Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử

Thứ ba - 18/06/2024 09:56
Bất cứ những người con Việt Nam dù đi đâu về đâu cũng đều nhớ tới những giá trị văn hóa của dân tộc ta, nhớ tới những lễ hội tôn vinh chiến công.
Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử - Bài làm 1

Bất cứ những người con Việt Nam dù đi đâu về đâu cũng đều nhớ tới những giá trị văn hóa của dân tộc ta, nhớ tới những lễ hội tôn vinh chiến công, công sức dựng nước của mười tám vị vua Hùng - những người đã có công dựng xây những nền móng đầu tiên của đất nước Việt Nam chúng ta. Chính vì vậy, năm nào cũng thế, vào ngày mùng mười tháng ba âm lịch, cả nước ta đều hướng tới Đền Hùng - Phú Thọ. Đây là khu di tích lịch sử, nơi thờ tụng những vị vua Hùng và là nơi tổ chức lễ hội vào những ngày này. Nhà nước ta quy định, vào những năm chẵn lễ hội sẽ được tổ chức theo nghi lễ của quốc gia còn những năm lẻ sẽ do tỉnh Phú Thọ phụ trách. Nhưng dù là năm nào đi chăng nữa thì vào những ngày này, mọi người dân ai cũng muốn được tới nơi đây để thể hiện tấm lòng thành kính của mình dâng lên cho tổ tiên và những thế hệ đi trước. Đây chính là một trong những lễ hội lớn nhất của đất nước chúng ta.

“Dù ai đi ngược về xuôi,
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”


Lễ hội Đền Hùng và giỗ tổ Hùng Vương được tổ chức vào ngày mùng mười tháng ba âm lịch hằng năm. Những ngôi đền thờ các vị vua Hùng tọa trên núi Nghĩa Lĩnh thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Nơi đây thể hiện một cách vô cùng sâu sắc những hình thức sinh hoạt về tín ngưỡng truyền thống của nhân dân. Lễ hội cũng được bắt đầu từ chính thời đại của vua Hùng Vương trong quá trình dựng nước và giữ nước. Cũng chính bởi những lí do như trên mà chúng ta đã duy trì lễ hội này và được tổ chức với quy mô lớn qua các năm càng chứng tỏ tấm lòng của dân tộc ta, những người thuộc thế hệ đi sau vẫn luôn ghi nhớ với niềm biết ơn sâu sắc tới những vị cha ông ta đã hi sinh để bảo vệ cho đất nước, dân tộc.

Qua đây, chúng ta cũng có thể nhận thấy một cách sâu sắc lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam chúng ta. Vào những dịp lễ như thế này, chúng ta không thể nào bỏ qua được lễ hội Rước kiệu. Đây là một trong những công việc thể hiện sự kính lễ, nghiêm trang tới những anh hùng đã khuất. Không khí diễn ra buổi lễ vô cùng nghiêm túc, không hề có những hành động như nghịch ngợm hay cười đùa. Mọi người sẽ nâng kiệu và đi qua các đền, chùa ở trên Đền Hùng. Trên kiệu là những lễ vật như xôi, gà, bánh chưng,… Đó đều là những món cúng truyền thống của dân tộc Việt Nam chúng ta. Tất cả đều được xếp một cách gọn gàng và đẹp đẽ ở trong năm bộ kiệu. Đoàn rước kiệu luôn được tổ chức một cách vô cùng trang nghiêm và cẩn thận. Thường thì những người được chọn rước kiệu đều là những người có sức khỏe tốt, ưa nhìn được thành phố lựa chọn. Họ đều mặc lên mình bộ đồng phục thống nhất và gọn gàng. Mỗi người sẽ mang theo những vũ khí thời xưa được phóng tác lại bằng gỗ như đao, chùy, cờ, long,.. để mô phỏng lại như thời xưa. Đoàn rước kiệu đi tới đâu, tiếng chiêng tiếng trống rộn ràng theo tới đó. Tiếp theo đó là những đoàn đại biểu sẽ xếp hàng chỉnh tề để đi sau kiệu và cùng nhau lần lượt đi theo kiệu lên tới trên đỉnh đền. Điểm dừng đầu tiên của đoàn chính là “ Điện kính thiên” . Đến đây, cả đoàn dừng lại và thực hiện nghi lễ dâng hương. Bầu không khi như đọng lại và trang nghiêm vô cùng. Mọi người ai cũng nghiêm túc, chăm chú để theo dõi quá trình dâng hương tới thần linh.

Điểm dừng tiếp theo, mọi người đi vào trong thượng cung của đền Thượng. Đây là ngôi đền có vị trí cao nhất và là ngôi đền chính trong số những đền ở đây. Do đó, tại nơi này, thường sẽ có một vị lãnh đạo đại diện cho nhân dân cả nước phát biểu để bày tỏ lòng biết ơn những gì mà ông cha ra đã để lại, sau đó là lời hứa sẽ hứa cố gắng hơn cho những năm sau, cầu mong sự an lành và phát triển kinh tế cho nhân dân, đất nước. Thông thường thì nghi lễ này sẽ được các báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng theo dõi và phát lại trực tiếp để cho dân chúng khắp nơi trên cả nước cùng nhau theo dõi. Lúc này, tất cả mọi người ai nấy đều nói thầm những lời nguyện cầu từ sâu trong trái tim của mình, mong nhận được sự phù hộ bình an của tất cả thần linh dành cho con cháu.

Sau phần nghi lễ tế những vị vua Hùng là phần hội. Đây cũng chính là phần được mọi người rất mong đợi và vô cùng yêu thích, nhất là với những người thuộc thế hệ trẻ. Mở màn phần hội năm nào hầu như cũng là phần thi kiệu của những làng ở xung quanh. Sự tham gia hào hứng của người dân khiến cho không khí của mùa lễ hội được dâng cao lên rất nhiều. Bởi mỗi cuộc thi, mọi người sẽ xem xét và chấm xem cỗ kiệu của làng nào là đẹp nhất thì tới hội năm sau, cỗ kiệu của làng đó sẽ được thay mắn những làng còn lại để được rước lên đền Thượng làm lễ. Đó chính là niềm vinh hạnh vô cùng lớn lao đối với ngôi làng được giải nhất bởi theo như tập tục cho rằng, ngôi làng có cỗ kiệu được chọn thì trong năm làm ăn sẽ gặp được nhiều may mắn, được các Ngài phù hộ tốt lành. Qua đó, chúng ta có thể thấy rõ được những đặc điểm trong đời sống tâm linh của những làng xã quanh chân núi Hùng nói riêng cùng toàn thể nhân dân Việt Nam nói chung.

Trong lễ hội, chúng ta còn được xem nghi lễ hát Xoan. Đây là nghi lễ vô cùng độc đáo mà chỉ ở nơi đây mới có bởi chiếu theo lịch sử thì đây chính là điệu múa hát được bà Lan Xuân- vợ của vua Lý Thần Tông vô cùng yêu thích và đã có nhiều sự đóng góp giúp cho điệu hát này trở thành điệu hát thờ tại các đền thờ của các vua Hùng. Không chỉ có hát Xoan mà ở đền Hạ còn có tiết mục ca trù. Ca trù cũng là một loại hình ca hát truyền thống của dân tộc Việt Nam chúng ta. Bên ngoài sân, mọi người tụ tập cùng nhau để chơi một số những trò chơi dân gian như đánh cờ, chọi gà, đu quay, đấu vật,.. Với rất nhiều những trò chơi khác nhau, những người đến tham dự lễ hội được thưởng thức bất cứ một loại hình nào mà mình yêu thích. Như những bạn trẻ thường sẽ chọn chơi đánh đu trên những đu quay làm bằng tre, nứa vô cùng chắc chắn. Buổi tối, những người có niềm yêu thích với ca hát có thể cùng nhau tham gia những bài hát đối, hát chèo, hát giao duyên,… ngay tại sân của đền Hạ hoặc đền Giếng. Với biết bao nhiêu những hoạt động bổ ích, hằng năm những lượt khách tới thăm, viếng đền Hùng là vô cùng nhiều. Ai cũng muốn một lần được tới nơi thờ phụng tổ tiên của đất nước để thể hiện tấm lòng thành kính.

Lễ hội Đền Hùng hay Giỗ tổ Hùng Vương là một phong tục rất đẹp trong đời sống tâm linh của dân tộc người Việt Nam ta. Chúng mang những giá trị về văn hóa lịch sử vô cùng to lớn đối với sự phát triển của đất nước từ xưa đến nay. Chính vì vậy mà đã từ lâu, Phú Thọ luôn được coi là thánh địa của cả nước, là cái nôi của dân tộc. Trải qua một quãng thời gian vô cùng dài với biết bao thăng trầm trong lịch sử nhưng nhà nước vẫn luôn cố gắng tổ chức lễ hội Đền Hùng hàng năm để tưởng nhớ tới những vị vua khai sáng ra nước Việt ta. Những người hành hương tìm tới với nơi đây đều mang trong mình những niềm thành kính với mong muốn gửi lên tấm lòng chân thành của mình tới tổ tiên. Điều đó khiến cho chúng ta luôn càng cảm thấy tự hào về nguồn gốc con Rồng cháu Tiên của dân tộc Việt Nam ta.
 

