I. MỤC TIÊU
Học xong bài này, HS đạt các yêu cầu sau:
- Tìm được kết quả các phép cộng trong phạm vi 6 và thành lập Bảng cộng trong phạm vi 6.
- Vận dụng được kiến thức, kĩ năng về phép cộng trong phạm vi 6 đã học vào giải quyết một số tình huống gắn với thực tế.
- Phát triển các NL toán học.
II. CHUẨN BỊ
- Các que tính, các chấm tròn, các thẻ phép tính.
- Một số tình huống đơn giản dẫn tới phép cộng trong phạm vi 6.
III. CÁC HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC
A. Hoạt động khởi động
Chia sẻ các tình huống có phép cộng trong thực tế gắn với gia đình em. Hoặc chơi trò chơi “Đố bạn” để tìm kết quả của các phép cộng trong phạm vi 6 đã học.
B. Hoạt động hình thành kiến thức
HS thực hiện lần lượt các hoạt động sau:
- Tìm kết quả từng phép cộng trong phạm vi 6 (thể hiện trên các thẻ phép tính).
Lưu ý: GV có thể tổ chức cho HS tự tìm kết quả từng phép tính dưới dạng trò chơi theo cặp/nhóm: Bạn A rút một thẻ rồi đọc phép tính; bạn B nêu kết quả phép tính đó (có thể viết kết quả ra bên cạnh hoặc mặt sau).
- Sắp xếp các thẻ phép cộng theo một quy tắc nhất định. Chẳng hạn: GV phối hợp thao tác cùng với HS, gắn từng thẻ phép tính lên bảng để tạo thành bảng cộng như SGK, đồng thời HS xếp các thẻ thành một bảng cộng trước mặt.
- GV giới thiệu Bảng cộng trong phạm vi 6 và hướng dẫn HS đọc các phép tính trong bảng.
- HS nhận xét về đặc điểm của các phép cộng trong từng dòng hoặc từng cột và ghi nhớ Bảng cộng trong phạm vi 6.
- HS đưa ra phép cộng và đố nhau tìm kết quả (làm theo nhóm bàn).
- GV tổng kết: Có thể nói:
Dòng thứ nhất được coi là Bảng cộng: Một số cộng 1.
Dòng thứ hai được coi là Bảng cộng: Một số cộng 2.
Dòng thứ ba được coi là Bảng cộng: Một số cộng 3.
Dòng thứ tư được coi là Bảng cộng: Một số cộng 4.
Dòng thứ năm được coi là Bảng cộng: Một số cộng 5.
C. Hoạt động thực hành, luyện tập
Bài 1
- Cá nhân HS làm bài 1: Tìm kết quả các phép cộng nêu trong bài, rồi viết kết quả vào vở.
- Đổi vở, đặt câu hỏi cho nhau đọc phép tính và nói kết quả tương ứng với mỗi phép tính.
Lưu ý: Bài này trọng tâm là tính nhẩm rồi nêu kết quả. Nếu HS chưa nhẩm được ngay thì vẫn có thể dùng ngón tay, que tính, ... để tìm kết quả. GV nên hướng dẫn HS vận dụng Bảng cộng trong phạm vi 6 để tính nhẩm.
- GV có thể nêu ra một vài phép tính đơn giản dễ nhẩm để HS trả lời miệng nhằm củng cố kĩ năng tính nhẩm, hoặc HS tự nêu phép tính rồi đố nhau tìm kết quả phép tính. Chẳng hạn: 4 +1; 1+ 4; 5 +1; 1 + 5; ...
- Ở câu b), GV nên đặt câu hỏi để HS quan sát và nêu nhận xét các phép tính trong từng cột, chẳng hạn: Khi đổi chỗ hai số trong phép cộng thì kết quả phép cộng không thay đổi. HS lấy thêm ví dụ tương tự: 2 + 3 = 5; 3 + 2 = 5; ...
Bài 2. HS tự làm bài 2, nêu phép tính thích hợp cho từng ô còn thiếu. HS trao đổi với bạn và giải thích lí do lựa chọn phép tính thích hợp. Chia sẻ trước lớp.
Bài 3. HS quan sát phân tích mẫu rồi vận dụng để tìm kết quả các phép tính cho trong bài.
Lưu ý: GV hướng dẫn HS cách làm các bài có số 0 trong phép cộng ( một số cộng với 0 có kết quả bằng chính số đó). GV khuyến khích HS suy nghĩ và nói theo cách của các em. GV khuyến khích HS trong lớp lấy thêm ví dụ phép cộng với số 0.
Bài 4. Cá nhân HS quan sát tranh, suy nghĩ và tập kể cho bạn nghe tình huống trong tranh rồi đọc phép tính tương ứng. Chia sẻ trước lớp.
a) Bên trái có 3 con ong. Bên phải có 3 con ong. Có tất cả bao nhiêu con ong?
Ta có phép cộng 3 + 3 = 6. Vậy có tất cả 6 con ong.
b) Có 3 bạn đang ngồi đọc sách. Có thêm 2 bạn đi đến. Có tất cả bao nhiêu bạn?
Ta có phép cộng 3 + 2 = 5. Vậy có tắt cả 5 bạn.
D. Hoạt động vận dụng
HS nghĩ ra một số tinh huống trong thực tế liên quan đến phép cộng trong phạm vi 6.
E. Củng cố, dặn dò
- Bài học hôm nay, em biết thêm được điều gì?
- Về nhà, em hãy tìm tình huống thực tế liên quan đến phép cộng trong phạm vi 6 để hôm sau chia sẻ với các bạn.
(*) Cơ hội học tập trải nghiệm và phát triển năng lực cho học sinh
- Thông qua việc tiếp cận một số tình huống đơn giản để nhận biết về cách tìm kết quả phép cộng có kết quả đến 6 và thành lập Bảng cộng trong phạm vi 6, HS có cơ hội được phát triển NL giải quyết vấn đề toán học, NL tư duy và lập luận toán học.
- Thông qua việc quan sát tranh, nêu tình huống thích họp với tranh vẻ, HS có cơ hội được phát triển NL giải quyết vấn đề và NL mô hình hoá toán học.