Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Cảm nhận về bài thơ Tràng Giang của Huy Cận

Thứ năm - 27/06/2024 10:33
Tràng giang có nhiều chữ: thuyền, đò, sông, bãi, mây, núi, chim... nhưng những chữ ấy không dùng để tả. Nếu tả, thì bài thơ xoàng: "Con thuyền xuôi mái nước song song" là câu khẩu ngữ, "Củi một cành khô lạc mấy dòng" là câu kể, "Nắng xuống trời lên sâu chót vót", "Lớp lớp mây cao đùn núi bạc" là câu liệt kê. Tả gì lại chung chung thế? Phải chạm khắc tỉ mỉ như Chợ tết của Đoàn Văn Cừ mới gọi là tả.
Tuy vậy, Tràng giang vẫn có cảnh. Chỉ hiềm cảnh ấy tác giả thu vào máy ảnh, chứ không vẽ bằng màu sắc của hội họa. Vậy cảnh trong bức ảnh "chiều trên sông" (tạm đặt thế) có độc đáo không? Tôi thấy không. Bạn bè Huy Cận đã khối người viết như vậy. Thế Lữ: "Mây hồng ngừng lại sau đèo. Mình cây nắng nhuộm, bóng chiều không đi" (Tiếng sáo Thiên Thai), Xuân Diệu: "Mà ánh sáng mờ dần cùng bóng tối - Gió lướt thướt kéo mình qua cỏ rối" (Tương tư chiều), Thâm Tâm: "Bóng chiều không thắm, không vàng vọt" (Tống biệt hành)... Rõ ràng, mục đích nào sẽ nảy ra chủ ý ấy, Tràng giang đâu nhằm tả cảnh, cảnh chỉ là nền để trên đó thi sĩ giãi bày chuyện khác. Và do vậy nếu có "bức tranh thiên nhiên" nào đó trong Tràng giang thật, thì cũng chẳng phải cái ta cần tìm.
 
Hãy xem lại bài thơ viết gì?
 
Câu đầu, hai chữ "điệp điệp" ứng với "sóng gợn" nói mức độ buồn. Sóng không xô, không đập, không dữ dội, chỉ nhẹ nhàng trồi lên thành làn nhỏ lăn tăn mặt sông... tạo nên cảm giác u uất khiến nỗi buồn trĩu nặng hơn trong lòng người. Khi con thuyền xuất hiện "xuôi mái nước song song" ta tưởng sắp có cớ để đẩy nỗi buồn ra khỏi mình. Nhưng, phút chốc thuyền biến mất, nỗi tuyệt vọng chen vào, và thình lình mối "sầu trăm ngả" của nước xô dạt "cành củi khô". Các bạn thấy đó, câu thơ đầu vừa nói "sóng gợn", câu thứ tư đã nói: "Củi một cành khô lạc mấy dòng", thì ra đâu phải trời yên bể lặng! Nỗi buồn từ dìu dịu, bỗng sôi lên vật vã dày vò một trái tim đang ứa máu.
 
Sang đoạn sau, cảnh sắc hoang sơ, không khí nhuộm màu ảm đạm. Gió, cồn, bãi, trời, mây... lồ lộ ra, mà tất cả mờ mờ, ảo ảo, mắt nhìn lúc rõ, lúc nhoè, lúc thấy, lúc mất. Một câu than thở thật não nuột: "Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều" như người viết cố sức kéo giữ cái sắp sửa tuột khỏi tay mình. Nắng và trời ngược chiều nhau, "xuống" hay "lên" cũng sẽ sớm kết thúc. Thành ra, trời thật, nắng thật, mà xem chừng thiếu sáng! Không gian dài thật, rộng thật mà sừng sững chắn ngang mắt ta như một bức tượng.
 
Đoạn ba, mở đầu là câu hỏi: "Bèo dạt về đâu hàng nối hàng" gây cho người đọc liên tưởng đến một thân phận hèn hạ. Tiếp, lời của sông sâu hun hút. Nỗi tủi từ từ dâng lên hòa trộn vào nỗi buồn thành dòng chảy xiết giữa lòng người. Rồi: "Không cầu gợi chút niềm thân mật" tưởng như bất cần mà rõ ai oán. Hình ảnh của người vừa kêu câu đó hiện lên dáng vẻ của chàng hiệp sĩ: "Múa gươm rượu tiễn chưa tàn, chỉ ngang ngọn giáo vào ngàn hang beo", nhưng lời nói lại là lời nói của kẻ đang bần thần trước cái bóng dưới bàn chân mình. Thôi, đành kệ nó, "lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng", cái gì đang có, cứ để nó có, thúc thủ vậy!
 
Đoạn kết, thấy rõ mồn một mây, núi, sông, núi, mây nằm gọn trong "cánh chim nghiêng". Không gian chùng xuống. Màu sáng của mây núi mất dần. Hoàng hôn đen hiển hiện giống cái miệng con thuỷ quái lởm chởm rặng nhọn nhe đợi vật tế thần. Lòng quê chợt thổn thức kéo theo nỗi "nhớ nhà" khắc khoải. Nhưng dù thế nào chăng nữa, nỗi nhớ ấy cũng chỉ như cái phao đang xì hơi trên dòng nước cuồn cuộn chảy:
 
Lòng quê dờn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
 
Tràng giang đã hay, nhưng rất tiếc chưa hay trọn vẹn. Rõ nhất là ý tứ lộ quá. Lí Bạch nói vợ nhớ chồng trong Xuân tứ: "Xuân phong bất tương thức - Hà sự nhập la vi" (Gió xuân chẳng quen nhau, việc chi lọt vào màn the) nghe tưởng vu vơ, mà buồn nẫu ruột. Tản Đà viết: "Nước non nặng một lời thề - Nước đi đi mãi không về cùng non", chữ nào cũng nặng lòng trắc ẩn. Đằng này, ta gặp khá nhiều trong Tràng giang các từ ngữ: "buồn điệp điệp, sầu trăm ngả, sâu chót vót, bến cô liêu, lòng quê, nhớ nhà", buồn, nhớ mà nói trắng ra như vậy, còn đâu là buồn, nhớ? Thơ tình càng kín, càng hay kia mà. Thứ nữa là nhiều chữ bị tác giả lặp đi lặp lại, không phải vì ý đồ nghệ thuật gì (như: con thuyền, đâu, không, nước, về, một, trời,...) làm câu thơ lủng củng - trong khi ấy chúng có từ đồng (gần) nghĩa là thay thế. Những "vết xước" trên vô hình trung làm bài thơ "mười phần xuân có gầy ba bốn phần" thật.
 
Trước Tràng giang, Đường thi đã có Đăng U Châu đài ca (Trần Tử Ngang) và Hoàng Hạc lâu (Thôi Hiệu), vì vậy ý tứ của Tràng Giang không lạ. Song, dù có vì vậy, Tràng giang vẫn là bài thơ được nhiều thế hệ người Việt Nam yêu thích.

Sách giải st

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây