tôi những suy nghĩ, cảm xúc lẫn lộn, khó tả. Bước qua một ngôi mộ còn mới, chắc là mới chôn cất. Xung quanh nấm đất nổi lên đó, phủ đầy những vòng hoa tưởng niệm “chia buồn cùng gia quyến”. Cắm lên đó là đầy nhang mới đốt, tỏa khói hương nghi ngút. Bên cạnh, một người phụ nữ đầu đội khăn tang, ngồi lặng thinh, cúi gầm mặt xuống, nấc lên từng tiếng nghe nghẹn ngào. Tự nhiên mắt tôi cay xè. Có lẽ là do khói. Nhưng có thể một lí do xa xôi nào đó, mà bản thân tôi cũng không hiểu được. Lòng tôi có một chút gì đó nặng trĩu, khó tả. Tôi bước nhanh qua, thật nhanh.
 
Theo sự chỉ dẫn, tôi đã tìm được đến mộ ông ngoại. Một ngôi mộ mới xây khá đẹp, xung quanh là những viên gạch men màu hồng đen, sáng loáng. Bên trong là chiếc lư bằng đá và tấm bia làm bằng đá mài in tên ông ngoại. Nhìn đến đó cổ tôi nghẹn đắng lại. Cả thân mình như cố dùng một sức mạnh vô hình, ghì lại một cái gì đó đang tuôn ra. Phía trên dòng chữ là một bức ảnh ông ngoại mà nếu tôi nhớ không nhầm chính là hình của ngoại chụp trong đám cưới của cậu tôi. Giờ nó đang được gắn trên mộ. Trong hình, ngoại đang cười. Đối với tôi, đó là một nụ cười dịu hiền và quý giá biết nhường nào bởi một điều sẽ chẳng bao giờ tôi được thấy nụ cười ấy, nghe được tiếng cười ấy một lần nữa. Không bao giờ! Đời là thế, con người luôn không biết quý những gì mình đang có, chỉ khi mất đi họ mới thấy hết giá trị của những điều đó. Câu đó thật quen. Có lẽ là tôi đã nghe, đã nghiền ngẫm, đã nếm trải không biết bao nhiêu lần rồi. Vậy mà giờ đây sự tiếc nuối đang ngập tràn trong tôi. Nếu như khi ấy tôi không quyết định đi học xa, cố lẽ tôi đã được ở bên ngoại lâu hơn, ít ra thì cũng được ở bên ngoại khi ngoại trút hơi thở cuối cùng. Để rồi giờ đây không mang trong lòng cảm giác một đứa cháu bất hiếu vì cái lợi danh mà ngay cả lần cuối cùng ở bên ông cũng sẵn sàng đánh đổi.
 
Thuở nhỏ, người thương tôi nhất nhà có lẽ là ông ngoại. Ông cho tôi ăn, chở tôi đi học, chơi với tôi những lúc ba mẹ đi vắng, mua cho tôi những hộp bút chì màu,... Ông là người chia sẽ, tâm sự với tôi khi tôi gặp những vướng mắc, khó khăn, ông luôn là người giúp đỡ tôi mỗi khi tôi gục ngã, cho tôi sức mạnh để vươn lên, để sống tốt đẹp hơn. Vậy mà, kể từ khi ông mất, đây là lần đầu tiên tôi đến thăm mộ ông. Mọi người thì cho đó là do hoàn cảnh đưa đẩy. Nhưng tự sâu trong đáy lòng của tôi, tôi chẳng muốn đỗ lỗi cho hoàn cảnh của bản thân. Tại sao lại phải đổ lỗi cho hoàn cảnh chứ, trong khi mọi việc đều do mình lựa chọn và quyết định. Tại sao tôi lại lựa chọn đi học xa trong khi tôi hoàn toàn có thể ở lại một năm để ở bên ông những ngày cuối đời. Tất cả đều do bản thân tôi, một đứa cháu bất hiếu. Nào có khó khăn gì đâu để từ bỏ một năm học bên xứ người để đổi lấy những ngày quý giá bên ông. Vậy mà tôi đã không làm như vậy, để rồi giờ đây đứng trước ngôi mộ của người ông đã qưá cố bao nhiêu hối hận, cảm giác tội lỗi vây kín trong tim tôi rồi bung ra quấn toàn thân tôi. Tôi đứng đó lặng đi thật lâu, thật lâu.
 
Nắng chiều đã tắt, người cũng dần thưa thớt. Bó nhang trên mộ ông đã cháy được phân nửa, tỏa làn khói nóng bay vút lên trời. Xa xa, những làn khói trắng tan lơ mơ vào không khí. Tự nhiên tôi nghiệm ra một điều “nhang là sự chuộc lỗi vô vọng của nhừng người còn sống đối với người đã mất”. Chẳng biết nó đúng không, nhưng đối với tôi nó đang thực sự là như vậy. “Vô vọng”, đúng vậy, thật vô vọng! Sẽ chẳng bao giờ làm được những điều đã qua. Tự nhiên tôi ước có được cỗ máy thời gian như trong nhừng bộ phim viễn tưởng. Máy thời gian là tưởng tượng những ước mơ thời gian trở lại thì chẳng bao giờ là ảo ảnh cả. Đó là ước mơ không chỉ của riêng tôi mà là của rất nhiều người trên thế gian, những người đã từng lầm lỡ một điều gì đó trong quá khứ. Ngồi bên mộ ông, bất giác tôi cúi thấp người xuống ôm lấy ngôi mộ như ôm lấy người ông đã quá cố của mình. Hơi ấm phả ra từ đất hệt như hơi ấm trong lòng ông. Tôi ngồi như vậy rất lâu.
 
Đâu đó chợt cất lên tiếng hát:
Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để rồi đây tôi trở về là cát bụi.

Bài hát tôi đã nghe rất nhiều lần nhưng có lẽ lần này là lần hay nhất. Một giọng nói trong tôi cất lên: “Bây giờ thì con không muốn đi nữa đâu, ngoại ơi!”

Trương Châu Thi

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây