Kết quả điểm thi môn lịch sử, địa lý và văn học ở khối C, D trong kỳ thi tuyển sinh vào đại học và cao đẳng những năm qua đạt thấp đến mức chưa từng có, hàng ngàn bài bị điểm không. Con số biết nói đó, khiến những ai quan tâm đến sự phát triển của nền giáo dục nuớc nhà không khỏi bàng hoàng, lo lắng về chất lượng dạy- học các môn xã hội ở nhà trường phổ thông trong nhiều năm qua cũng như hiện tại và tương lai.
Xung quanh việc dạy và học các môn khoa học xã hội còn nảy sinh biết bao nhiêu câu chuyện bi hài, làm thầy cô giáo chúng tôi không biết nên cười hay nên khóc. Sự yếu kém, thờ ơ, lạnh nhạt của học sinh đối với các bộ môn xã hội ngày càng gia tăng, ít nhiều đã và đang bào mòn, suy giảm lòng đam mê, tâm huyết của đội ngũ giáo viên dạy các môn xã hội.
Trong khi đó, các môn khoa học tự nhiên, như Toán, Lý, Hóa ngày càng có nhiều ưu thế hơn, được hầu hết học sinh cấp ba coi trọng hơn, dồn gần hết thời gian và công sức để học tập các môn đó.
Phải chăng là kiến thức chuyên môn cũng như cách dạy của thầy cô giáo dạy môn xã hội không bằng thầy cô giáo dạy các môn tự nhiên?
Thực tế, nguyên nhân này xem ra không mấy thuyết phục, vì chưa chắc các môn tự nhiên học sinh coi trọng, học nhiều là có đội ngũ giáo viên tốt hơn, giỏi hơn. Căn nguyên sâu xa của nó, theo chúng tôi suy nghĩ, chủ yéu do những nguyên nhân sau đây:
- Nhiều học sinh (kể cả phụ huynh) còn xem thường các môn khoa học xã hội, luôn cho nó là môn phụ, môn học chỉ cần thuộc bài, môn chẳng mấy quan trọng, nên không cần phải tư duy, suy nghĩ gì, học hành sơ sơ hoặc qua loa cũng chả sao.
Còn điểm ư? Khỏi phải lo, thầy cô, nhà trường sẽ châm chước cho, thậm chí muốn bao nhiêu cũng được. Thời buổi của thành tích mà. Hậu quả là, nhiều em bây giờ rất yếu kém về kiến thức xã hội, nói không ra lời, viết chẳng ra câu… Nội chuyện viết chính tả của học sinh, sinh viên, cán bộ công chức trẻ… thời nay cũng thật đáng buồn, sai kinh khủng.
- Số đông học sinh khi lên cấp 3 có xu hướng học lệch, học một cách thực dụng, thi gì học nấy. Vì coi trọng việc học và thi các môn khoa học tự nhiên thì cơ hội vào ngành, nghề sẽ hết sức rộng rãi và hấp dẫn.
Còn coi trọng việc học các môn khoa học xã hội thì cánh cửa vào ngành, nghề rất hẹp, không sư phạm thì tổng hợp, báo chí chứ biết chạy đâu, vả lại khi ra trường, làm việc thuộc các ngành khoa học xã hội, cuộc sống vật chất không dễ dàng gì, nhiều khi rất lao đao, vất vả.
Trước sức cuốn hút mạnh mẽ của cơ chế thị trường, mọi người đua nhau làm giàu, đâu phải lúc để cho những cảm xúc lãng mạn bay bổng, hay sự đào sâu suy nghĩ về các kiến thức xã hội của học sinh, sinh viên.
- Mặt khác, các em còn tỏ ra ngờ ngợ, chưa thật tin vào nội dung sách giáo khoa, vào những điều mà thầy cô đã nói, do sách giáo khoa, thầy cô giáo nói toàn những điều tốt đẹp, đạo lí cao cả, tính nhân văn sâu sắc… trong khi đó thì thực tế cuộc sống lại hết sức phức tạp, biết bao chuyện xấu xa, mất công bằng, ngang trái… cứ phơi bày ra đấy.
- Kiến thức của sách giáo khoa vẫn còn nặng nề và dàn trải, nhiều chỗ không phải là học nữa mà là “hành” xác học sinh, các loại sách tham khảo bổ trợ sách giáo khoa loạn xạ trên thị trường góp phần làm… dốt thêm học sinh.
Nhiều câu hỏi, bài tập trong sách giáo khoa, đề thi, trong các cuộc thi lâu nay đều xơ cứng, xa lạ, đều đánh đố bằng trí nhớ trong một thời đại bội thực thông tin. Bao giờ đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng của ta sánh kịp với nhiều nước trên thế giới?
Lúc nào cũng có tâm lý: ra đề mở, sáng tạo, “sợ” các em không làm được, “sợ” dư luận, “sợ” phật lòng cấp trên… Thì muôn đời vẫn vậy!
Cái cốt lõi ở đây là thuộc về cách biên soạn sách giáo khoa. Dẫu biết rằng đây là công việc nhọc nhằn muôn nỗi đối với nhà viết sách.
Đương nhiên, chương trình, sách giáo khoa cần phải đảm bảo nhiều tiêu chí, mục đích. Nhưng nó rất cần đến sự chân thực, gần gũi với cuộc sống, có sức hấp dẫn cuốn hút, kích thích sự đam mê tìm tòi, khám phá của đối tượng học sinh.
Giả dụ, môn lịch sử, sách giáo khoa của ta thường nặng nề, dày đặc những sự kiện, ngày, tháng năm, ta thắng, địch thua… là chấm hết, mà ít có những câu chuyện lịch sử hấp dẫn đề cập đến con người và số phận của con người.
Hay môn văn học, còn quá nhiều tác phẩm mang tính hàn lâm cao, ngay cả người lớn, người từng trải chưa hiểu thấu đáo ý nghĩa, tư tưởng của nhà văn thì sao lại bắt con trẻ phải hiểu, phải làm bài cho được…
Đồng thời nên cắt bỏ những chỗ, những bài khó, không cần thiết, gây quá tải, hành xác học sinh. Các nhà soạn sách đừng nghĩ rằng, học sinh phổ thông phải học và biết tất cả tri thức của dân tộc, nhân loại.
- Năng lực, bản lĩnh, tâm huyết người thầy cô giáo đứng lớp cũng có tính quyết định đến hiệu quả, tác động của môn học đến đông đảo học sinh. Sách giáo khoa, sách giáo viên chỉ là phần cứng, phần định hướng, gợi ý, vấn đề quan trọng ở người thầy là phải biết chế biến, chọn lọc, thêm bớt để từng vấn đề nói ra sáng tỏ, vừa hàm súc vừa bóng bẩy, thực sự gây hứng thú trong học sinh. Học sinh đã tin, đã hứng thú với bài giảng, với thầy giáo thì nhất định sẽ hiểu, sẽ không thờ ơ, nguội lạnh với môn học đó .
- Nạn loạn sách tham khảo, văn mẫu, học tốt bổ trợ cho sách giáo khoa lâu nay chỉ lợi bất cập hại, làm triệt tiêu tư duy, suy nghĩ, sáng tạo của học sinh, cần sớm hạn chế và loại bỏ hẳn.
-Ngoài ra, cách ra đề kiểm tra, đề thi cần tránh lối tầm chương trích cú, rập khuôn, máy móc, khuyến khích việc học vẹt, sao chép mà học sinh không hiểu, nắm bắt được gì .
- Căn bệnh thành tích, vì chỉ tiêu thi đua… trong nhà trường phổ thông tồn tại lâu nay như cái ung nhọt nhức nhối cần cương quyết trừ bỏ, để việc đánh giá của giáo viên, nhà trường được thực chất, không mắc những ràng buộc hữu hình và vô hình nào, sẵn sàng nghiêm khắc với những học sinh coi thường, ý thức học tập các môn khoa học xã hội yếu kém.