Trong bốn mùa của thiên nhiên vũ trụ, có lẽ mùa thu dễ đem đến cho lòng người nhiều cảm xúc bâng khuâng, hoài cảm nhất. Cái lành lạnh, hanh hao đầu mùa, những chuyển động tinh tế của thiên nhiên qua từng ngọn cây, kẽ lá; màu vàng ruộm của nắng, của lá vàng … đã mang lại nguồn cảm hứng bất tận để người nghệ sĩ cất lên tiếng lòng trước vẻ đẹp diệu kì của thiên nhiên.
Biết bao vần thơ, nốt nhạc của người nghệ sĩ đã thêu dệt nên những bức tranh thu đẹp cho đời. Tuy nhiên, qua mỗi chặng đường lịch sử, bức tranh mùa thu lại được tô vẽ thêm những sắc màu mới với những cung bậc cảm xúc đa dạng, nói lên nỗi niềm của thi nhân trước thiên nhiên, đất trời và lòng người.
Trước cách mạng tháng Tám (năm 1945), khi cả dân tộc còn chìm trong cảnh lầm than, nô lệ, nước mất nhà tan, bao trùm lên các bài thơ thu trong thời gian này là tâm trạng của người dân mất nước. Thi sĩ Tản Đà miên man trong “giấc mộng con” và cảm thu với một nỗi ngậm ngùi:
Từ vào thu đến nay
Sương thu lạnh
Trăng thu bạch
Khói thu xây thành
Lá thu rơi rụng đầu ghềnh
Sóng thu đưa lá bao ngành biệt ly
(Cảm thu, tiễn thu)
Những rơi rụng biến đổi, mai một của thiên nhiên và cuộc đời khiến Tản Đà luôn mang trong lòng nỗi buồn man mác mỗi độ thu sang. Người buồn nên nhìn cảnh vật đâu đâu cũng buồn, cũng nhuốm màu tê tái. Trời thu ảm đạm, gió thu hiu hắt, lòng ngổn ngang trăm mối muộn phiền.
Còn dưới con mắt của thi sĩ Huy Cận, mùa thu đến thật chậm như chưa hề đến. Chỉ một cơn gió thoảng, chỉ một đám mây trôi, một buổi chiều lá rụng, với nắng vàng hiu hắt cũng đủ gieo vào lòng thi nhân nỗi buồn tê tái, não nề:
Sắc trời trôi dạt dưới khe
Chim bay, lá rụng cành nghe lạnh lùng
Sầu thu lên vút, song song
Với cây hiu quạnh, với lòng quạnh hiu
Non xanh ngây cả buổi chiều
Nhân gian e cũng tiêu điều dưới kia
(Thu rừng)
Nhà thơ Chế Lan Viên lại bày tỏ sự tiếc nuối với sự sống bị lụi tàn khi thu sang. Chế Lan Viên vẽ lên những cảnh điêu tàn, niềm luyến tiếc một thuở vàng son, oanh liệt ngày xưa. Niềm mong nhớ ấy to lớn đến lạ lùng:
Ai đâu trở lại mùa thu trước
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng?
Với cả hoa tươi muôn cánh rã
Về đây đem chắn nẻo xuân sang!
(Chiều xuân)
Hình tượng mùa thu trong thơ Chế Lan Viên mang ý nghĩa triết lý về thời gian, về một thái độ sống, về ước vọng và niềm tim đắm đuối của một tâm hồn:
“Đường về thu trước xa lăm lắm
Mà kẻ đi về chỉ một tôi”.
Bằng những cảm hứng lãng mạn, các nhà thơ mới đã vẽ lên những bức tranh thu thật đẹp, đầy màu sắc. Tuy nhiên, mùa thu trong thơ các nhà thơ thật buồn. Nỗi buồn bàng bạc, u hoài, nỗi buồn của người dân sống trong cảnh lầm than, nô lệ. Nỗi buồn ấy qua cái nhìn nhuốm màu đau thương, chán nản khi vào thơ càng não nề, chua xót hơn.
Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, “giọt mưa thu” buồn của người dân mất nước được thay bằng “Mùa thu nay đã khác rồi” - mùa thu của cách mạng. Bước ngoặt lịch sử của đất nước, của dân tộc đã tạo cảm hứng mới mẻ cho các nhà thơ. Trong niềm hân hoan, đầy tự hào, Xuân Diệu đã viết nên những dòng thơ đầy hào sảng:
Việt Nam! Việt Nam! Cờ đỏ sao vàng
Những ngực nén hít thở ngày độc lập
Nguồn lực mới bốn phương lên tới tấp
Nếp cờ bay chen vỗ sóng bài ca
Bốn nghìn năm trông mặt mẹ không già…
(Ngọn quốc kỳ)
Với Tố Hữu, cánh chim đầu đàn của thơ ca cách mạng nước ta, cách mạng tháng Tám là luồng gió tươi mới thay đổi lớn lao vận mệnh dân tộc. Ông viết về ngày vui của cả nước bằng những vần thơ hào hứng, sôi nổi, ngất ngây:
“Thơ ta ơi! Hãy cất cao tiếng hát
Ca ngợi trăm lần Tổ quốc chúng ta
Mùa thu đó, đã bắt đầu trái ngọt
Và bắt đầu nở rộ những vườn hoa”
(Mùa thu mới)
Một vẻ đẹp hồi sinh trỗi dậy. Không tươi vui, không náo nức sao được khi mà từ đây, từ mùa thu cách mạng tháng Tám, mỗi ngọn cỏ dòng sông, mỗi câu hò tiếng hát, mỗi bước chân ta đi trên dải đất hình chữ S này đã là của ta, do ta làm chủ:
“Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa”
(Đất nước - Nguyễn Đình Thi).
Của ta đó những cánh đồng thơm ngát, cả những dòng sông đỏ nặng phù sa. Những cái mà cách đây không lâu nó vốn là của ta mà đâu phải của ta:
“Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha”
(Đất nước - Nguyễn Đình Thi).
Thu nay có gì đó thật quyến rũ, hồi hộp lạ thường. Con người giờ đây đứng trước mùa thu nghe âm thanh ríu rít của cuộc sống lòng ngập tràn niềm tự hào, hân hoan. Không còn cái buồn hiu hắt, không còn cái “run rẩy”, cái “đìu hiu”, cái “xao xác hơi may”. Trời thu giờ đây được thay áo mới. Cảnh vật dường như cũng biết “nói cười”. Niềm vui nối liền niềm vui được thể hiện trong từng câu, từng chữ. Mà đó đâu chỉ là niềm vui của riêng nhà thơ đó còn là niềm vui vô bờ bến của dân tộc, của nhân dân ta sau ngày cách mạng tháng Tám thành công.
Bảy mươi ba năm đã qua kể từ mùa thu năm ấy, thời gian trôi qua hơn nửa thế kỷ, nhưng cảm hứng về mùa thu cách mạng, mùa thu hòa bình vẫn luôn được thế hệ các nhà thơ tiếp tục khai thác, làm nên những tác phẩm có sức sống lâu bền trong lòng công chúng.
Sẽ chẳng có bầu trời xanh, có lá thu vàng và dòng sông trong vắt… như trong cảm nhận của các nhà thơ nếu cái đói, cái rét còn ngự trị trên đất nước. Cách mạng muốn thành công phải nắm bắt thời cơ, phải vì nguyện vọng của nhân dân, phát huy trí tuệ toàn dân tộc, chung lòng, chung sức dựng xây.
Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, cách mạng xanh, cách mạng nông thôn mới hôm nay đã và đang tiếp nối thành quả to lớn từ cách mạng tháng Tám. Đói nghèo đã hết, thất học không còn, đất nước đang đứng trước những cơ hội, vận hội mới càng khiến mỗi ai trong chúng ta phải luôn ghi nhớ bài học thành công của cuộc cách mạng tháng Tám vĩ đại của dân tộc. Mùa thu, mùa của những kỷ niệm, hồi ức không quên, mùa no ấm đang về...