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử - Bài làm 2

Trong chuyến hành trình về với miền núi rừng thiên nhiên hoang dã chúng tôi đã đặt chân đến mảnh đất Kon Tum, nơi đây có bề dày truyền thống lịch sử hào hùng với những trận đánh lịch sử và không ít những sự kiện cách mạng. Đặc biệt là di tích lịch sử ngục Kon Tum - một dấu ấn hào hùng của dân tộc, sự hiện diện của di tích lịch sử ngục Kon Tum là chứng nhân cho những gian khổ, sự hy sinh anh dũng của người dân Tây Nguyên nói riêng và người dân miền Nam nói chung trong quá trình đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền dân tộc.

Trải qua thăng trầm lịch sử, mảnh đất Kon Tum cằn cỗi nắng gió ngày nay đã phát triển không ngừng, trở thành một trong những thành phố núi phát triển của vùng Tây Nguyên. Di tích lịch sử ngục Kon Tum nằm trên đường Trương Quang Trọng, phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum, nằm ở phía bắc hạ lưu của dòng sông Đắk Bla nơi có những hàng cây xà cừ vươn cao bóng cả. Trong chiến tranh kháng chiến chống Pháp những năm 1930, thực dân Pháp đã cho xây dựng nhà ngục Kon Tum làm nơi giam giữ các tù binh chính trị, các chiến sĩ cách mạng yêu nước của ta bị bắt từ Nghệ An, Hà Tĩnh và Thừa Thiên Huế trong giai đoạn phong trào Xô Viết- Nghệ Tĩnh 1930-1931. Ngục Kon Tum còn là nơi cung cấp công nhân đi khai phá cao nguyên, đi làm đường, chính vì bị bắt đi khai phá và làm đường nên các tù binh của ngục tù Kon Tum đã nhiều lần phát động các cuộc biểu tình, đã có những cuộc biểu tình khiến nhiều người chết và bị thương thế nhưng phải đến tháng 12 năm 1935 nhà ngục Kon Tum mới đóng cửa. Sau năm 1975 khi đất nước đã hoàn toàn thống nhất, hòa bình lặp lại trên cả 2 miền Nam - Bắc, nơi đây đã trở thành một di tích sót lại của chiến tranh, ngày 16/11/1988 nhà tù Kon Tum chính thức được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Khu di tích có khuôn viên rộng, nhiều cây xanh và đã được tu sửa lại nhiều hạng mục, tổng thể gồm 4 khu vực chính là Nhà tưởng niệm, Nhà truyền thống, Cụm tượng đài "Bất khuất" và Hai ngôi mộ tập thể. Ngục Kon Tum từng được gọi là "địa ngục trần gian" bởi ở nơi đây có hơn 500 chiến sĩ cách mạng của ta bị giam giữ, đọa đày đến cùng cực, thực dân Pháp hành hạ tù binh bằng lao động khổ sai, làm thì khổ cực mà không làm thị bị giết một cách man rợ hoặc là thiêu sống hoặc là chôn sống. Chỉ tính đến tháng 6 của năm 1930 đã có 170 chiến sĩ của ta bị giết tại ngục Kon Tum, sự hy sinh của các anh đã trở thành động lực cho phong trào đấu tranh chống Pháp lan rộng ra khắp các tỉnh Tây Nguyên. Có thể nói, di tích lịch sử ngục Kon Tum có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với người dân Kon Tum, Tây Nguyên nói riêng và người dân Việt Nam nói chung. Là nơi để chúng ta ghi nhớ về tinh thần chiến đấu bất khuất, sự hy sinh quả cảm, anh dũng của những chiến sĩ cách mạng. Rất nhiều những nhà lãnh đạo đã đến viếng thăm nhà ngục như Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng,... Bên cạnh đó mỗi năm có đến 10 nghìn lượt khách du lịch trong nước và quốc tế đến đây tham quan, dâng hương kính viếng. Các trường học cũng lựa chọn đây là điểm đến tham quan, tìm hiểu lịch sử dân tộc, tinh thần cách mạng Việt Nam.

Chúng tôi cùng nhau thắp những nén hương, đặt những bông hoa tươi thắm nhất gửi đến các chiến sĩ với lòng tưởng nhớ và biết ơn sâu sắc. Các anh đã hy sinh nhưng tên tuổi của các anh đã gắn liền với dân tộc, người dân Việt Nam đời đời nhớ đến những chiến sĩ cách mạng tại ngục tù Kon Tum.
 

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử - Bài làm 3

Mảnh đất cố đô Huế thâm trầm, sâu lắng ghi dấu về triều đại phong kiến cuối cùng của nước ta với những công trình lăng tẩm, đền đài và nền nhã nhạc cung đình Huế. Khi nhắc đến thời kì hưng thịnh của Phật giáo Đàng trong, người ta thường gợi nhớ đến ngôi chùa Thiên Mụ - một vẻ đẹp thanh tịnh bên dòng sông Hương thơ mộng.

Chùa Thiên Mụ nằm trên một ngọn đồi (đồi Hà Khê) bên phía tả ngạn sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5km. Theo truyền thuyết khi chúa Nguyễn Hoàng đi dọc bờ sông Hương xem xét địa thế nơi đây để chuẩn bị cơ đồ nghiệp lớn, xây dựng giang sơn đã nhìn ra ngọn đồi Hà Khê với thế đất hình con rồng quay đầu nhìn lại, Chúa đã cho xây dựng một ngôi chùa trên đồi, hướng về phía sông Hương đặt tên là "Thiên Mụ". Năm Tân Sửu 1601 chùa Thiên Mụ chính thức được khởi công xây dựng dưới thời chúa Tiên - Nguyễn Hoàng, giai đoạn 1691 - 1725 chùa được xây dựng quy mô hơn và trùng tu với nhiều công trình kiến trúc đồ sộ như: Điện Đại Hùng, nhà Thuyết Pháp, lầu Tàng Kinh,... còn rất nhiều công trình không giữ được đến ngày nay. Đến năm 1844 chùa lại được kiến trúc lại với ngôi tháp bát giác Phước Duyên, đình Hương Nguyện. Trận bão lịch sử năm 1904 quét qua đã tàn phá chùa với nhiều công trình hư hỏng mãi đến năm 1907 mới được xây dựng lại nhưng không được như trước. Qua nhiều đợt kiến trúc, trùng tu, ngày nay chùa vẫn giữ được nhiều những công trình quy mô, đồ sộ và nhiều những cổ vật quý giá như tượng phật, những bức hoành phi câu đối. Tháp Phước Duyên trở thành biểu tượng của chùa Thiên Mụ, tháp cao 21m gồm 7 tầng, mỗi tầng đều có tượng Phật. Lầu Tàng Kinh là nơi chứa 1000 bộ kinh Phật mà chúa Quốc đã cho người sang Trung Quốc để mua. Khuôn viên chùa khá rộng, quang đãng và thoáng mát với những vườn hoa cỏ, hòn non bộ, hàng loạt những bia đá ghi lịch sử xây dựng chùa và các bài thơ văn của nhà vua, đặc biệt là bài thơ "Thiên Mụ chung thanh" do vua Thiệu Trị sáng tác được đặt ở cổng chùa. Không có gì bàn cãi khi chùa Thiên Mụ được coi là ngôi chùa đẹp nhất xứ Huế nói riêng và đàng trong nói chung, nơi đây không chỉ mang ý nghĩa tâm linh thờ Phật mà đã từng trở thành nơi lập đàn Tế Đất dưới triều Tây Sơn. Tại chùa Thiên Mụ còn lưu giữ di vật chiếc ô tô của cố Hòa Thượng Thích Quảng Đức để lại sau khi châm lửa tự thiêu trên đường phản đối chính sách đàn áp Phật giáo.

Là ngôi chùa thu hút nhiều khách du lịch nhất ở Huế, chùa Thiên Mụ mang trong mình những dấu ấn lịch sử, vẻ đẹp thanh tịnh, trầm mặc. Đến với xứ Huế ta cảm nhận được nét mộng mơ, trữ tình, và đến thăm chùa Thiên Mụ ta sẽ được lắng đọng tâm hồn, tìm lại bình yên giữa cuộc sống xô bồ nhộn nhịp.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây