Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Cảm nghĩ về người thân: Ông nội em (Bài 2)

Thứ tư - 19/11/2014 09:30
Thế mà đã hai năm kể từ ngày ông ra đi, nhanh thật. Thời gian không thể xóa đi kỹ niệm về ông, về tình yêu ông dành cho cháu, những ngày tháng tươi đẹp khi mà cháu còn chưa mất ông nhưng nó cũng đã xóa đi phần nào nỗi đau, nỗi nhớ và lòng xót xa của cháu. Ông đã ra đi thật nhẹ nhàng và thanh thản, tưởng như chỉ là một giấc mơ, nhưng nào có phải và nỗi đau lại quặn thắt trong lòng...
 
Nhưng thôi, khi nhắc về ông, không nên nói đến những nỗi buồn, bởi nhắc đến ông là nhắc đến một tấm gương sáng ngời về nghị lực, ý chí vượt lên trên khó khăn, và thêm vào đó là một tài năng và những phẩm chất tuyệt vời. Cuộc đời ông luôn gặp nhiều khó khăn, bất trắc, nhiều trở ngại nhưng không gì có thể ngăn cản ông vượt lên.
 
Lên bốn tuổi cái tuổi mà con người ta mới bập bẹ tập nói, lững chững tập đi, ông đã không còn bố nữa. Vài năm sau, mẹ ông cũng ra đi và nằm lại nơi nào ông cũng không biết. Người ta nói:
 
“Mồ côi cha ăn cơm với cá
Mồ côi má lót lá mà nằm”
 
Thế mà chỉ mười năm đầu đời, ông đã không còn cả cha lẫn mẹ. Đau khổ là thế, nhưng đến năm 20 tuổi ông vẫn là một trong những học sinh xuất sắc nhất của thành phố Huế. Hoạt động cách mạng, bị giặc bắt, tra tấn dã man, hành hạ đánh đập tàn bạo để đến mấy chục năm sau ông vẫn chịu di chứng: Đó là căn bệnh suyễn. Và chắc chắn rằng nếu không có những trận đòn tra ác nghiệt ấy thì đến hôm nay, lúc cháu đang viết những dòng chữ này, có thể ông vẫn đang ngồi bên và cười với cháu, một nụ cười chất phác, hiền hậu mà cháu đã mất... Giữ vững những phẩm chất của một Đảng viên Cách mạng, ông được ra tù, thế nhưng không những không được đền đáp mà ông còn bi nghi ngờ, bị coi là có lí lịch không rõ ràng. Bất công đến như thế nhưng ông vẫn sống, sống cho đời, làm việc cho đất nước và đã khẳng định được mình, ông làm nghề nhà giáo, trở thành Hiệu trưởng của trường Đại học sư phạm Huế và những học trò của ông nay không thiếu những người thành, trở thành hiệu trưởng này thứ trưởng kia. Ông không chỉ là tình yêu, là người ông mà còn là niềm tự hào lớn lao của cháu.
 
Còn nhớ khi cháu mới bốn, năm tuổi gặp bạn bè cháu khoe rằng: Tao không biết ba tao làm nghề gì, nhưng ông tao là một nhà khoa học”. Đối với cháu lúc ấy, ông là to lớn nhất, giỏi giang nhất, vĩ đại nhất, ông là một nhà khoa học cơ đấy. Rồi thì lớn lên, hiểu rõ về ông hơn, cháu lại càng tự hào hơn khi cháu học lớp bảy, lớp của cháu có sử dụng một cuốn sách do chính ông viết. Cháu vẫn không sao quên được niềm sung sướng khi chỉ tay mình vào cuốn sách và hỏi: “Chúng mày có biết đây là ai không, ông tao đấy, ông tao chính là người viết cuốn sách này” và nhìn những đứa bạn trố mắt, trầm trồ đọc ba chữ “Lê Đình Phi” cháu cảm thấy lòng mình lâng lâng, ôi thật tự hào và hạnh phúc biết bao! Nay, ông không còn nữa, nhưng niềm tự hào ấy vẫn sẽ theo cháu suốt cả cuộc đời.

Nhưng có tự hào bao nhiêu cháu vẫn ước gì mình được như xưa, được có ông bên cạnh, chỉ bảo, ân cần. Nhớ sao những ngày xưa ấy, ông dắt tay cháu đi bộ trên đài Nam giao, chỉ cho cháu xem những ông Phật đứng, Phật nằm, kể cho cháu nghe những câu chuyện thật hấp dẫn. Hay chỉ cách đây vài năm, ông vẫn ngồi trên chiếc ghế dựa, phe phẫy chiếc quạt, hỏi han, trò chuyện cùng cháu, cười với cháu và đố cháu những bài toán nho nhỏ. Ở nơi ông cháu luôn tìm thấy chốn yên bình nhất, thanh thản nhất. Ba mẹ có đôi khi giận dữ la mắng, đánh đập khi cháu hư. Những lúc ấy, cháu lại chạy đến với ông, lại ngồi cạnh ông, cười với ông, gần ông cháu lại thấy quên đi tất cả nỗi buồn.
 
Nhưng nay! Cháu đã mất ông rồi! Hụt hẫng làm sao, đau đớn làm sao! Cháu không còn chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất. Lấy ai an ủi cháu và để cháu tâm sự? Buồn quá! Biết làm sao đây?
 
Ông ơi! Ở trên ấy ông có nghe được lời cháu không ông? Chắc chắn ông sẽ nghe được rằng cháu thật lòng yêu ông! Yêu ông nhiều lắm ông ạ!

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây