Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Viết bài văn kể lại một chuyến đi tham quan một di tích lịch sử, văn hoá: Tham quan khu di tích Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng

Thứ tư - 24/04/2024 09:53
Thứ bảy vừa qua, lớp em được nhà trường cho đi tham quan khu di tích Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng - biểu tượng thiêng liêng nằm tại mảnh đất “trung dũng kiên cường” - Quảng Nam. Đây là tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng lớn nhất nước ta và cả khu vực Đông Nam Á.
Đúng 7 giờ, chiếc xe buýt từ từ lăn bánh qua cổng trường, không khí trên xe thật là nhộn nhịp, các bạn nói cười rôm rả. Xe bắt đầu rẽ vào đường Lạc Long Quân, chạy bon bon trên con đường thẳng tắp, rồi chầm chậm qua cầu Cửa Đại. Khung cảnh trên cầu thật nên thơ, nước biển xanh bao la sâu thẳm, những con sóng vời vợi vỗ bờ cát trắng phau tuyệt đẹp. Từ đây, xe bắt đầu di chuyển nhanh trên đường Võ Chí Công, hai bên đường là hàng thông, rừng tràm bát ngát. Khoảng hơn một giờ đồng hồ, cuối cùng xe dừng lại trước một không gian rộng rãi trên đường Lê Thánh Tông, thành phố Tam Kỳ. Đã đến khu di tích, các em xuống xe trật tự - tiếng cô giáo chủ nhiệm dõng dạc nói.

Vừa bước xuống xe, đập vào mắt em là một khung cảnh nguy nga tráng lệ với một dãy 8 cột tròn to sừng sững, uy nghi chạm khắc hoa văn tinh xảo và hình dáng các người mẹ, người anh, người con đã đóng góp công lao to lớn vào công cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Kế tiếp là khoảng sân rộng mênh mông, chúng em sắp hàng ngay ngắn đi vào theo sự hướng dẫn của cô giáo chủ nhiệm. Dừng chân trước bậc thềm đầu tiên, cô giáo nói:
- Các em có thấy hai bên là các ô thảm cỏ xanh rì không?
- Dạ có ạ, chúng em đồng thanh trả lời.
- Tất cả có 30 ô thảm cỏ tượng trưng cho 30 năm trường kỳ kháng chiến của dân tộc ta đó các em ạ.
- Còn bên cạnh đây là 30 ngọn đèn đá nằm dọc theo lối vào, là biểu tượng tượng trưng cho 30 năm mòn mỏi, vất vả của người mẹ đợi chờ các con đi kháng chiến trở về.
Lên trên cùng là quần thể tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, lấy nguyên mẫu mẹ Nguyễn Thị Thứ quê xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Mẹ Thứ có 12 người con, cháu hi sinh trong cuộc kháng chiến giành lại độc lập tự do cho Tổ Quốc.

Dừng chân trước lư hương lớn, cô giáo đốt hương và chia cho từng em thực hiện nghi lễ viếng Mẹ Việt Nam anh hùng. Trong không khí trang nghiêm, thoang thoảng mùi hương thơm, khói hương lượn vòng bay lên nghi ngút, hình tượng mẹ Thứ hiện lên thật hiền dịu mà uy nghi tráng lệ. Trên khuôn mặt không dấu nỗi khắc khổ, nheo đôi mắt nhìn xa xăm như hằng trông đợi các con đi kháng chiến trở về. Hai cánh tay hình vòng cung ôm trọn mười hai người con, cháu trong lòng thể hệ sự chở che bao bọc của mẹ dành cho con luôn ấm áp tình yêu thương. Bên dưới tượng đài là hồ nước trong xanh tượng trưng cho suối nguồn tình mẹ vô tận, bao la như trời biển. Hai bên tượng đài là hai thảm hoa lớn được trang trí với nhiều hoạ tiết, sắc thái của 54 dân tộc Việt Nam, tượng trưng cho những cánh hoa của các con thuộc 54 dân tộc Việt Nam dâng lên Mẹ.
Điều làm em bất ngờ không kém là phía trong ruột tượng đài còn ẩn chứa một bảo tàng rộng lớn “ĐỜI ĐỜI NHỚ ƠN CÁC BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG”, chứa đựng vô vàn những hình ảnh, kỷ vật của gần 50 nghìn Mẹ Việt Nam anh hùng trên khắp đất nước. Mỗi hiện vật đều gắn liền một câu chuyện cảm động về các Mẹ Việt Nam anh hùng đầy đức hy sinh, cống hiến của các Mẹ trong sự nghiệp đấu tranh đấu tranh giải phóng dân tộc. Những thước phim tư liệu quý giá về những ngày lịch sử, huyền thoại về những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn, ngã ba Đồng Lộc,… càng làm cho em cảm thấy xúc động trào dâng niềm tự hào dân tộc vô bờ bến.

Dạo bước ra phía sau tượng đài là một vườn đá. Những tảng đá lớn, được mài nhẵn một phần trên đó chạm khắc những bài thơ như một khúc tráng ca về Mẹ Việt Nam anh hùng bất khuất, trung hậu, đảm đang.

Qua hơn ba giờ đồng hồ tham quan mắt thấy, tai nghe những câu chuyện huyền thoại về Mẹ, đã để lại trong em thật nhiều xúc động vinh dự và tự hào. Những cảnh quan, đài tượng, hiện vật, kỷ vật, thơ ca,… về các Mẹ mang ý nghĩa lịch sử, văn hoá lớn lao. Toàn thể tượng đài làm cho em thật sự choáng ngợp bởi vẻ bề thế, thiêng liêng, trang trọng mà thế hệ hôm nay đã dựng xây nên để tưởng nhớ công lao trời bể của bao thế hệ đi trước, thật quá đỗi tuyệt vời. Đúng như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh từng răn dạy: “Dân tộc ta và Đảng ta đời đời biết ơn các bà mẹ Việt Nam đã sinh ra và cống hiến những người ưu tú, đã và đang chiến đấu anh dũng tuyệt vời bảo vệ non sông gấm vóc do tổ tiên ta để lại”. Em tự hứa với lòng sau này lớn lên sẽ cống hiến hết sức mình để xây dựng đất nước ta ngày một giàu đẹp hơn và thường xuyên ghé lại thăm khu di tích này như một lời nhắc nhở tri ân sâu sắc.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây