Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Tết của hồi ức

Thứ bảy - 21/02/2015 08:22
Nói là tết ta, tết cổ truyền, nguyên đán… vậy chứ mấy ai còn nhớ và thấm được hết cái tinh túy từ cái hồn Tết ấy. Mà nếu có tình cờ đọc được trong sách, báo thì rồi cũng đánh lảng đi như nhớ về thửa ruộng xưa giờ nằm dưới mấy lớp bê tông; như hương bồ kết, dậu cúc tần, hương nhu thơm nồng nơi quê hương xa ngái.
Bởi thế, nếu được gộp vào với tết Tây lịch, nếu bị lép vế so với Giáng sinh sẽ chẳng có gì lạ. Trừ khi biết được Tết chính là điều bí ẩn thách thức ta suốt cuộc đời. Tết như thể dấu tích minh chứng một điều: những kỉ nguyên, hệ hình văn hóa xưa đã “thác” vào trong đó.
 
Người Việt giờ nhận ra nhiều hạn chế vốn là thói quen của đời sống nông nghiệp khi hòa nhập vào đương đại. Gạt sang một bên những tập tính, sở dục đó, phải thừa nhận rằng, nề nếp ấy cũng tương sinh, biến hóa thành những phẩm chất trong thời đại mới. Khi các dân tộc trên thế giới giờ đã qua thời điểm học tập kĩ nghệ, đã nắm được quy trình thì giờ là cuộc đụng độ của những nền văn hóa tiềm tàng trong ý tưởng, khả năng tiên liệu hay khắc chế nhược điểm của trí tuệ. Người Nhật, người Mĩ, hay người Pháp đều chứng tỏ được điều ấy khi sản xuất xe hơi, làm phim, đá bóng… chợt đi đến cùng cực của kĩ nghệ lại gặp tinh túy của thủ công, đi hết mạch kết nối lại thấy những bản sắc được phong kín.
 
“Tết cả” với người Việt vui nhất là lúc sắp sửa diễn ra. Nó tựa như cái hậu trường của một nhà làm phim kì công, như một dòng sông chảy ngược về những hạt mưa nguồn rời vào từng kẽ, từng lạch nước rồi mới ra đến đại dương mênh mông. Chiều Ba mươi tết, cái ngày không sao quên được trong đời một người, cái chiều không ai có thể bình tâm được bởi sự cận kề của cái mới, đáo hạn cái cũ. Sức nóng của hai phía khiến tất cả mọi người cùng buông cuốc, bỏ cày, gác bút, quay mũi thuyền buôn, ngưng tiếng tràng, đục, lơi tay trên dây tơ đàn… Cái xuân nó suồng sã, dân chủ mà đồng điệu thế. Không chỉ là với những sĩ, nông, công, thương, xướng ca ấy mà đến cả răm ba đứa trẻ cũng kiếm cái gì cho mình đón Tết. Không hiểu sao những ngày của Tết xưa ấy, tôi thích nhất là được phụ bà sắm sửa, thu dọn. Dù thuộc lòng những việc năm nảo năm nào cũng diễn ra nhưng vẫn muốn được sai đi mua thứ này, làm việc kia để được nhập vào cái sự vội vã, bị động mà hồn nhiên của người lo tết.
 
Tảng sáng là tiếng con lợn nằm ườn trong chuồng bị đem ra chọc tiết. Con vật ngộ nghĩnh trong tranh dân gian đó kể ra cũng đến lạ. Tiếng kêu thảm thiết to tát là thế lại thường dự báo những việc vui nức lòng người dân Việt. Nhìn cái thủ lợn ngậm bông hồng trên mâm sôi, nhìn cái tảng thịt má, cái tai to béo bị xẻo để gói giò xào lại thấy như nó chẳng oán trách gì ta mà đang biến mình vào một cuộc trốn tìm của những biểu tượng. Sáng rõ mặt người thì càng rõ chú lợn kia đã góp cho xóm, làng họ mạc một ngày hội nhỏ. Thịt lợn xiên lạt tre treo bên rào, tiếng gọi nhau ý ới, người dân của văn minh lúa nước thiên về cấy hái, trồng trọt coi sát sinh gia xúc là chuyện hệ trọng cả khi đã ít tế thần linh. Những người đàn ông bé nhỏ nhưng cứng rắn đã ngà rượu sau khi xả xong phản thịt, những miếng ngon nhất được luộc chín giành cho sự cần mẫn thức giấc từ canh tư thui rơm đỏ mắt. Tết về làng thật rồi, con gà trống đứng trên ngọn cây rơm gáy liên hồi làm bà chủ đảo mắt từ rổ thịt bên giếng nước sang cái mào đỏ tía của nó. Tiếng gáy ấy sẽ lặn vào cái dáng béo ngậy ngậm bông hồng của đêm ba mươi, những chiếc lông cánh kiêu hãnh kia làm lông chiếc cầu chinh cho lũ trẻ trai; lũ trẻ gái thì có chiếc chổi phất trần cả năm lau dọn nhà cửa.
 
Chưa cần đến lúc mặt trời đứng bóng, tất cả các bếp trong làng đều lam ngọn khói, những sân gạch đều bày biện một màu xanh của lá bánh, đỗ xanh vàng tươi, thịt lợn trắng hồng. Bánh gói tay nhanh hơn gói khuôn, sống, gáy mềm, góc không vuông vắn nhưng dễ bóc. Bánh gói khuôn vuông cạnh, sắc góc, mỏng áo kiểu gói từ Hà Thành nhập về theo chân những người một thời gia mưu sinh nơi kẻ chợ.
 
Sẩm tối, chợ quê lại nháo nhác mà vui đến lạ, cái lạ của buổi chợ chiều duy nhất trong năm ở làng tôi chứ không tan từ xế trưa như mọi ngày. Người mua thêm khoanh giò, bó lạt, kẻ muộn màng vẫn còn hớt hải mua vội gói lá dong. Cái người ngày đã sẵn trong nhà từ lâu thì người kia lại thiếu. Vẫn là năm cũ, chả ngại kiêng kị gì, có người rỉ tai nhau về qua nhà tôi bên mé đình tôi chia cho phân nửa…
 
Những bác thợ thuyền xa quê trở về là lạ lẫm nhất. Làng bây giờ dẫu chợ không còn vóc dáng quê, dẫu đường đổ bê tông, máy cày, xe cộ thì dáng những người đàn ông lầm lũi đi về vẫn thế. Một năm xa quê trông họ khác đi nhiều, kẻ béo đen ra, người gầy xanh nhưng không hẳn, bà cụ móm mém nhai trầu bảo vì ăn nước lạ nên nhìn tướng mấy nhà bác này khác thế đó. Ánh mắt họ không đảo khắp cảnh quan, chỉ nhìn về phía những ngõ nhà quen thuộc. Thi thoảng vẫn không quên chào bà con họ mạc, những tay nải lép kẹp cái trống rỗng của đời bôn ba nhưng háo hức những hi vọng vận mới làm thay đổi gia cảnh từ sáng mai thức dậy trên ổ rơm, giường ấm nhà mình.
 
Đêm ba mươi đến rất nhanh, chẳng nhà nào quên bữa cơm chiều vội vã. Giờ người ta tụ tập đông đủ, ăn uống linh đình trong bữa cơm đó nhưng người Việt xưa thường không có thứ vui sớm đó mà phải là thu dọn nhà cửa, thả hạt mướp, chuẩn bị nhóm lửa bánh trưng cho một đêm đỏ lửa thâu sang năm mới. Ngọn lửa của chiếc bếp lớn được thắp lên, những sân gạch tối tăm cả năm rực sáng, lũ trẻ chỉ trực thế mà ùa ra lĩnh cái phần trông suốt đêm để được chơi đùa quanh sân, được đánh tam cúc, nướng củ khoai hay chí ít là được gà gật bên ngọn lửa,
 
Thời khắc cuối của một năm từ từ đến, cha mẹ, ông bà cẩn trọng soạn mâm cúng, hương thơm tỏa khói bay lan man trong niềm suy cảm về hồn vía ông bà được mời về thụ hưởng. Lũ trẻ dường như cũng nín lặng, chỉ còn tiếng con meo đang quật đuôi vồ bóng, tiếng chuột rúc ríc ngoài bờ rào… những âm thanh lạ mà quen, như từ ngàn xưa đọng lại trong tâm thức của người Việt. Mai là năm mới, lại sửa soạn đi chúc họ hàng, chòm xóm, rồi vãn cảnh chùa, đi hội làng mình rồi làng bên…

Bùi Việt Phương

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây