Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Thơ Tứ Tuyệt

Chủ nhật - 16/02/2014 19:38
Tứ Tuyệt là thể thơ chỉ có 4 câu, mỗi câu có 5 hoặc 7 chữ, còn gọi là Tuyệt Cú. Còn Bát Cú là thể thơ có 8 câu, mỗi câu có 5 hoặc 7 chữ. Hai thể thơ này đã trải qua suốt chiều dài văn học sử VN hơn 1,000 năm, có sức sống tiềm tàng mãnh liệt, do nghệ thuật tinh diệu được chắt lọc, cô đọng qua những cây bút lừng danh trong nhiều thế kỷ.
Thể Bát Cú xuất hiện từ đời Đường bên Tàu có luật tắc nghiêm ngặt đã rõ rồi, nhưng thể Tứ Tuyệt xuất hiện từ thời nào? Truyền sang VN ra sao, kể cả quá trình hình thành, phát triển, hoàn thiện và luật tắc của nó...  đến nay vẫn còn phức tạp. Do đó trong bài viết này, chúng tôi muốn quay về nguồn cội để tìm hiểu thấu đáo về thể thơ này, xin được trình bày dưới đây để chúng ta biết được lịch sử và cái hay cái đẹp của nó để có thể phát huy tinh hoa làm giàu nền thi ca VN.
 
Thời nhà Đường (618 - 907) bên Tàu sử dụng hai thể thơ chính:
 
- Cổ Thể: gồm Cổ phong và Nhạc phủ, không hạn chế số câu số chữ, không ràng buộc niêm luật đối vận nên phóng khoáng dễ diễn đạt tâm hồn. 
- Kim Thể: gồm Bát cú (thơ luật) và Tuyệt cú (tứ tuyệt), còn gọi là Đường luật gò bó về niêm luật đối vận khó diễn đạt nhưng có cấu trúc chặt chẽ, cân đối, hài hòa. Bát cú là dạng chính của thơ Đường luật, từ đó có Tứ tuyệt tức Tuyệt cú.
Tuy nhiên, từ xưa đến nay ở Trung Hoa và Việt Nam (VN) có nhiều thuyết định nghĩa về thơ Tứ tuyệt (Tuyệt cú) và sự hình thành của thể thơ này.
 
1.Thuyết Định Nghĩa 1: 
Cụ Bùi Kỷ theo thuyết Ngô Tề đời Thanh cho rằng 'Tuyệt là tuyệt diệu, mỗi câu chiếm một vị trí đặc biệt. Chỉ trong bốn câu mà thiển, thâm, ẩn hiện, chính kỳ, khởi phục đủ cả cho nên gọi là tuyệt’. Còn nhà nghiên cứu Phan Văn Nhiễm lại hiểu chữ tuyệt là tuyệt vời: 'Thơ bốn câu gọi là tứ tuyệt, người Trung Quốc gọi là tuyệt cú, tức là bài thơ hay tuyệt vời, vì chỉ có bốn câu 20 từ hoặc 28 từ mà nói lên được đầy đủ ý tứ của một đề tài theo đúng luật lệ của thơ Đường.' 
 
2. Thuyết Định Nghĩa 2: 
Gần đây ở VN có nhiều công trình chứng minh Tứ tuyệt xuất hiện ở Trung Hoa khá sớm mà ca dao cổ đại là đầu nguồn lịch sử của tuyệt cú; có mầm mống trong Kinh Thi, xuất hiện đầu tiên trong nhạc phủ thời Nhà Hán (206 TCN-220 CN) phát triển thời Nam-Bắc-Triều (420-589). Đến thời Sơ Đường (618 - 713), tứ tuyệt chuyển mình, chỉnh đốn về niêm, luật, đối, vận. Qua thời Thịnh-Đường(713 - 766), tứ tuyệt phát triển về số lượng, chất lượng; trong suốt quá trình hình thành, phát triển trải qua mấy trăm năm, Đây là thời kỳ toàn thịnh nhất vì hầu hết các nhà thơ lớn đều làm tứ tuyệt, nghệ thuật đi tới chỗ hoàn thiện, số lượng tăng vọt mà đứng đầu là Lý Bạch 193 bài, kế đến Đỗ Phủ 139 bài, Vương Duy 106 bài, Vương Xương Linh 89 bài.
 
