Rồi một ngày kia khi bạn vĩnh viễn không còn có mẹ thì mới hiểu được rằng mẹ là tất cả; nhưng, mẹ là gì hở bạn? - Câu hỏi nầy thật vô cùng bối rối. Thiên Hương, một tác giả ít ai biết đến, đã thú nhận như vậy khi cố gắng ghi lại những cảm xúc thiết tha và chân thật nhất của mình về mẹ trên đặc san Hoa Niên cách đây hơn 10 năm, rồi đài phát thanh SBS đã diễn đọc lại nhân mùa Vu Lan Báo Hiếu tại Melbourne vào năm 1993. Hôm nay nhân ngày vinh danh mẹ, tôi xin mượn lời của Thiên Hương mô tả về mẹ - mẹ của chúng ta, mẹ của mọi người, mẹ ở mọi không gian và thời gian, để chúng ta cùng nhau suy gẫm - một phút lắng lòng suy tư về mẹ, dù mẹ còn ở thế gian, cùng ta chia sẻ những cay đắng ngọt bùi trong cuộc sống, hay mẹ đang ở xa ta, hoặc đã ra đi không bao giờ trở lại. Và sau đây là ý nghĩ của Thiên Hương về mẹ:
“Mẹ là gì?” - Nếu có ai hỏi tôi câu nầy chắc là tôi sẽ bối rối ghê lắm. Trong tự điển của ngôn ngữ, người ta chỉ định nghĩa như thế nầy: “Mẹ là người đàn bà đã sinh ra bạn”. Chỉ có thế thôi hay sao? Tôi thì nhất định không thể đồng ý với cái lời định nghĩa nầy được.
Không, mẹ không thể nào chỉ là như thế mà thôi! Mẹ còn là một điều gì đó cao cả, vĩ đại lắm; ý nghĩa về mẹ vượt thoát ra khỏi mọi tầm kích của ngôn ngữ, vượt ra ngoài mọi giới hạn của không gian và thời gian. Như vậy, mẹ là gì hở bạn?
Mẹ là bầu sửa ngọt ngào nuôi ta lớn lên. Mẹ là tiếng vỗ về dịu dàng, đầm ấm. Mẹ là tiếng quạt nan nhè nhẹ ru ta ngủ vào những buổi trưa hè oi bức. Mẹ là cái vành nôi, là chiếc võng cho ta nằm. Mẹ là trạm trú ẩn đầu tiên cho cuộc hành trình bất tận của con người.
Mẹ là đôi tay đã dìu đỡ ta đi những bước chập chững đầu tiên. Mẹ là giọng nói êm êm, giúp ta bập bẹ những âm thanh đầu đời. Mẹ là bàn tay ấm, kiên nhẫn tập cho ta viết những mẫu tự đầu lòng. Mẹ là thần linh đã chuyển hoá ta từ một tượng đất bất động thành một sinh vật có linh hồn, có tình cảm và biết yêu thương.
Mẹ còn là những lay động trên vai ta mỗi buổi sáng, thức ta dậy từ những cơn mộng mị li bì. Mẹ là nắm sôi nóng hổi, là trứng luột thơm tho, là ly sửa ngọt ngào. Mẹ là chiếc mũ đội đầu, là đôi dép xỏ chân. Mẹ là tấm áo, là chiếc quần, là cặp vỡ, là bàn tay dẫn ta đến trường. Mẹ là lưng cõng cho chân ta khỏi mỏi. Mẹ là chiếc dù cho ta đục nắng, tránh mưa. Mẹ dang rộng đôi cánh tay chở che ta thoát khỏi những tấn công nghiệt ngã của thời tiết, của thời gian, của hoàn cảnh và nhu cầu thân xác.
Mẹ còn là ánh mắt hân hoan, tươi vui mỗi khi ta phấn khởi. Mẹ là gương mặt âu lo lúc ta nóng sốt, khi trái gió, trở trời. Mẹ là những lời khuyên nhủ mỗi khi ta lầm lỗi. Mẹ là nét buồn rầu khi ta hư hỏng bê tha. Mẹ chính là kẻ thù của dối trá, của ganh ghét, và của những tị hiềm nhỏ nhen - vì mẹ là bao dung, chân thật và yêu thương.
Mẹ là tiếng rét thân quen bên đầu ngõ. Mẹ là chiếc nón rộng vành thách thức nắng mưa. Mẹ là đôi tay gầy nhẫn nhục cùng đôi quang gánh. Mẹ là mái tóc dãi dầu gió sương, đốm bạc vì lo lắng; đôi chân mẹ không quản cực nhọc, rạo bước khắp mọi nẻo đường mang về cho con manh áo, chén cơm. Tiếng rao mẹ lanh lảnh vang lên giữa không gian thinh lặng buổi trưa hay buổi tối.
Mẹ là đôi tay chai sần vì công việc cày cấy. Mẹ là đôi chân ngọc trong bùn non, lom khom cắm từng rẽ lúa xuống ổ ruộng loáng nước. Mẹ là tấm áo nâu đen ướt sủng nước mặn, buổi sáng, buổi chiều, bên lạch, bên sông, mò tôm, mò cá. Mẹ là tiếng lạch cạch của thúng mủng, thì thầm vang lên cùng lúc với những tiếng chó sủa đầu ngày, và tiếng chim buổi sớm khi mặt trời còn chưa mọc.
Mẹ ở đông phương như con chim tây phương cúi mỏ mổ bập vào ngực mình cho những hạt máu tràu tuôn, nhỏ vào miệng con giữa những ngày đói khổ. Và rồi mẹ còn là những bóng người đứng tựa cửa chờ con vào những buổi chiều tà. Mẹ là làn khói xanh lửng lơ trên mái rạ. Mẹ là những âm thanh vui chén đũa. Mẹ là câu chuyện giòn tan bữa tối ở nhà. Mẹ là hương thơm mùi canh nóng. Mẹ là ngọn đèn dầu, trầm trầm buổi tối, chỉ nghe tiếng côn trùng hoà nhạc và thỉnh thoảng một vài bước chân người khua vội vàng trên ngõ xóm.
Mẹ là hoà bình. Mẹ là thần tiên. Mẹ hiền như mây. Mẹ êm đềm như gió chiều lướt ngang đầu lúa; nhưng ban đêm mẹ ngồi bật dậy, mắt xoáy thẳng vào màn đêm khi nghe tiếng chó dồn dập sủa ngoài đầu ngõ; tiếng lạch cạch đạn lên nòng, hay tiếng đập rầm lên cửa nhà... Mẹ hốt hoảng, ôm chặt lấy con, sợ con bật khóc, rồi giục ba lần ra ngõ sau trốn; và mẹ đã khóc thét lên, khi những báng súng và những nắm đấm thui vào thân thể ba tơi bời. Và từ đó, ngày chưa bao giờ trở lại, đêm vẫn triền miên.... Từ đó, dòng nước mắt và tiếng cầu kinh âm thầm từng đêm của mẹ không bao giờ ngưng bặt.
Mẹ là gì hở bạn? Có khi nào bạn thấy mẹ hiện hữu trong ánh mắt và nụ cười của mình không? Có khi nào bạn thấy mẹ tiềm ẩn trong mỗi việc bạn làm hay không? Có khi nào bạn thấy mẹ hiện ra trên từng hàng chữ bạn viết chăng? Và có khi nào bạn thấy mẹ hiện diện trong từng hơi thở, từng ý nghĩ, từng lời nói, từng giọt máu đang luân lưu trong huyết quản của bạn hay không?
Bấy nhiêu lời giải nghĩa, bấy nhiêu câu hỏi đặt ra để rồi lại thấy mình chưa trả lời được gì hết; chẳng định nghĩa được mẹ là gì ! Tất cả ngôn ngữ thì rốt cuộc chỉ là vài nét vẽ nguệch ngoạc. Chỉ vài nét vẽ ấy thì làm sao có thể diễn tả được hết cái vẻ huyền diệu của vũ trụ mênh mông về mẹ? Vã lại mẹ ta không phải là một đối tượng của khoa học để có thể được nhìn bằng đôi kính hiển vi. Mẹ ta, mẹ ở trong tôi và mẹ ở trong bạn. Và chính vì thế câu hỏi “Mẹ là gì?” phải được chính bạn và chính tôi trả lời - trả lời cho mỗi riêng mình mà thôi. Như thế, mẹ là gì hở bạn?