Nói một cách ngắn gọn, tứ tuyệt xuất hiện đầu tiên từ thời Nhà Hán (206 TCN-220 CN) gọi là liên cú, qua đời Nhà Tấn (265-420) gọi là tuyệt hưởng (không có hưởng ứng), tức là tuyệt cú hoặc đoạn cú. Lý Trường Lộ khẳng định: Tuyệt cú còn gọi là tiệt cú hoặc đoạn cú. Đến đời Nhà Đường (618-907) gọi là luật tuyệt. Như vậy, Tứ tuyệt là một thể loại độc lập, có quá trình hình thành phát triển lâu dài khoảng 800 năm trước Bát Cú thời Đường là một chỉnh thể nghệ thuật riêng biệt chứ không phải là một bộ phận được ngắt ra từ Luật thi hay Cổ thi.
 
3. Thuyết Định Nghĩa 3: 
Ô. Dương Mạnh Huy căn cứ thuyết Tiền Mộc Am (đời Thanh) khẳng định: “Tuyệt là Tiệt (ngắt), cú là câu, tuyệt cú nghĩa là cũng theo những luật đó mà ngắt ra dùng 4 câu nửa bài trong luật 8 câu”. Từ đó, ông phân tuyệt cú ra làm 4 loại, tùy theo 4 cách ngắt trong một bài bát cú: ngắt 4 câu đầu, ngắt 4 câu giữa, ngắt 4 câu cuối và ngắt 2 câu đầu, 2 câu cuối. Thuyết này được học giả Trần Trọng Kim, GS Dương Quảng Hàm, GS Trần Đình Sử tán thành.
 
 4. Định Nghĩa Của Từ Điển Văn Học: 
“Thơ tứ tuyệt theo nghĩa rộng, chỉ những bài thơ nhỏ, mỗi bài gồm bốn câu, mỗi câu thường năm hoặc bảy chữ. Theo nghĩa hẹp, còn gọi là tuyệt cú, gồm hai dạng: cổ tuyệt (tứ tuyệt theo lối cổ thi) và luật tuyệt (tứ tuyệt làm theo thể Đường luật)”.
 
5. Kết Luận: 
Như vậy, chúng ta có thể xác định Tứ Tuyệt xuất hiện khoảng 800 năm trước thời nhà Đường, cách nay trên 2 nghìn năm với 4 câu phóng khoáng gọi là cổ tuyệt, tức tứ tuyệt theo lối cổ thi. Đến đời Đường do ảnh hưởng của thơ Bát Cú chặt chẽ về niêm luật đối vận, nên người ta mới áp dụng vào Tứ tuyệt, cho nên mới gọi tứ tuyệt làm theo thể Đường luật. Từ đó người ta gom chung cả Bát Cú và Tứ Tuyệt thành một thể chung gọi là Thơ luật hay Đường luật: Đường luật bát cú, Đường luật tứ tuyệt. Rồi theo thời gian người ta quên đi nguồn gốc của Tứ Tuyệt là một thể thơ đã có trước Bát Cú tới khoảng 800 năm.
 
6. Tứ Tuyệt ở Việt Nam: 
Từ thời nhà Lý (1009 - 1225) đã xuất hiện thơ Tứ Tuyệt bằng chữ Hán. Đến thời nhà Trần (1225 - 1400), Nguyễn Thuyên là người đầu tiên làm thơ Nôm theo Đường luật, gọi là Hàn luật, có nhiều bài tứ tuyệt xuất sắc trong Phi sa giản tập của ông. Đến thời nhà Lê (1428 - 1788) , thi hào Nguyễn Trãi làm nhiều Tứ tuyệt trong Ức Trai Thi Tập bằng chữ Hán và Quốc Âm Thi Tập bằng chữ Nôm. Đến thời nhà Nguyễn (1802 - 1945), Bát cú được ưa chuộng hơn Tứ tuyệt. Từ thời Tiền Chiến đến nay, Bát cú suy vi, Tứ tuyệt được cách tân dưới dạng “trường thiên tứ tuyệt” gồm nhiều bài tứ tuyệt ghép lại, mà hầu như nhà thơ nào cũng làm, như Nguyễn Nhược Pháp bài Chùa Hương năm 1934, Vũ Đình Liên bài Ông Đồ năm 1936, Thế Lữ bài Giây Phút Chạnh Lòng tặng Nhất Linh năm 1937, TTKh bài Hai Sắc Hoa Ty Gôn năm 1937, Kiên Giang bài Hoa trắng thôi cài trên áo tím, năm 1962, v.v...  Đặc biệt, Quách Tấn nhà thơ Đường luật thất ngôn bát cú, cũng ngã qua làm Tứ tuyệt, xuất bản thi tập Đọng Bóng Chiều năm 1965 gồm 100 bài toàn Tứ tuyệt. Tô Thùy Yên nhà thơ tự do cũng cầm bút viết trường thiên tứ tuyệt, bài Ta Về (1985) rất dài với trên 30 khổ tứ tuyệt thuộc hàng tuyệt bút.

Sách giải st

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây